Doanh thu lớn nhưng lợi nhuận quá thấp
Nhìn vào số liệu báo cáo tài chính đã kiểm toán từ năm 2013 đến 2021 cho thấy doanh thu thuần hàng năm của SJC hàng chục nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2013 – 2020 doanh thu thuần hàng năm của SJC cao hơn doanh thu thuần của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) từ 1,3 – 3,1 lần. Riêng năm 2021 doanh thu thuần của PNJ vượt lên và cao hơn so với SJC.
Một cửa hàng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Ảnh: SJC.com.vn
Không chỉ năm 2021 DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà suốt từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần hàng năm (ROS) của SJC quá thấp, chỉ đạt từ 0,14% đến cao nhất là 0,69%. Nếu như năm 2013 tỷ lệ này còn đạt hơn 0,69% thì năm 2018 chỉ còn hơn 0,14% và tăng lên chút ít, từ 0,23% đến 0,25% trong các năm 2019 - 2021. Con số đó quá bất hợp lý. Lãi từ kinh doanh mua bán vàng không bằng lãi mua rau đầu chợ và bán cuối chợ.
Điều đó dẫn đến tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SJC từ 2013 - 2021 đạt rất thấp, tương ứng hàng năm thứ tự là 11,5% ; 4,9% ; 4,7% ; 4,5% ; 5,6% ; 1,9% ; 3,5% ; 3,4% và 2,82%. Nghĩa là mức sinh lời bỏ vốn đầu tư kinh doanh vàng không bằng mức sinh lời của người gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 3 – 6 tháng. Thật rất khó hiểu khi SJC được hưởng độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng SJC, được tự tung tự tác áp đặt mức giá quá cao lại có kết quả kinh doanh èo uột như vậy?
So sánh với PNJ DN cùng lĩnh vực, có vốn chủ sở hữu gần tương đương nhau, không có lợi thế độc quyền, cho thấy càng nghi nghờ hơn về hiệu quả kinh doanh của SJC. Tỷ lệ ROS của PNJ giai đoạn 2013-2021 cao hơn rất nhiều lần so với ROS của SJC, mức cao hơn tính bằng lần tương ứng các năm là 2,75 ; 5,71 ; 3,24 ; 17,66 ; 18,91 ; 47,14 ; 30,43 ; 25,41 ; và 21,2 lần. Nghĩa là DN chịu bất lợi thế kinh doanh (PNJ) có hiệu quả kinh doanh cao gấp hàng chục lần so với DN có lợi thế kinh doanh (SJC).
Lợi nhuận èo uột kéo dài, vì sao?
Câu chuyện này có lẽ lãnh đạo SJC trả lời là chính xác nhất. Tuy vậy, những con số trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã kiểm toán mà DN công khai đã cho thấy nguyên nhân. Đó là giá vốn hàng bán gần như muốn lấy hết doanh thu thuần. Tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần từ 2013-2021 thứ tự tương ứng các năm là 99,35% ; 99,30%; 99,42% ; 99,10% ; 99,21% ; 99,28% ; 99,19% ; 98,90% ; và 99,26%. Có thể thấy ngay đây là tỷ lệ quá bất hợp lý và sự bất hợp lý này có thể được chỉ ra khi phân tích chi phí tối đa của các nhóm hàng hóa mua vào của DN.
Bây giờ chia hàng hóa bán ra của SJC thành 3 nhóm sau: Nhóm thứ nhất, vàng miếng bán ra từ sản phẩm SJC tự sản xuất, gia công rồi đóng nhãn SJC; Nhóm thứ hai, vàng miếng SJC mua lại của khách hàng này rồi bán lại cho khách hàng khác; Nhóm thứ ba, sản phẩm vàng nữ trang bán ra do SJC sản xuất, gia công.
Trường hợp thứ nhất, giá vốn hàng bán chính là chi phí nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Giá vàng nguyên liệu nhập khẩu rõ ràng thấp hơn giá vàng miếng trên thị trường thế giới. Tại đây giả định giá vàng nguyên liệu ngang giá vàng miếng thế giới cho dễ tính toán. Trong khi giá vàng miếng niêm yết hàng ngày trên thị trường thế giới liên tục thấp hơn giá bán vàng miếng SJC nhiều triệu đồng đến trên chục triệu đồng một lượng.
Chẳng hạn ngày 17/6 vừa rồi vàng SJC niêm yết giá mua 67,95 triệu đồng và giá bán 68,75 triệu đồng một lượng, chênh lệch giá mua bán là 0,8 triệu đồng, giá vàng SJC bán hơn giá vàng thế giới niêm yết là 17 triệu đồng. Điều đó cũng có nghĩa về lý thuyết, chi phí nhập nguyên liệu (giá vốn) sản xuất vàng miếng thấp hơn giá bán vàng miếng SJC tối thiểu là 17 triệu đồng một lượng. Khi đó tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần chỉ hơn 75,2% mà thôi ((68,75 – 17,00) : 68,75).
Trường hợp thứ hai, như con số ví dụ trên, giá vốn hàng bán là 67,95 triệu đồng. Khi đó tỷ lệ giá vốn trên giá bán của nhóm vàng miếng SJC mua đi bán lại là 98,84%. Còn trường hợp thứ ba, không có số liệu thống kê nhưng nếu so với tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần của PNJ (hoạt động kinh doanh mạnh nhóm sản phẩm vàng nữ trang) thì tỷ lệ giá vốn trên doanh thu bán hàng nữ trang của SJC chỉ dưới 90%.
Như vậy, đến đây có thể kết luận liên tục nhiều năm SJC đạt lợi nhuận èo uột, hoạt động kinh doanh vàng miếng độc quyền hiệu quả thấp là do đội chi phí giá vốn. Nhưng nguyên nhân tại đây là gì vẫn rất khó hiểu cần được chỉ ra.
Nguyên nhân của nguyên nhân?
Từ những con số nói trên có thể kết luận chi phí (giá vốn) vàng nguyên liệu của SJC quá cao, đến mức khó hiểu. Vậy nguồn vàng nguyên liệu của SJC nhập từ đâu? NHNN độc quyền nhập khẩu rồi giao hạn ngạch cho SJC hay NHNN ủy quyền cho SJC trực tiếp nhập khẩu, hoặc vàng nguyên liệu SJC có được từ trung gian khác nào đó? Đó là câu hỏi cần được NHNN trả lời và cơ quan Hải quan trả lời mới tường minh.
Trả lời trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa rồi Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng để chống vàng hóa, từ năm 2014 đến nay NHNN không nhập khẩu vàng.
Đương nhiên NHNN nếu nhập khẩu vàng nguyên liệu giao cho SJC sản xuất vàng miếng thì NHNN không thể hưởng lợi chênh lệch quá cao vì họ không có chức năng kinh doanh vàng. Trường hợp SJC được trực tiếp nhập khẩu vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng miếng, giá trên chứng từ nhập khẩu được Hải quan xác nhận. Vì vậy cũng rất khó có chuyện giá hóa đơn nhập thì thấp nhưng giá ghi nhận kế toán lại cao, nghĩa là sẽ có 2 bộ hóa đơn nhập khẩu với 2 mức giá. Còn khả năng SJC mua vàng nguyên liệu nhập khẩu lậu có thể phải chấp nhận chi phí cao. Tuy nhiên, trường hợp này nếu có là vi phạm pháp luật.
Tóm lại, nguyên nhân của nguyên nhân lợi nhuận kinh doanh liên tục từ năm 2013 đến nay của SJC quá èo uột đang là vấn đề bí ẩn cần được cơ quan chức năng quan tâm xem xét.