Siết trái phiếu, Tập đoàn Masan chọn huy động vốn qua thị trường cổ phiếu

Tập đoàn Masan (mã: MSN) chọn phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn do kênh huy động vốn từ trái phiếu, tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ.

Masan cùng công ty con ồ ạt huy động vốn qua phát hành cổ phiếu

Việc cơ quan chức năng kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản, gồm kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu khiến bài toán huy động vốn để đảm bảo tiến độ kinh doanh đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Do đó, việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ được xem là giải pháp huy động vốn khả dĩ.

Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất cũng tranh thủ huy động vốn trên thị trường chứng khoán, điển hình là Tập đoàn Masan.

co-phieu-tap-doan-masan-1-145754-062b5696-1654749308.jpg

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, HĐQT Tập đoàn Masan đã trình cổ đông phương án phát hành tối đa 142,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 12%, giá bán sẽ không thấp hơn trị giá sổ sách theo BCTC hợp nhất đã được kiểm toán của công ty. Số tiền thu được nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động, đầu tư góp vốn vào các công ty con, mua bán sáp nhập doanh nghiệp,…

Số cổ phiếu trên sẽ hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 hoặc 2023. 

Đồng thời, Tập đoàn Masan có kế hoạch phát hành 5,9 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá bán là 10.000 đồng/cp và được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Ngoài ra, ngày 9/5 vừa qua, Tập đoàn Masan niêm yết bổ sung 236,1 triệu cổ phiếu sau khi phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 2.361 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ của công ty lên 14.166 tỷ đồng.

Mới đây, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan cũng vừa thông qua nghị quyết triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng dự kiến tối đa 7.083.207 triệu cổ phiếu, tương ứng tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành.

Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 89% so với giá cp MSN chốt phiên 16/5 là 90.200 đồng/cp. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu là từ ngày 30/5/2022 đến 8/6/2022.

ESOP sẽ được phát hành cho nhân viên công ty, các công ty con, công ty liên kết, có thành tích nổi bật, đóng góp đặc biệt vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, hoặc đem lại giá trị tăng trưởng về mặt dài hạn và có cam kết gắn bó lâu dài.

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II, sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tương tự, Masan MEATLife (mã MML) – thành viên của Tập đoàn Masan cũng  trình ĐHĐCĐ phương án chào bán riêng lẻ 32,8 triệu cp (tương ứng 10% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho tối đa 99 nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện là trong năm 2022 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng ESOP của công ty, các công ty con và các công ty liên kết. Số lượng cổ phiếu tối đa phát hành dự kiến là hơn 1,6 triệu cp với giá chào bán là 60.000 đồng/cp, chỉ bằng 78% thị giá của cổ phiếu MML kết thúc phiên 13/4. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian phát hành là sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Sau khi kết thúc hai đợt phát hành trên, vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng từ 3.286 tỷ đồng lên 3.630 tỷ đồng. Mục đích của hai đợt phát hành này nhằm tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của công ty; đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết hoặc để đầu tư các dự án M&A.

Thị trường chứng khoán không thuận lợi, cổ phiếu MSN lao dốc

Trước những diễn biến không thuận lợi trên thị trường chứng khoán vừa qua, cụ thể chỉ số VN-Index đã lao dốc từ hơn 1.500 điểm đầu tháng 4 xuống dưới 1.200 điểm vào giữa tháng 5, hàng loạt cổ phiếu giảm sâu tới 30-40% trong giai đoạn này thậm chí mất trên nửa giá trị. Và giá cổ phiếu MSN cũng không ngoại lệ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6, thị giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan giao dịch quanh mức 117.90 đồng/cp, giảm tới 22% so với thời điểm đầu tháng 4/2022.

Tương tự, thị giá cổ phiếu MML giao dịch ở mức 67.200 đồng/cp, giảm hơn 10% so với đầu tháng 4/2022.

Với giá cổ phiếu hiện nay, chắc hẳn kế hoạch phát hành thêm hàng chục triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh trở nên chênh vênh hơn.

co-phieu-tap-doan-masan-145210-49b801f0-1654749332.jpgDiễn biến cố phiếu MSN từ đầu năm đến nay.

Đầu tháng 4 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động, trong đó thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.

Do nhu cầu vốn vẫn tăng cao, đặc biệt sau giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng huy động vốn trên sàn chứng khoán thông qua hoạt động phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua.