UBND TP Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo 9.000 tỷ.
Dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 8.938 tỷ đồng, xây dựng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Cầu Trần Hưng Đạo nằm vào khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy với tổng chiều dài khoảng 5,5 km. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Him Lam (Him Lam) được thành lập tháng 9/1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Him Lam. Him Lam là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.
Theo giới thiệu trên website, đến nay, Him Lam đã tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, khu đô thị mới, hầu hết các dự án đều ở vị trí gần trung tâm thành phố. Him Lam hiện có 30 đơn vị thành viên và Công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giáo trí, sân golf tiêu chuẩn quốc tế…tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Him Lam hiện đang đầu tư các dự án như: Khu đô thị Him Lam Green Park, Him Lam Phú An, Him Lam Chợ Lớn, Himlam Riverside, Khu đô thị Him Lam Tân Hưng, Trung tâm thương mại Him Lam Plaza Bắc Ninh...
Phối cảnh dự án Khu đô thị Him Lam Green Park.
Về tình hình kinh doanh, trong 5 năm qua (2016 - 2020), Him Lam chỉ có lãi lần lượt là: 72 tỷ đồng, 37,5 tỷ đồng, 89 tỷ đồng, 11,4 tỷ đồng và 19,6 tỷ đồng. Ước tính tỷ suất sinh lợi trên doanh thu bình quân giai đoạn này của Him Lam là 1,8%, đồng nghĩa với việc đem về 100 đồng, doanh nghiệp chỉ lãi gần 2 đồng.
Thông tin trên Pháp luật và Bạn đọc, tính tới thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Him Lam là 70.679 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Him Lam cuối năm 2020 lên đến 64.142 tỷ đồng, chiếm tới 90,8% tổng nguồn vốn. Hay nói cách khác, nợ phải trả tại Him Lam cao gấp 9,8 lần vốn góp chủ sở hữu.
Có rất nhiều nguồn hình thành nên nợ của Him Lam. Chỉ tiêu phải trả người bán ngắn hạn là 1.349 tỷ đồng, chỉ tiêu người mua trả tiền trước ngắn hạn là 1.8979 tỷ đồng. Đáng chú ý vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 2.416 tỷ đồng.
Chưa tính đến vay dài hạn, chỉ tiêu vay ngắn hạn 2.416 tỷ đồng được tin là gây áp lực trả nợ không nhỏ cho Him Lam. Tuy nhiên, trong năm 2020, Him Lam gây bất ngờ khi chi phí lãi vay chỉ là… 0 đồng dù tổng chi phí tài chính lên đến 2.388 tỷ đồng.