Sự khốc liệt của thị trường tiền điện tử

Trong khoảng thời gian một năm, thị trường tiền điện tử đã bị 'thổi bay' 2.000 tỷ USD giá trị, hàng loạt công ty và sàn giao dịch rơi vào cảnh phá sản.

Một năm trước, các nhà đầu tư đã mô tả Bitcoin là tương lai của tiền tệ và Ethereum là công cụ phát triển quan trọng nhất trên thế giới. NFT (mã thông báo không thể thay thế) bùng nổ, trong khi sàn giao dịch Coinbase được định giá ở mức kỷ lục.

Thị trường tiền điện tử đã đạt đỉnh vào năm 2021 và liên tục lao dốc kể từ đó đến nay (Ảnh: CNN).

Thị trường tiền điện tử đã đạt đỉnh vào năm 2021 và liên tục lao dốc kể từ đó đến nay (Ảnh: CNN).

Đây được xem là thời kỳ đỉnh cao của tiền điện tử. Tuy nhiên, chỉ sau 12 tháng, Bitcoin đã mất gần 70% giá trị. Ngành công nghiệp tiền điện tử từng được định giá khoảng 3.000 tỷ USD, nhưng đến nay chỉ đạt 900 tỷ USD.

Thay vì hoạt động như một hàng rào chống lại lạm phát, Bitcoin lại chỉ là một loại tài sản đầu cơ. Khi "bong bóng" vỡ, giá trị của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới liên tục lao dốc, khiến các nhà đầu tư sợ hãi.

"Bây giờ khi nhìn lại, sự phấn khích của thị trường đã đẩy giá cả vượt xa giá trị thực của tài sản. Vì sự sợ hãi và tình trạng suy thoái quá nhanh, nhiều người còn cho rằng tài sản kỹ thuật số đã chết", Katie Talati, giám đốc nghiên cứu tại Arca, chia sẻ.

Talati cũng kỳ vọng rằng những biến động trong năm 2022 sẽ giúp phơi bày nhiều thiếu sót trong ngành công nghiệp tiền điện tử, đồng thời giống như một lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư.

Sự suy thoái bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2021. Đây là thời điểm tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng đột biến, làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Sau đó, Bitcoin đã giảm 12% trong tháng 12.

Đến tháng 1, các đợt bán tháo tiếp tục diễn ra, khiến giá Bitcoin giảm 17%, trong khi Ethereum giảm đến 26%. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thực sự bước vào "mùa đông tiền điện tử" cho đến khi thảm họa LUNA/UST xảy ra.

Hơn 40 tỷ USD bị xóa sổ khỏi thị trường sau sự sụp đổ của LUNA. Cùng với đó, niềm tin của các nhà đầu tư cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Bitcoin đã giảm tới 16% giá trị chỉ trong một tuần vào thời điểm đó. Thảm họa LUNA đã kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt công ty tiền điện tử lớn khác như Celsius và Three Arrows Capital.

"Mùa đông tiền điện tử" đã khiến cho hàng loạt công ty lao đao, nhiều nhà đầu tư hoang mang (Ảnh: CNBC).

"Mùa đông tiền điện tử" đã khiến cho hàng loạt công ty lao đao, nhiều nhà đầu tư hoang mang (Ảnh: CNBC).

Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại khi mới đây, Sam Bankman-Fried - người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX, đã nộp đơn xin phá sản do đơn vị này mất khả năng thanh khoản. Sự sụp đổ của FTX chỉ diễn ra chưa đầy một tuần, khiến cho rất nhiều nhà đầu tư hoang mang và mất niềm tin vào thị trường.

Ryan Gilbert, người sáng lập công ty Launchpad Capital, cho biết thế giới tiền điện tử đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng sau sự cố của sàn giao dịch FTX.

"Đây là một năm đầy biến động đối với thị trường tiền điện tử. Ở một góc độ nào đó, niềm tin của các nhà đầu tư cũng đã bị phá sản như một số công ty trong ngành", Gilbert cho biết.