Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao

Kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết địa phương và khá đều ở các lĩnh vực.

doanh-nghiep-1671596120.jpg Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao, tạo động lực lớn cho năm 2023. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao, tạo động lực lớn cho năm 2023.

Chỉ số sản xuất tăng cao

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, cho biết, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết địa phương, khá đều ở các lĩnh vực.

Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư.

Đặc biệt, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%.

“Đạt được kết quả khá tích cực nêu trên có nhiều yếu tố tác động. Trong đó ba lý do chính là Việt Nam kịp thời chuyển trạng thái chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Và cuối cùng, các chỉ số tăng trưởng trên được đặt trong tương quan với mức nền khá thấp của năm trước”, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng cho hay.

Cũng theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, bên cạnh kết quả đạt được cũng dễ dàng nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại. Đó là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát…

“Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và dịch bệnh mới phát sinh.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế. Quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số”, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng cho biết thêm.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, Nghị quyết 68/2022/QH của Quốc hội đã đưa ra 10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cùng với đó, cũng đã có những chương trình cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách kinh tế.

Kết quả phát triển kinh tế năm 2022, rất đáng phấn khởi so với những khó khăn phải trải qua. Trong đó, thực hiện thành công một phần cơ cấu nền kinh tế, năm 2023 là năm phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ giải pháp đã đề ra.

“Đối với các nhóm giải pháp đã được đặt ra, cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế, thể chế.

Cần tập trung giải quyết vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công. Giải quyết vấn đề phát sinh mới, tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước được khiến cho doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng.

Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết thủ tục hành chính”, ông Phan Đức Hiếu cho hay.

Đưa quản trị rủi ro vào chiến lược kinh doanh

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), TS Vũ Tiến Lộc, cho rằng, sau những khó khăn đã phải trải qua, bước sang năm 2023 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự thích ứng linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế. Trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.

Tuy nhiên, cũng trong 11 tháng đầu năm có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là sự tổn thất của thị trường.

Đó là vấn đề tăng trưởng, việc làm và niềm tin trong nền kinh tế. Những yếu kém trong nội bộ doanh nghiệp được bộc lộ ra, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng những yếu tố khách quan này lại tạo nên sự đổi mới, buộc doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.

“Chuẩn bị bước vào 2023 với những khó khăn và thách thức mới. Bức tranh kinh doanh của những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, dự báo như vậy nhưng sẽ có biến đổi khó lường, buộc doanh nghiệp phải nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi, năng lực cạnh tranh sẽ được mở rộng hơn nữa.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, sẽ có sức chịu đựng lớn hơn. Nhất là qua đại dịch vừa rồi nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đối tác, người lao động, bạn hàng… tốt hơn nhiều”, TS Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn... cần được tiếp cận một cách đúng đắn hơn nữa.

Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn trong thể chế, minh bạch, công bằng, không hình sự hóa.

Đồng thời, cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào những chiến lược kinh doanh, đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh hay hợp đồng những điều khoản khi nảy sinh tranh chấp - nguyên tắc tranh chấp.