‘Sóng’ cổ phiếu đầu cơ đang nhen nhóm trở lại

Trong bối cảnh xu hướng điều chỉnh chiếm vị thế chủ đạo cùng thanh khoản nhỏ giọt, nhiều cổ phiếu đầu cơ vẫn ngược dòng bứt phá mạnh. Dự báo, thị trường năm 2023 sẽ duy trì xu hướng đi ngang, vì vậy nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ dễ hút tiền bởi giá trị vốn hóa không cao.

Trải qua 1 tuần giao dịch đầy biến động (20-24/2) với biên độ dao động lớn, rung lắc trong các phiên, VN-Index đã giảm 19,75 điểm, tương đương với 1.86% so với tuần trước đó để lùi về 1.039 điểm. Thanh khoản bình quân trên HoSE cả tuần tăng đáng kể lên gần 11.000 tỷ đồng/phiên, song phiên giao dịch cuối tuần chỉ đạt trên 6.500 tỷ đồng.

Cổ phiếu trà đá "lên hương"

Trong đó, cổ phiếu nhóm bất động sản và nhiều mã vốn hóa lớn chính là áp lực chính đè nặng lên thị trường chung. Dù vậy, thống kê cho thấy, nhiều cổ phiếu đầu cơ vẫn bứt phá mạnh, thậm chí một mã "họ FLC” còn tăng kịch trần cả tuần.

cp-1677570470.jpgNhiều cổ phiếu đầu cơ vẫn ngược dòng bứt phá mạnh trong bối cảnh thị trường rơi vào điều chỉnh.

Trên sàn HoSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua đều có mức tăng từ 14-40%. Cổ phiếu tăng mạnh nhất là HOT (CTCP Du lịch - Dịch vụ Hội An) với cả 5 phiên tăng kịch trần trong tuần. Nhờ đó, thị giá HOT đã được kéo lên mức 21.500 đồng/cp, tương đương tăng 40% chỉ sau 1 tuần giao dịch.

Theo sau là cổ phiếu AMD (CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) bứt phá ngoạn mục với 5 phiên tăng kịch trần để kết tuần với mức tăng 38%, cùng thanh khoản tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh dao động từ 3-4 triệu cổ phiếu, trong khi những phiên trước trung bình chỉ vài trăm cổ phiếu.

Một cái tên nổi bật không kém là cổ phiếu HQC (CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân) với 4 phiên tăng kịch trần, kéo giá cổ phiếu tăng đến 37% lên 3.900 đồng/cp. Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu này tăng mạnh lên đến hàng chục triệu đơn vị, cao điểm là phiên 22/2 có đến 51 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương hơn 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty này.

Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng trên 17%, song hầu hết là những mã ít giao dịch, tên tuổi không quá nổi bật.

Còn trên UPCoM, do biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 39%-125% trong tuần qua. Nổi bật là cổ phiếu CFV (CTCP Cà phê Thắng Lợi) với 5 phiên tăng kịch trần giúp thị giá CFV tăng gấp đôi giá trị. Đánh giá về đà tăng “nóng” của nhóm đầu cơ trong thời gian này, giới phân tích chỉ ra, trong giai đoạn thị trường có phần ảm đạm hơn (chỉ số chính đi ngang), hoạt động trading tại nhóm cổ phiếu trụ khó sinh lời, việc dòng tiền tìm đến với nhóm cổ phiếu có thị giá thấp là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, nhóm nhóm cổ phiếu mid-cap (nhóm vốn hóa vừa) và small-cap (nhóm vốn hóa nhỏ) dễ bị tác động bởi dòng tiền đầu tư hơn. “Do có giá trị vốn hóa không cao, dòng tiền chuyển dịch từ nhóm Bluechips có thể dễ dàng tác động đến giá trị giao dịch của các cổ phiếu nhóm mid, small-cap, từ đó tạo ra các làn sóng đầu tư mid, small cap”, Chứng khoán DSC đánh giá.

Tăng trần không lý do, giảm sốc “chẳng cần lời giải thích”

Có thể thấy, bước vào năm 2023, hầu hết các chuyên gia đều dự báo, thị trường sẽ đi ngang bởi nền tảng nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tăng trưởng. Dù vậy, điểm tích cực là thị trường chứng khoán cũng đã điều chỉnh rất sâu trong năm 2022 theo kỳ vọng kinh tế xấu đi.

Trong đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ từng ghi nhận mức tăng sốc, “vỗ béo” nhà đầu tư trong năm 2021 đã quay đầu giảm về với mức giá khó có thể thấp hơn trong năm 2022. Cho nên, trong bối cảnh VN-Index hay VN30 có dấu hiệu chững lại, làn sóng nhóm cổ phiếu mid-cap và small-cap được kỳ vọng mang lại mức sinh lời lớn cho nhà đầu tư trong năm 2023.

Các chuyên gia cho rằng, một khi vào đúng sóng cổ phiếu rẻ có tính đầu cơ thì hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn rất nhiều so với cổ phiếu cơ bản. Tuy nhiên, rủi ro vô cùng lớn, nhất là đối với các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm.

Đặc điểm chung của nhóm cổ phiếu đầu cơ thường là "tăng nhanh, giảm sốc" do dòng tiền có yếu tố đầu cơ. Vì vậy, khi có những tiêu cực xảy ra, dòng tiền sẽ nhanh chóng rút ra. Theo đó có nhiều mã mất thanh khoản, đồng nghĩa với việc nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm không thể bán cắt lỗ cổ phiếu. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp thuộc nhóm này đều có kết quả kinh doanh bết bát.

Thực tế, nhìn lại những cổ phiếu gây “sóng gió” trong tuần giao dịch vừa qua, hầu hết đều là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ảm đạm. Chẳng hạn, cổ phiếu HOT đã vào diện kiểm soát từ 28/3/2022 do thua lỗ. Doanh nghiệp này cũng đang nằm trong “tầm ngắm” phải rời sàn khi đã có 3 năm thua lỗ liên tiếp.

Hay như lợi nhuận sau thuế của CTCP Cà phê Thắng Lợi trong năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dòng tiền kinh doanh của công ty cũng gặp phải vấn đề khi âm gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn ghi nhận con số dương 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu AMD bị chuyển vào diện hạn chế giao dịch từ 24/10/2022 và mới “bất ngờ” thông báo tìm được đơn vị kiểm toán cho BCTC bán niên.

Chưa kể, trong giai đoạn sắp tới, khi các doanh nghiệp bước vào cao điểm mùa công bố thông tin báo cáo kiểm toán năm, báo cáo thường niên và đại hội cổ đông, giới đầu tư có điều kiện tiếp cận nhiều thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm cũ cũng như kế hoạch kinh doanh trong năm mới. Dòng tiền theo đó sẽ tìm đến các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt, có hoạt động kinh doanh kỳ vọng tăng trưởng cao. Cho nên, nhà đầu tư nên cẩn trọng trong việc “lướt sóng’ đầu cơ, tránh rơi vào rủi ro “đu đỉnh”.

"Nhà đầu tư cần nhớ, khi đã tăng trần không lý do thì cũng có thể giảm sốc “chẳng cần lời giải thích”. Nhà đầu tư nên xây dựng một danh mục đủ đa dạng để không một khoản đầu tư nào có thể khiến họ rơi vào khủng hoảng khi nó giảm giá mạnh”, một chuyên gia lưu ý.