Những ngày gần đây, PV liên tục nhận được thông tin phản ánh của các tài xế, chủ xe container về việc tái diễn “luật ngầm” trong xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh.
Nhà xe lao đao vì “tiền luật” cao
Cụ thể, các lái xe cho biết, sau thời gian cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý, thời gian gần đây, các “nhà luật” (một dạng cò thủ tục hành chính) lại tiếp tục chèn ép, thu “tiền luật” giá cao.
Cầm trên tay chi phí “nhà luật” thông báo sau chuyến xuất khẩu thanh long qua Trung Quốc, anh Đ.T.T., quê Bình Định cho biết: “Nhà luật” yêu cầu phải chuyển 25,6 triệu đồng thì mới trả giấy tờ cho xe về nội địa.
Trong đó, các khoản chi được giải thích chủ yếu là chi phí tại Trung Quốc như: Đầu kéo xe 1.100 tệ, kéo xe 325 tệ, qua đêm 200 tệ, chạy lạnh 350 tệ, rời xe 300 tệ, tiền vé bến bãi là 350 tệ, tiền vé 535 tệ, kiểm dịch 330 tệ, chạy lạnh ngoài bãi 300 tệ, đóng hàng 1.105 tệ…”.
Trong vai chủ xe trên, PV đã liên hệ với “nhà luật” tên Hương. Qua điện thoại, người này xác nhận những khoản thu trên và cho biết: Chi phí “làm luật” ở Việt Nam vẫn giữ ở mức 7,1 triệu đồng, trong đó có 3,6 triệu đồng thuê đầu kéo của Công ty Bảo Nguyên; 3,5 triệu đồng các khoản thuế, phí. Còn lại là chi phí phát sinh tại Trung Quốc vì các rơ-moóc xe Việt Nam sang Trung Quốc phải di chuyển nhiều lần, mỗi lần cắt đầu container ra vào kéo đi đều phát sinh thêm chi phí.
“25,6 triệu là còn rẻ vì có đăng ký bốc hàng từ Trung Quốc về. Các xe không bốc hàng về thì chi phí phải lên đến 28-30 triệu đồng vì lái xe Trung Quốc sẽ không đưa moóc về ngay mà để lại nhiều ngày, phải chi thêm tiền họ mới kéo về”, người này nói.
Trong khi đó, tài xế T. cho biết, trước đây, mỗi xe qua cửa khẩu chỉ phải chi từ 15 - 17 triệu đồng “tiền luật”, nay tăng thêm cả chục triệu đồng.
Theo hợp đồng vận chuyển, ngày 24/6, tôi xuất phát từ miền Nam ra cửa khẩu Tân Thanh, sau gần 20 ngày xếp tài, xuất hàng mới được thanh toán 93 triệu đồng tiền cước.
Trong đó, chi phí nguyên liệu tăng cao, chỉ riêng tiền dầu vận chuyển đã hết hơn 55 triệu đồng, phí cầu đường 11 triệu đồng, tiền bến bãi, ăn uống dọc đường, chi phí bốc xếp, trả công môi giới đơn hàng, bến bãi... cũng hơn 20 triệu đồng. Do vậy, với việc tiền “luật” tăng cao, chủ xe lại thêm gánh nặng chi phí, gần như không có lãi.
Theo anh T., trước đây, tiền “luật” thấp hơn, nhiên liệu giảm, mỗi xe container xuất khẩu nông sản đều thuê thêm tài xế để thay nhau chạy đường dài. Nay chi phí đắt đỏ, khó khăn nên mỗi xe chỉ giữ lại 1 tài, thậm chí nhiều chủ xe như anh còn tự chạy xe để giảm chi phí.
Tương tự, anh N.V.Đ., quê Bắc Giang cho biết, vừa trở về sau chuyến xuất khẩu thanh long qua Cửa khẩu Tân Thanh và bị “nhà luật” trừ 11.310.000 đồng chi phí phát sinh tại Trung Quốc gồm: Tiền thuê tài 5.550.000 đồng, công bốc xếp 2,5 triệu đồng, chạy lạnh gần 3,3 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn bị “nhà luật” yêu cầu đưa thêm 17,1 triệu đồng chi phí xuất khẩu sang Trung Quốc; tổng chi xuất khẩu chuyến hàng là 28.410.000 đồng.
Theo anh Đ. trong số các khoản chi “nhà luật” kê tại Trung Quốc có nhiều khoản vô lý như: Đổ dầu 880 tệ, dù trước đó moóc xe đã được đổ đầy bình dầu để duy trì máy lạnh.
Hay như các khoản “thay đầu cổng B” 150 tệ, “tháo đầu” 75 tệ, “kích bình” 100 tệ, “lùi bệ” 400 tệ... dù đã có các khoản thuê tài, chạy lạnh tại Trung Quốc.
Trong vai chủ hàng phản ánh những thắc mắc của tài xế đến “nhà luật” tên Thảo, PV được trả lời: “Các khoản thu trên là đúng, do sang Trung Quốc, moóc xe phải di chuyển qua nhiều bãi và địa điểm khác nhau nên phát sinh thêm chi phí thuê tài; tháo, nối với đầu xe... nhìn chung xe thanh long xuất khẩu đều phải chi khoảng 30 triệu đồng tiền luật”.
Chủ hàng bắt tay “nhà luật”?
Trong những ngày tìm hiểu tại cửa khẩu Tân Thanh, qua tiếp xúc với các lái xe, chủ xe và “nhà luật” PV nhận thấy, tùy từng mặt hàng, từng “nhà luật” đều có mức thu và khoản thu khác nhau.
Đơn cử, các xe vận chuyển mít, xoài từ miền Nam đến Tân Thanh chỉ có cước vận chuyển khoảng 80 triệu đồng nên tiền luật bị thu cũng ít hơn, dao động ở mức 15-17 triệu đồng/xe.
Riêng các xe vận chuyển thanh long có giá cước cao hơn khoảng 90 triệu đồng/chuyến. Tuy nhiên, xe có hợp đồng vận chuyển có cước càng cao thì tiền luật cũng nhiều hơn hẳn.
Sau khi tự so sánh với nhau, liên lạc với chủ hàng nhờ can thiệp, đàm phán giảm tiền luật không có kết quả, nhiều tài xế cho rằng giữa chủ hàng và “nhà luật” đã có thỏa thuận, móc nối với nhau, tự kê ra các khoản thu để lấy lại tiền cước.
Thông tin này cũng được “nhà luật” tên Hương xác nhận và cho biết, các khoản thu đều do chủ hàng 2 bên đưa ra, yêu cầu “nhà luật” thu của tài xế và chủ xe.
Với kinh nghiệm gần 20 năm chạy xe đường dài, tài xế N.V.H. quê Hải Dương chia sẻ: “Luật ngầm” móc nối, chèn ép tài xế đưa tiền luật đã tồn tại nhiều năm, chúng tôi cũng biết là vậy nhưng cũng chẳng làm gì được vì họ giữ hết giấy tờ, phương tiện của mình.
Thậm chí, hiện nay đã áp dụng cửa khẩu số nhằm công khai, minh bạch tại cửa khẩu nhưng tài xế và chủ xe vẫn không được tham gia việc này, tất cả đều do chủ hàng chỉ định “nhà luật”. Khi đến cửa khẩu, tài xế phải đưa hết giấy tờ để họ lo thủ tục, mình chỉ biết ngồi chờ, đưa tiền và nhận lại xe như trước đây”.
Xe bị phá khóa, hút trộm dầu máy lạnh
Ngoài việc tiền “luật” giá cao, nhiều chủ xe còn cho biết, thời gian gần đây giá xăng, dầu tăng cao nên xảy ra hiện tượng moóc xe xuất khẩu trở về bị phá khóa, hút trộm dầu máy lạnh gây thiệt hại cho nhà xe.
Thông tin này cũng được quản lý Công ty Bảo Nguyên (đơn vị được tỉnh Lạng Sơn giao quản lý kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu) xác nhận, nhiều lần tiếp nhận thông tin phản ánh và chuyển đến Trung tâm Quản lý cửa khẩu để trao đổi với cơ quan chức năng Trung Quốc.
Vị này cho biết, việc mất trộm dầu (nếu có) thì chỉ có thể xảy ra tại Trung Quốc vì lái xe chuyên trách của đơn vị đều bị niêm phong, không được ra khỏi cabin nên không thể hút trộm dầu khi kéo xe qua cửa khẩu.
Trao đổi về vấn đề trên, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh khẳng định, hiện nay, cơ quan hải quan không thu bất kỳ khoản phí nào liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản.
Tại cửa khẩu Tân Thanh đang có 229 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu nông sản diễn ra thuận lợi, mỗi ngày đều có 180 - 200 xe xuất khẩu, không xảy ra ách tắc, ùn ứ cục bộ.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, đơn vị đã xác minh một số người làm dịch vụ xuất nhập khẩu và chủ hàng nhưng “chưa phát hiện việc tăng giá dịch vụ như phản ánh”.
“Có thể có những trường hợp xảy ra nhưng chỉ là cá biệt, bị những đối tượng không chuyên nghiệp lợi dụng, lừa đảo. Đề nghị tài xế, chủ xe cung cấp bằng chứng cụ thể để tham mưu chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm”, ông Duy nói.
Đầu năm 2022, tòa soạn nhận được nhiều cuộc điện thoại cầu cứu của lái xe đường dài đang chờ xuất khẩu nông sản tại biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Vào cuộc điều tra, Báo Giao thông đã làm rõ phản ánh của các tài xế là chính xác: Tại các cửa khẩu từ lâu đã tồn tại nhiều loại “luật ngầm”, muốn xuất khẩu nông sản sang biên giới, tài xế, chủ hàng phải chấp nhận chung chi khoản tiền lớn cho “nhà luật”.
Loạt bài phản ánh của Báo Giao thông về tình trạng “luật ngầm”, mua bán “lốt” xe xuất khẩu tại biên giới đã được dư luận đánh giá cao. Sau đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để. UBND các tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn cũng yêu cầu triển khai hàng loạt giải pháp giúp minh bạch, công khai hoạt động, dịch vụ tại các cửa khẩu.