Bất ổn chính trị ở Sri Lanka bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế ngày thêm trầm trọng với nhiều động thái bạo loạn từ người biểu tình.
Hãng AFP hôm 13-7 đưa tin hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ Sri Lanka đã xông vào văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ở thủ đô Colombo đòi ông từ chức, chỉ vài giờ sau khi ông được Quốc hội nước này bổ nhiệm làm tổng thống tạm quyền vì Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hiện đã lánh nạn ở nước ngoài.
Nguồn cơn giận dữ quay sang Thủ tướng Sri Lanka
Theo các nhân chứng kể lại, đoàn người biểu tình đã vượt qua hàng phòng thủ của quân đội, ồ ạt xông vào văn phòng Thủ tướng và giương cao quốc kỳ Sri Lanka, sau khi cảnh sát và quân đội không thể đẩy lùi đám đông dù đã bắn hơi cay và xịt vòi rồng.
Người biểu tình Sri Lanka xông vào văn phòng thủ tướng và giương cao quốc kỳ. Ảnh: TWITTER
Hãng AFP cho biết người biểu tình coi Thủ tướng Wickremesinghe là đồng minh của ông Rajapaksa và muốn ông ra đi.
“Chúng tôi muốn Thủ tướng Ranil từ chức cũng như bắt giữ tất cả những người đã giúp Tổng thống Gota trốn thoát. Chúng tôi muốn lấy lại số tiền đã bị đánh cắp” - anh S Shashidharan, một trong những người biểu tình cho biết.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Wickremesinghe cho biết ông đã chỉ thị lực lượng an ninh khôi phục trật tự. Song, quân đội đã mở cổng cho người biểu tình đi vào bên trong văn phòng thủ tướng.
"Tôi đã ra lệnh cho các chỉ huy quân đội và cảnh sát trưởng làm những gì cần thiết để lập lại trật tự. Những người xông vào văn phòng muốn ngăn cản tôi từ bỏ trách nhiệm của mình với tư cách là quyền Tổng thống" - ông Wickremesinghe nói.
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe. Ảnh: Adnan Abidi/REUTERS
Đồng thời ông nhấn mạnh rằng các tòa nhà thuộc nhà nước đang bị người biểu tình chiếm đóng cần phải được trả lại cho nhà nước giám sát.
“Chúng ta không thể xé bỏ hiến pháp. Chúng ta không thể cho phép những người phát xít tiếp quản. Chúng ta phải chấm dứt mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít đối với nền dân chủ” - ông Wickremesinghe kêu gọi.
Diễn biến trên sau ra sau khi văn phòng thủ tướng Sri Lanka vào chiều 13-7 thông báo ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, chỉ vài giờ sau khi có thông tin cho rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bay sang Maldives để lánh nạn.
Cảnh sát Sri Lanka nói rằng họ cũng đang áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên khắp các tỉnh miền tây, bao gồm thủ đô Colombo, để ngăn chặn nguy cơ gia tăng biểu tình.
Theo Bệnh viện Quốc gia ở thủ đô Colombo, ít nhất 75 người đã bị thương vì các cuộc biểu tình ở Sri Lanka hôm 13-7. Trong số đó, có 42 người bị thương trong khi xông vào văn phòng thủ tướng và 33 người khác từ các cuộc biểu tình gần tòa nhà quốc hội.
Quốc hội Sri Lanka dự kiến ngày bầu tổng thống mới
Sau khi bỏ ra nước ngoài, Tổng thống Rajapaksa đã gọi về cho Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ông Mahinda Yapa Abeywardena để chỉ định Thủ tướng Wickremesinghe làm quyền tổng thống và hứa rằng đơn từ chức của ông ấy sẽ được gửi ngay trong hôm 13-7.
Đồng thời, ông Abeywardena nói rằng nếu thông báo từ chức của ông Rajapaksa được chấp thuận, Sri Lanka sẽ bầu một tổng thống mới vào ngày 20-7 sau khi quốc hội nhóm họp trở lại vào ngày 16-7. Danh sách các ứng viên tổng thống sẽ được trình trước quốc hội Sri Lanka vào ngày 19-7 và một cuộc bỏ phiếu bầu ra tổng thống mới sẽ được thực hiện một ngày sau đó, theo đài CNN.
Trong khi đó, ông Wickremesinghe, người vừa nắm quyền Tổng thống tạm quyền, cũng đã yêu cầu Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka đề cử một thủ tướng mới.
“Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã thông báo cho Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena đề cử một thủ tướng được cả chính phủ và phe đối lập chấp nhận” - nhóm truyền thông của văn phòng thủ tướng Sri Lanka cho biết trong một tuyên bố.
Thủ tướng Wickremesinghe cũng đã tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu đạt được sự đồng thuận về việc thành lập một chính phủ đoàn kết.
Mỹ, Liên Hợp Quốc lên tiếng
Trong một bài đăng trên Twitter, Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả các bên của cuộc khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka “kiềm chế bạo lực” để đảm bảo một “quá trình chuyển giao chính trị hòa bình”'.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Sri Lanka, bà Julie Chung, kêu gọi các bên bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các giải pháp mang lại sự ổn định kinh tế và chính trị về lâu dài cho Sri Lanka.
“Việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trong khuôn khổ dân chủ và hiến pháp của Sri Lanka là điều cần thiết để có thể hiện thực hóa các yêu cầu của người dân về trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, quản trị dân chủ và một tương lai tốt đẹp hơn” - bà Chung viết trên trang Twitter.