Số ca F0 trong cộng đồng tại nhiều địa phương tiếp tục tăng cao

Nhiều tỉnh, thành phố vẫn ghi nhận số ca nhiễm trong cộng đồng ở mức cao. Một số địa phương chủ động điều trị F0 tại nhà để giảm áp lực lên hệ thống y tế.

Mặc dù triển khai nhiều biện pháp phòng dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi, nhiều địa phương trên cả nước vẫn ghi nhận số ca nhiễm cao, khoảng 1/2 là F0 cộng đồng. Nhiều địa phương tiếp tục đã siết chặt một số hoạt động trên địa bàn, xây dựng thêm kịch bản để ứng phó với diễn biến dịch.

Trong ngày 21/11, cả nước ghi nhận 9.882 ca F0 mới tại 57 địa phương, trong đó, 5.361 ca trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ hơn 54%.

Dịch Covid-19 tiếp tục "nóng" ở Đông Nam bộ

TP.HCM vẫn đang là "điểm nóng" nhất cả nước dù địa phương này đã chuyển sang chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo nghị quyết của Chính phủ.

Tuy nhiên, do thành phố là đầu mối giao thương và lao động, mầm bệnh trong cộng đồng vẫn mức cao, TP.HCM tiếp tục ghi nhận số lượng F0 mới và tỷ lệ tử vong cao nhất cả nước. Đáng lo ngại, khoảng 2 tuần gần đây, số ca bệnh mới tại thành phố tăng trở lại, trung bình trên 1.000 ca/ngày.

Ngành y tế TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều kịch bản để ứng phó với diễn biến dịch. Thành phố cũng tăng cường thêm thuốc Molnupiravir để cấp cho F0 tại nhà, kích hoạt hệ thống chăm sóc, tư vấn cho F0 và kéo giảm tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất.

Diễn biến dịch Covid-19 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh thời gian qua khiến nhiều người lo ngại. Liên tiếp 5 ngày, 2 địa phương này luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh có số lượng F0 cao nhất cả nước.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, thời gian gần đây, số ca F0 tăng cao trong cộng đồng, các khu công nghiệp. Chỉ trong vòng 5 ngày, Tây Ninh đã có 2.512 ca mắc mới. Từ 0h ngày 22/11, địa phương này tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người.

Trong khi đó, số ca mắc mới ghi nhận ngoài cộng đồng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng tăng nhanh nhiều tuần qua. Theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 21/11, trong vòng 24 giờ, tỉnh này ghi nhận 541 ca mắc mới nhưng có đến 430 trường hợp ngoài cộng đồng, chiếm tỷ lệ hơn 79%.

Đánh giá của lãnh đạo tỉnh, dịch tiềm ẩn và lây lan trong dân cư. Nhiều ổ dịch lớn tập trung ở các chợ, cảng cá, khu công nghiệp, phòng trọ. Tỉnh này không đặt mục tiêu tách F0 ra khỏi cộng đồng nhưng phải kéo giảm tối đa số ca mắc kiểm soát dịch để tiến tới mở cửa.

Nhiều tỉnh miền Tây điều trị F0 tại nhà

Cần Thơ là tỉnh có số lượng F0 tăng nhanh trong nhiều ngày qua. Công văn mới nhất của UBND TP Cần Thơ cũng nêu tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố phức tạp, số ca mắc mới tăng cao, trung bình các quận, huyện đều ghi nhận trên 100 F0/ngày.

Số lượng F0 tăng đột biến, hệ thống y tế Cần Thơ đối mặt tình trạng quá tải, các bệnh viện tầng 1 đã phải bố trí thêm giường cao hơn công suất để tiếp nhận bệnh nhân. Từ ngày 20/11, Ban chỉ đạo tỉnh đã thông qua điều trị F0 tại nhà, chăm sóc qua trạm y tế lưu động để giảm tải cho hệ thống điều trị.

Đồng Tháp hiện có đến 14 xã thuộc vùng đỏ (cấp độ 4 - nguy cơ rất cao). Hôm qua, tỉnh này đứng 5 cả nước về số lượng F0 (chỉ sau TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) với 508 ca, trong đó có 178 ca cộng đồng.

Tính đến ngày 21/11, tỉnh này đã tiêm được 1.858.482 liều vaccine phòng Covid-19, (mũi 1 đạt tỷ lệ 90,72% dân số, mũi 2 đạt 60,96%).

Cấp độ dịch trên toàn tỉnh Bạc Liêu vẫn ở mức nguy cơ cao (cấp 3, vùng cam). Trong ngày 21/11, toàn tỉnh có 356 F0 dương tính qua xét nghiệm rRT-PCR, trong đó, số ca nhiễm tại cộng đồng là 201 ca.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ban hành quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động, không tập trung trên 10 người (ngoài phạm vi công sở, cơ sở y tế, điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cơ sở sản xuất, kinh doanh); áp giờ giới nghiêm từ 20h hôm trước đến 4h hôm sau.

An Giang là một trong những địa phương "nóng" tại miền Tây với số lượng ca nhiễm liên tục cao. Gần đây, tổng ca mắc có chiều hướng giảm, tuy nhiên, số ca lượng F0 tại cộng đồng vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 21/11, tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm một mũi vaccine ở An Giang đạt trên 95,67%, tỷ lệ mũi 2 là 76,46%.

Tương tự, số ca mắc mới tại Tiền Giang cũng có sự suy giảm. Trong số 143 F0 mới ngày 21/11, có 117 ca trong khu cách ly và 26 ca phát hiện trong cộng đồng.

Tuy nhiên, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại tỉnh Bến Tre tăng nhanh. Số ca trong ngày đều ghi nhận ở 3 con số. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre nhận định khu công nghiệp là nơi có nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Ngành y tế tỉnh đang phối hợp các khu công nghiệp để triển khai giải pháp phù hợp với hy vọng khắc phục, kiềm chế được F0 xuất hiện tại đây.

Tính đến nay, các tỉnh khu vực Tây Nam bộ đang áp dụng giải pháp cách ly, điều trị F0 tại nhà gồm: Trà Vinh, Cà Mau, Long An, An Giang, một số địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ.

Hà Nội chuẩn bị kịch bản 100.000 ca mắc

Kịch bản này lãnh đạo thành phố giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng tại cuộc họp vơíBan Chỉ đạo với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các giải pháp phòng, chống dịch ngày 20/11.

Trong khoảng một tháng nay, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại TP. Hà Nội tiếp tục tăng nhanh với nhiều ổ dịch phức tạp. Địa phương này có bộ bao phủ vaccine ở mức cao song tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 cho người trên 50 tuổi mới ở mức 77,2% (yêu cầu tối thiểu là 80%).

Nguồn: CDC Hà Nội.

Hà Nội vẫn kiên trì áp dụng giải pháp chống dịch giai đoạn trước là cách ly tập trung F1 (áp dụng tại 4 quận lõi) và điều trị F0 tại cơ sở y tế. Tại cuộc họp mới đây ngày 20/11, thành phố thống nhất quan điểm chỉ cách ly tại nhà khi đã nghiên cứu kỹ và có tiêu chuẩn cụ thể đáp ứng đủ điều kiện.

Các quận, huyện đã rà soát, lập danh sách thành lập thêm khu cách ly tập trung, nâng công suất lên 100.000 chỗ cách ly.

Trong ngày 20/11, cả nước có 1.298.149 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 107.861.131 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 66.706.890 liều, tiêm mũi 2 là 41.154.241 liều, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine là 58,79%.