Tân Hoàng Minh và những dự án trên đất vàng 'đắp chiếu'

Trước sai phạm về phát hành trái phiếu, Tân Hoàng Minh nổi lên là tập đoàn lớn về bất động sản với phân khúc hạng sang. Thế nhưng, không ít bê bối về kinh doanh bất động sản của tập đoàn này diễn ra trong nhiều năm, như: ôm đất vàng rồi 'đắp chiếu', thi công 10 năm chưa hoàn thành và vi phạm về xây dựng…

Vượt thời gian để “trùm mền”

Tân Hoàng Minh được biết đến lần đầu với vai trò nhà đầu tư bất động sản tại dự án D’. Palais Louis (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án được quảng bá là “kiệt tác vượt thời gian” được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2013. Theo đó, dự án được mở bán vào năm 2011 với mức giá lên tới 145 triệu đồng/m2, tương đương 13-27 tỷ đồng (1,3 triệu USD)/căn.

Dự án “kiệt tác vượt thời gian” của Tân Hoàng Minh 10 năm chưa hoàn thiện. Ảnh: Như Ý

Sau đợt mở bán đầu tiên, có 60 khách hàng đặt cọc, đăng ký mua (chiếm khoảng 1/4 dự án), nhưng do không thể bàn giao nhà đúng cam kết vào năm 2015, trước đó tháng 12/2014, chủ đầu tư quyết định trả tiền (gồm cả lãi) cho những người muốn thanh lý. Khi đó, lý giải với báo chí về việc trả lại tiền đặt cọc của khách, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, hầu hết đều do nguyên nhân chủ quan như xin giấy phép quy hoạch, đền bù, giải tỏa...

Chủ đầu tư cũng thừa nhận, dự án được chào bán đúng thời điểm thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, ngân hàng siết tín dụng, lãi suất tăng cao. Thanh khoản toàn thị trường sụt giảm, đặc biệt là sức mua trong phân khúc bất động sản hạng sang suy kiệt, D’. Palais de Louis cũng chịu những tác động tiêu cực.

Năm 2017, Thanh tra Bộ xây dựng từng ban hành kết luận (thanh tra) 3 dự án vi phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội. Cụ thể, tại dự án D’.Palais Louis, một số gói thầu thi công đã hết hiệu lực, hồ sơ quản lý chất lượng không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công...

Còn 2 dự án D’ Le Pont Hoàng Cầu, D’. Le Roi Soleil Quảng An có nhiều vấn đề tồn tại như chủ đầu tư thẩm định công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu quy định trước khi phê duyệt.

Năm 2016, dự án tái xuất thị trường và hạ giá xuống 100 triệu đồng/m2 được ngân hàng SHB tài trợ cho vay và bảo lãnh mua nhà. Thế nhưng, đến thời điểm này, dù nhiều lần mở bán và sau 10 năm thi công, tòa nhà vẫn đang hoàn thiện... nội thất.

“Ôm” đất vàng bỏ hoang

Tại Hà Nội, lô đất ở số 22 - 24 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, được mệnh danh là lô đất “kim cương” khi sở hữu vị trí đắc địa nhiều mặt tiền cũng là một trong những dự án đầy tai tiếng của Tân Hoàng Minh. Dự án này từng được quảng cáo phát triển thành tòa nhà 9 tầng cao, 5 tầng hầm, là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, căn hộ hạng sang và các căn hộ sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn…

Tuy nhiên, được giao đất từ năm 2011, chủ đầu tư nhiều lần xin thay đổi quy hoạch từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn rồi lại được chuyển đổi mục đích thành trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở. Nhiều năm liền, dự án này “đắp chiếu”, không được triển khai.

Năm 2019, trả lời kiến nghị cử tri quận Hoàn Kiếm liên quan đến việc doanh nghiệp ôm “đất vàng” chậm triển khai gây lãng phí, bức xúc dư luận, UBND TP Hà Nội cho biết, dự án có diện tích sử dụng đất 4.072m2, quy mô đầu tư theo quy hoạch được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận ngày 9/1/2015, chiều cao công trình 8 tầng với tổng vốn đầu tư 992.679 tỷ đồng. Theo kế hoạch tiến độ dự án thực hiện từ 2015-2018.

“Lý do chậm triển khai là sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty cổ phần thời đại mới T&T đã đề nghị xin điều chỉnh dự án về chức năng, chiều cao công trình”, phía UBND TP Hà Nội cho biết.

Sau nhiều năm, dự án bất ngờ được khởi công vào ngày 3/2/2021. Biển thông tin dự án cũng được thay đổi, đáng chú ý là việc Cty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (Masterise Homes), thành viên của CTCP Tập đoàn Masterise (Masterise Group) làm nhà phát triển dự án. Giá mỗi mét vuông nhà tại đây cũng siêu đắt đỏ.

Mới đây, tại khu “đất vàng” 161 Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) đối diện khách sạn Thắng Lợi gây chú ý khi khu đất xuất hiện loạt hàng rào mới, ghi tên Tân Hoàng Minh - Ngọc Linh.

Khu đất hiện chưa có bảng công bố thông tin dự án, nhưng được biết, tại danh mục các dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 quận Tây Hồ, diện tích đất 0,38ha này được bố trí cho dự án xây dựng khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh do Cty TNHH Ngọc Linh làm chủ đầu tư.

Trước đó, vào tháng 7/2007, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho phép Công ty TNHH Ngọc Linh sử dụng đất thực hiện dự án. Sau điều chỉnh năm 2013, 1.530m2 của lô đất ban đầu nằm ngoài chỉ giới đường đỏ của khu đất được dùng để trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh. Khu đất có thời hạn sử dụng 50 năm và thu phí, không được xây nhà ở để bán hay cho thuê.

UBND quận Tây Hồ và TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ 2019. Ấy vậy mà, khu đất vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc từ đó đến nay.