Số lượng quy hoạch giảm 97% so với thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực

Số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (tức giảm 97%). Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống quy hoạch quốc gia với 111 quy hoạch trên đã thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 30/5, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ hai, thảo luận tại Hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019).

Số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (tức giảm 97%).

Tại phiên họp, Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Đoàn giám sát chỉ ra 09 kết quả đạt được của việc thực hiện Luật Quy hoạch. Trong đó, kết quả đạt được đáng chú ý phải kể tới là công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này.

Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.

Đến nay, có 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai: 01 quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt; 05 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 14 quy hoạch ngành quốc gia, 18 quy hoạch tỉnh đã gửi lấy ý kiến và chuẩn bị thẩm định.

Về cơ bản, các nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua đã tuân thủ quy trình, thủ tục, nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Với việc xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia như trên, số lượng quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh còn 111 quy hoạch, gồm: 01 quy hoạch tổng thể quốc gia, 01 quy hoạch không gian biển quốc gia, 01 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 06 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh. Như vậy, số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (giảm 97%).

Quy hoạch ở cấp quốc gia giảm từ 270 xuống còn 41 quy hoạch; Quy hoạch ở cấp vùng giảm từ 76 còn 6 quy hoạch; Quy hoạch ở cấp tỉnh giảm từ 3.308 xuống còn 63 quy hoạch.

Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống quy hoạch quốc gia với 111 quy hoạch thay thế cho trên 3.600 quy hoạch trước đây đã thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.

Để đánh giá một cách chính xác hạn chế của Luật Quy hoạch ở thời điểm này là không chính xác và không thể, bởi cần có thời gian áp dụng Luật trên thực tiễn. Tuy nhiên, Báo cáo của Đoàn giám sát cũng thẳng thắn nhìn nhận việc chưa hoàn thành lập, phê duyệt hệ thống các quy hoạch quốc gia xuất phát từ một số nguyên nhân như Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch, để thực hiện cần nhiều thời gian để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung 73 luật, pháp lệnh có liên quan và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, căn cứ trên Luật Quy hoạch và các văn bản luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung.

Để Luật Quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống cần cho phép hướng dẫn quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh tại Điều 16 Luật Quy hoạch để thể hiện cách thức tích hợp quy hoạch.

Đồng thời, kế thừa các quy định của Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cho phép lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch và rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch...