Chiều 11-11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn TP.HCM.
Vẫn còn ca nặng và tử vong
Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 10-11, có 443.212 trường hợp mắc bệnh phát hiện trên địa bàn được Bộ Y tế công bố.
Hiện các cơ sở điều trị đang điều trị hơn 11.500 bệnh nhân, trong đó có 618 trẻ em dưới 16 tuổi, 232 ca nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 10-11, có 1.228 bệnh nhân nhập viện và 865 bệnh nhân xuất viện, 38 trường hợp tử vong trong ngày.
TP đã thực hiện tiêm hơn 7,8 triệu mũi 1 vaccine phòng COVID-19, hơn 5,89 triệu mũi 2.
Phân tích về số ca tử vong trong những ngày gần đây, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện số ca thở ôxy vẫn từ hơn 1.800 ca trở lên chứ chưa giảm, trong đó số ca thở máy xâm lấn dao động 230-250 ca. Nếu số ca tử vong giảm thấp nhất còn 21 ca vào ngày 30-10 thì sau đó con số này vẫn dao động 21-42 ca, những ngày gần đây có một số ca nặng chuyển viện ở các tỉnh khác lên.
Trong 38 ca tử vong ngày 10-11, có ba ca ở Long An, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Trong số này có 34 ca có bệnh nền và bốn ca không có bệnh nền. Có hai ca tử vong ở độ tuổi 18-50, 15 ca ở độ tuổi 50-65 và 21 ca trên 65 tuổi (chiếm 55%). Trong số này có 20 người chưa tiêm vaccine, 12 người trên 65 tuổi và có bệnh nền, một số người nằm liệt một chỗ nhiều năm nay. Còn lại có hai người đã tiêm mũi 1, 10 người tiêm đủ hai mũi vaccine đều trên 50 tuổi và có bệnh nền.
“Như vậy, số ca tử vong vẫn tập trung ở nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền, đặc biệt là những người nằm một chỗ lâu ngày chưa được tiêm vaccine” - ông Châu nhận định và cho biết Sở Y tế đã lưu ý Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện tìm kiếm, phát hiện những đối tượng lớn tuổi, nằm một chỗ chưa được tiêm vaccine để tiêm vaccine hoặc có giải pháp bảo vệ họ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng, những người trẻ cần cẩn thận khi di chuyển bên ngoài, tránh mang mầm bệnh về cho người thân hoặc đi thăm những người già yếu, nằm một chỗ tại nhà.
Lý giải về vấn đề người tiêm hai mũi vaccine vẫn tử vong, TS-BS Châu nhấn mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 làm giảm khả năng mắc bệnh, khi mắc bệnh thì giảm tỉ lệ bệnh nặng. Với chủng virus Delta, người tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn nhiễm và nhiễm bệnh vẫn có tỉ lệ diễn tiến nặng và tử vong. Tuy nhiên, so sánh giữa hai nhóm, tỉ lệ nhiễm bệnh và chuyển nặng ở nhóm có tiêm vaccine thấp hơn. “Nghiên cứu bỏ túi so sánh nhóm tiêm và không tiêm ở BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM thì số ca nặng, thở máy xâm lấn ít hơn đáng kể so với số không tiêm vaccine” - ông Châu nêu dẫn chứng.
Liên quan đến gói thuốc điều trị cho F0 tại nhà, đặc biệt là gói thuốc C, ông Châu nhìn nhận thời gian gần đây số ca bệnh tăng lên nhưng các trạm y tế do lực lượng quân y phụ trách lần lượt rút đi nên có hiện tượng quá tải cục bộ ở một số nơi. Do đó, Sở Y tế đã điều động các bệnh viện được phân công phụ trách từng khu vực xuống tăng cường hỗ trợ trạm y tế địa phương để kịp thời phát túi thuốc và chuyển bệnh nhân nặng vào cơ sở điều trị.
Hình ảnh bệnh nhân mắc COVID-19 phải can thiệp ECMO tại Trung tâm Hồi sức COVID-19, TP Thủ Đức hồi cuối tháng 10. Ảnh: NGUYỆT NHI
Lo ngại “cơn bão cytokine” ở bệnh nhân trẻ
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu lo ngại khi ca bệnh tăng lên, không loại trừ người trẻ tuổi mắc bệnh nặng và tử vong, chẳng hạn những người có cơ địa đặc biệt, có phản ứng miễn dịch quá mức sinh ra “cơn bão cytokine”.
Dương tính nhưng không báo địa phương
Tại cuộc họp, đại diện hai địa bàn có số ca mắc tăng cao trong những ngày gần đây là huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác phòng chống dịch và tìm giải pháp khắc phục, khống chế số ca nhiễm và quan tâm, chăm lo F0 tại nhà.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết huyện Nhà Bè đang được đánh giá dịch ở cấp độ 2. Tuy nhiên, những ngày gần đây số ca bệnh có dấu hiệu gia tăng. Từ ngày 5 đến 9-11, địa bàn phát sinh 543 ca, trong đó có 250 ca làm ở các doanh nghiệp và khu chế xuất (Hiệp Phước, Long Hậu - Long An,
Tân Thuận).
Theo ông Nguyễn, có nhiều nguyên nhân khiến số ca tăng như việc nới lỏng giãn cách tạo điều kiện lưu thông, tiếp xúc của người dân tăng lên. Một bộ phận người dân còn chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng dịch, có tâm lý đã tiêm hai mũi vaccine nên không bị nhiễm.
Qua đánh giá, có gần 50% ca nhiễm xuất phát từ các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất. Các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp này chưa được đầy đủ theo quy định của TP. “Một số doanh nghiệp khi xét nghiệm cho công nhân có kết quả dương tính cho về địa phương nhưng không hề thông báo. Có những người chủ động ra trạm y tế trình báo thì còn chủ động xử lý nhưng có những người về nhưng không thông báo là nguy cơ lây lan dịch. Các công nhân lưu trú ở những nhà trọ nhỏ, không gian chật hẹp nên việc lây nhiễm chuyển biến nhanh” - ông Nguyễn phân tích.
Để kiểm soát tình hình dịch, ông Nguyễn thông tin bên cạnh cách ly, giám sát F0 tại nhà theo quy định, huyện vận động các chủ nhà trọ khai báo nắm thông tin đầy đủ của người lưu trú, đồng thời dành 50% công suất của nhà trọ thực hiện việc cách ly nếu phát hiện các trường hợp F0.
Huyện đã làm việc với các KCN để thống nhất các phương án phòng dịch ngay tại cơ sở. KCN Hiệp Phước thống nhất thành lập khu cách ly F0 ngay trong KCN, đảm bảo khi phát hiện F0 sẽ đưa về đây cách ly; tổ chức trạm y tế lưu động tại đây để kịp thời xử lý các F0.
Đối với KCN Long Hậu, trước mắt thiết lập đường dây nóng để kịp thời trao đổi thông tin về tình hình ca bệnh làm ở KCN nhưng cư trú tại huyện Nhà Bè.
Tại huyện Hóc Môn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu cho biết địa bàn được đánh giá dịch cấp độ 2 và số ca nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng. Từ ngày 29-10 đến 4-11, địa bàn có 342 ca dương tính. Trong ngày 10-11, có 633 ca nhiễm trong cộng đồng cũng như tại các hộ gia đình.
Bà Châu đánh giá nguyên nhân dịch gia tăng trên địa bàn là do huyện có địa bàn rộng và dân đông, tiếp xúc với nhau sau thời gian nới lỏng giãn cách.
“Vì Hóc Môn là huyện ngoại thành nên hộ dân thường là bà con trong cùng một khu vực sát nhau nên có chủ quan, lơ là. Nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động lại, trong đó có lượng người địa phương trở lại làm việc phải test nhanh để vào làm việc thì dương tính. Trong khi đó, việc quản lý nhân công của chủ doanh nghiệp còn lơ là, để cho các ca nhiễm quay về cộng đồng” - bà Châu nêu. Ngoài ra, theo bà Châu, huyện Hóc Môn cũng có một số xã giáp ranh với KCN, có nhiều nhà trọ không gian nhỏ nên dễ lây lan dịch.
Về giải pháp, bà Châu cho biết huyện xác định xây dựng nhiều phương án, trong đó xây dựng được BV dã chiến với quy mô 300 giường dự kiến vận hành vào tuần sau; ban hành quy trình hướng dẫn xử lý chăm sóc F0 tại cộng đồng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của ba đơn vị, nhất là tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, trạm y tế lưu động, trạm y tế phường/xã/thị trấn; tăng cường cấp thuốc điều trị cho người dân an tâm điều trị tại nhà, tăng cường phát gói thuốc C theo hướng dẫn...
Đã tiêm vaccine cho hơn 650.000 trẻ em
Về tình hình tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết theo thống kê, có hơn 700.000 trẻ em trong độ tuổi được tiêm vaccine.
Trong số này có 94,8% phụ huynh đồng thuận cho con em được tiêm. Qua khám sàng lọc, có 651.468 trẻ được tiêm, chiếm tỉ lệ 92,8%. Có 54 trẻ có phản ứng nhẹ, sốt, đau chỗ tiêm. Kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em độ tuổi này đã cơ bản hoàn thành, các quận, huyện còn đang tiếp tục tiêm vét để đảm bảo số trẻ được tiêm cao nhất.