Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 29/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 4/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 292.652.910 ca mắc COVID-19, trong đó 5.465.344 ca tử vong. Số ca hồi phục là 255.124.392 ca.
Mỹ là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất với 56.924.713 ca nhiễm, trong đó 848.704 ca tử vong. Mỹ đang ghi nhận trung bình hơn 400.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, tăng gấp đôi so với tuần trước và con số này được dự báo sẽ sớm tăng lên 1 triệu.
Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng, phần lớn là do biến thể Omicron, ông Antony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, cho rằng theo dõi tỷ lệ nhập viện đang gia tăng là một cách để đánh giá tác động của biến thể này.
Nhằm mở rộng đối tượng tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép tiêm mũi tăng cường cho những người từ 12-15 tuổi, trong đó sử dụng vaccine của hãng Pfizer/Biontech.
Tại Venezuela, chính phủ nước này thông báo đã khởi động chiến dịch tiêm chủng tăng cường chống lại COVID-19, bắt đầu với các nhân viên y tế và sau đó sẽ là những người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản 6 tháng trước đó.
Bộ trưởng Bộ Y tế Carlos Alvarado cho biết nước này sử dụng vaccine Sputnik Light của Nga và Sinopharm của Trung Quốc cho các liều tăng cường, tuy nhiên không tiết lộ thêm chi tiết về quy trình và khối lượng vaccine hiện có mà chỉ khẳng định rằng đất nước hiện đã có đủ lượng sinh phẩm cần thiết để tiêm nhắc lại.
Theo chính phủ Venezuela, 90% dân số nước này, tương đương khoảng 28 triệu người, đã tiêm vaccine. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho rằng chỉ 40,4% người dân Venezuela đã tiêm chủng đủ liều cơ bản.
Hiện quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận tổng cộng 444.972 ca mắc, trong đó 5.333 trường hợp tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga cho biết nước này dự kiến sẽ nhận được những liều vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em đầu tiên vào nửa cuối tháng này.
Ông Queiroga khẳng định chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em đã được "xác định rõ ràng và minh bạch" sau khi thảo luận xã hội rộng rãi.
Trước đó, ngày 16/12/2021, Cơ quan Giám sát vệ sinh quốc gia (Anvisa) đã cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer/Biontech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, và ngày 31/12 cùng năm, Bộ trưởng Queiroga đã đảm bảo chương trình chủng ngừa cho trẻ em sẽ bắt đầu vào đầu tháng 1 này.
Ở Cuba, số ca mắc mới đã liên tục tăng trong suốt 2 tuần qua. Ngày 3/1, đảo quốc Caribe ghi nhận 556 ca nhiễm mới và không có ca tử vong. Sau 13 tuần liên tục ghi nhận xu hướng giảm, số ca mắc COVID-19 tại Cuba đang tăng trở lại.
Kể từ khi phát hiện ca COVID-19 đầu tiên hồi tháng 3/2020, Cuba đã ghi nhận tổng cộng 967.498 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 8.324 ca tử vong.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại La Paz , Bolivia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Italy có thể đối mặt với nguy cơ 2 triệu người mắc COVID-19 do sự lây lan của biến thể Omicron, các bệnh viện có thể bị quá tải và người lao động cần làm việc từ xa.
Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) cho biết một nghiên cứu về nước thải cho thấy biến thể Omicron đang lây lan ở hầu hết các vùng ở nước này trong tháng 12/2021.
Nghiên cứu trên đã phát hiện ra biến thể rất dễ lây lan này trong hệ thống nước thải của 14/20 vùng của Italy trong tuần từ ngày 19-25/12, so với 1 khu vực hồi đầu tháng 12.
Biến thể Omicron được tìm thấy trong 28,4% của 282 mẫu nước thải. Ngày 3/1, Italy có 68.052 ca nhiễm mới, so với 61.046 ca của ngày 2/1, và 140 ca tử vong.
Trong khi đó, số ca mới nhiễm mới tại Nga tiếp tục giảm mạnh. Ngày 3/1, nước này đã ghi nhận 16.343 ca nhiễm mới, số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 17/6/2021.
Cùng ngày, Nga thông báo có 835 người tử vong vì COVID-19. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại Nga đã tăng lên lần lượt là 10.554.309 ca và 311.353 ca.
Ở châu Á, chính phủ Indonesia đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh, kể cả những người đến từ các quốc gia có nhiều ca nhiễm biến thể Omicron.
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết thời gian cách ly 14 ngày sẽ được rút ngắn xuống 10 ngày, trong khi thời gian cách ly 10 ngày chỉ còn 7 ngày.
Trước đó, công dân Indonesia và du khách quốc tế đến từ các quốc gia có nhiều ca nhiễm Omicron phải cách ly 14 ngày, trong khi những người còn lại phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc 10 ngày.
Tuy nhiên, Indonesia sẽ không miễn cách ly đối với du khách quốc tế và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đã được Bộ trưởng Nội vụ ban hành.
Ông Luhut cũng kêu gọi công chúng duy trì thực hiện những quy định phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và thường xuyên rửa tay sát khuẩn, đồng thời tuân thủ các quy trình y tế./.