Chiều 1-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã làm việc về công tác phối hợp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục khi mở cửa hoạt động.
Tập huấn cho hệ thống trường học
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ GD-ĐT trình bày tóm tắt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho học sinh, sinh viên khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này có 22 tỉnh, thành đang thực hiện dạy học trực tiếp; 16 tỉnh, thành kết hợp giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 tỉnh, thành thực hiện dạy trực tuyến và qua truyền hình. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc để học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng, do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường bảo đảm an toàn. Theo ông Nguyễn Thanh Long, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rõ Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để học sinh, sinh viên đến trường. Tuy nhiên, việc triển khai hướng dẫn này phụ thuộc vào tình hình dịch theo các cấp độ tại mỗi địa phương và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
Học sinh tại 18 huyện, thị xã của Hà Nội sẽ đi học trở lại từ ngày 8-11. Ảnh: YẾN ANH
Lãnh đạo hai bộ đã trao đổi và thống nhất nên sớm rà soát, bổ sung hướng dẫn "Sổ tay về phòng chống Covid-19 trong trường học" để tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học toàn quốc các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống Covid-19 để "mỗi giáo viên trở thành một cán bộ y tế tại trường học".
Liên quan đến việc chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, Bộ GD-ĐT cũng vừa có Công văn số 4983/BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị báo cáo việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp. Đồng thời chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp quận/huyện tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với giáo dục địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT lên phương án, kịch bản xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra trong trường học trước khi cho học sinh trở lại trường.
Tuyệt đối bảo đảm an toàn cho học sinh
Cùng ngày, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo UBND TP Hà Nội thống nhất với chủ trương của sở về việc cho học sinh Hà Nội trở lại trường học, kể từ thứ hai, ngày 8-11. Đối tượng được ưu tiên quay lại trường học trực tiếp là các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp (học sinh lớp 5, lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12). Các khối lớp còn lại tiếp tục học trực tuyến; cấp học mầm non nghỉ học tại nhà.
Những địa bàn học sinh được đến trường học trực tiếp là các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã, có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong vòng 14 ngày tính đến ngày 8-11 không có các ca F0 trong cộng đồng. Học sinh ở các quận nội thành vẫn chưa có phương án đi học trực tiếp cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng chỉ đạo việc cho học sinh trở lại trường học cần phải phù hợp với tình hình thực tế, tuyệt đối bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên và học sinh. Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp quận, huyện, thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trực thuộc.
Tại TP HCM, với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ em, học sinh, Sở GD-ĐT TP HCM dự kiến trình UBND TP phương án học sinh lớp 9 và 12 đi học lại từ đầu tháng 12. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, đầu tháng 12, sau khi các em hoàn tất tiêm xong hai mũi, sở sẽ có kế hoạch trình UBND TP, phối hợp các quận, huyện đánh giá mức độ an toàn để các em đến trường. Việc trở lại trường dựa trên quan điểm phải an toàn và an toàn thì mới đến trường.
Theo báo cáo ngày 1-11 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, qua 5 ngày triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đến ngày 31-10, TP đã tiêm vắc-xin cho 445.398 trẻ. Riêng ngày 1-11, TP tổ chức tiêm cho 86.981 trẻ tại 171 điểm tiêm. Theo kế hoạch số 3522/KH-BCĐ ngày 22-10 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP về việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đợt tiêm này dự kiến sẽ kéo dài 5 ngày và thêm 2 ngày tiêm vét.
Trong khi đó, TP Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho học sinh từ ngày 2-11 để sớm đưa các em trở lại trường, theo kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được UBND TP ban hành. Để đạt tiến độ tiêm, ngành y tế và các địa phương dự kiến bố trí khoảng 19 điểm tiêm tại các quận, huyện và cơ sở y tế với hơn 120 bàn tiêm.
Sẽ hạ thấp dần độ tuổi tiêm vắc-xin
Để triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của cha mẹ học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương như TP HCM, Ninh Bình, Bình Dương đã triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em.
Liên quan đến việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, học sinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc-xin cho những nhóm tuổi này. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin Covid-19 năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều. Đến nay, theo thống kê bước đầu của các địa phương, có khoảng 9,4 triệu trẻ từ 12-17 tuổi, với khoảng 19 triệu liều vắc-xin cần đáp ứng cho nhóm đối tượng này.