‘Tảng băng chìm’ quanh chuyện đầu tư dự án của Vietracimex - WTO

Lùm xùm ở các dự án bất động sản, điện, xây dựng hạ tầng, cho đến rủi ro “bom nợ” trái phiếu khi rót vào mảng năng lượng tái tạo… của Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng – Vietracimex (nay là WTO) được ví như những “tảng băng chìm”, rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan quản lý nhằm tránh nhiều hệ luỵ về sau.

Trên website chính thức của Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng – Vietracimex (nay là WTO), thông tin cập nhật hoạt động gần đây nhất là hồi tháng 3/2022 khi cho biết họ là chủ đầu tư dự án Hinode City (201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thủ tục pháp lý với Nhà nước, đủ điều kiện cấp sổ hồng cho cư dân.

Dư luận thắc mắc

Trái lại, qua tìm hiểu được biết cư dân Hinode City trước đó rất bức xúc chủ đầu tư quảng cáo sai sự thật, không trả sổ và không mở đường đi, cũng như thái độ coi thường cư dân của Vietracimex. 

Hàng trăm cư dân đã từng cùng nhau “xuống đường”, mang theo nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung “Chủ đầu tư Vietracimex quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng”; “Cư dân Hinode City 201 Minh Khai kêu cứu các cơ quan chức năng, yêu cầu chủ đầu tư Vietracimex đối thoại và giải quyết bức xúc của cư dân"; “Chủ đầu tư Vietracimex bàn giao chậm trễ, không có sổ hồng”. 

hinode-city-1658392117.jpgCư dân Hinode City bức xúc treo băng rôn phản đối cách làm ăn gian dối của chủ đầu tư là Vietracimex.

Đây là chuyện khó tránh khỏi khi cách đó 3 năm, dù chưa có kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng chủ đầu tư Hinode City đã bàn giao căn hộ cho khách hàng về ở trái với quy định.

Điều đáng nói, với dự án nêu trên, Vietracimex lại hùng hồn “khách hàng là trung tâm, đảm bảo quyền lợi của khách hàng là kim chỉ nam của mọi hoạt động và mục tiêu cho sự phát bền vững của công ty”, rồi nào là “Dự án Hinode City đã đáp ứng nhu cầu về nơi an cư lý tưởng, không gian sống an toàn, hiện đại cho mọi gia đình”.

Như vậy cũng đủ thấy quyền lợi của khách hàng có được đảm bảo hay không? Nhất là khi không ít dự án bất động sản khác cũng dẫn đến chuyện bức xúc của khách hàng tương tự như vậy, rất cần cơ quan chức năng làm rõ.

Cũng trên website của Vietracimex - WTO cho biết hồi tháng 1 năm ngoái đã khởi công cụm nhà máy điện gió Cà Mau 1 (bao gồm các Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D) ở tỉnh Cà Mau mà họ là chủ đầu tư với với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, có đưa ra dự kiến, thời gian hoàn thành giai đoạn 1 sẽ trong quý IV năm 2021.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2022 đã có những lùm xùm quanh việc tuyển lao động tại dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A trước vấn đề có đến 90 lao động nước ngoài được cấp phép lao động tại đây ở các vị trí kỹ thuật điện, cơ khí, xây dựng trong khi không tuyển dụng được lao động Việt Nam. 

Điều này khiến dư luận thắc mắc với các vị trí không phải quá khó như vậy tại sao lao động trong nước không thể tuyển được và lo ngại về chuyện tuyển lao động nước ngoài với nhiều hệ luỵ kéo theo.

“Mồi nhử” huy động vốn

Ngoài ra, tìm hiểu thêm được biết Vietracimex - WTO hồi tháng 9/2021 huy động thêm được 470 tỷ đồng trái phiếu dùng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A. 

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: Quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại quận Hoài Đức, Tp. Hà Nội thuộc sở hữu của Vietracimex; quyền tài sản gắn liền với hợp đồng BCC ký kết giữa Vietracimex với Cà Mau 1A.

Và nếu tính từ tháng 5-12/2021, Vietracimex đã huy động được 2.179 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn được đổ vào 2 dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A và 1B.

Riêng với tài sản đảm bảo là một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, theo phản ánh thì khu đô thị này bỏ hoang, đắp chiếu hơn 10 năm, còn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất, hiện đã đổi tên thành Hinode Royal Park và được chạy quảng cáo tấp nập là “siêu dự án hồi sinh”.

Giới quan sát cho rằng Vietracimex - WTO đã tận dụng sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu để huy động vốn cho các dự án năng lượng của mình. Cụ thể, trong giai đoạn từ cuối 2018 đến 2021, DN này đã huy động được 5.579 tỷ đồng trái phiếu. 

Các đơn vị thành viên của DN này cũng rất tích cực trên thị trường trái phiếu nhằm đầu tư vào các dự án điện mặt trời như CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 (2.550 tỷ đồng), CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 (1.600 tỷ đồng).

Hai pháp nhân này lần lượt là chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150 MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỷ đồng) và Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100 MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỷ đồng).

Ngoài ra, một công ty con khác CTCP Năng lượng Hòa Thắng gần đây phát hành thành công 545 tỉ đồng trái phiếu mã HTECH2133001, kỳ hạn 4.319 ngày. Thương vụ được thực hiện từ ngày 3/3 – 30/5/2022.

Trước đó, từ ngày 31/8 – 30/11/2021, Hòa Thắng đã huy động được 880 tỉ đồng từ phát hành lô trái phiếu kỳ hạn 12 năm 4 tháng để đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.736 tỉ đồng) tại Bình Thuận.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu gồm dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2, 103,4 triệu cổ phần do Hòa Thắng phát hành và các quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Khối tài sản nêu trên cũng được sử dụng để bảo đảm cho lô trái phiếu trị giá 220 tỉ đồng mà Hòa Thắng phát hành vào cuối năm 2019. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 14 năm, với lãi suất 10%/năm.

Theo ước tính, từ tháng 12/2018 đến nay, nhóm DN thuộc hệ sinh thái Vietracimex của đại gia Võ Nhật Thăng đã huy động tổng cộng 11.374 tỉ đồng từ kênh trái phiếu.

Trong khi đó, dư luận đang lo ngại các DN ngành năng lượng đang dùng công cụ lãi suất cao đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để làm “mồi nhử” huy động vốn và che đậy năng lực tài chính thực sự của mình. 

Nhất là với những DN dù làm ăn lợi nhuận không bao nhiêu, nhưng phát hành trái phiếu cao gấp hàng chục lần số vốn thực họ đang có. Đây là điều nguy hiểm đối với nhà đầu tư khi mua vào. 

Lo vết xe đổ “bom nợ” trái phiếu gây hệ luỵ về sau

Theo giới phân tích, sự phát triển quá nóng của TPDN nhóm ngành năng lượng tái tạo (như trường hợp của Vietracimex và các công ty con) đang ảnh hưởng đến khả năng sinh lời, khả năng trả nợ của chủ đầu tư, từ đó gây rủi ro đến dòng vốn tài trợ của ngân hàng và các nhà đầu tư. 

dien-gio-1658392152.jpg Sự phát triển quá nóng của trái phiếu doanh nghiệp nhóm ngành năng lượng tái tạo đang ảnh hưởng đến khả năng sinh lời, khả năng trả nợ của chủ đầu tư, gây rủi ro dòng vốn của nhà đầu tư.

Và một trong những rủi ro lớn của các dự án năng lượng tái tạo là thời gian đầu tư kéo dài. Ngay như với những dự án năng lượng gió - lĩnh vực mà Vietracimex đang đầu tư vốn, được cho là có nhiều ưu đãi hơn về chính sách cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, khả năng thu hồi vốn là tương đối lâu dài. 

Những rủi ro TPDN rót vào mảng năng lượng tái tạo như nêu trên rõ ràng tác động đến tính hiệu quả của dòng vốn đầu tư, DN buộc phải gồng mình gánh chi phí lãi suất cao sau khi phát hành trái phiếu huy động. 

Ngoài ra, cơ chế giá điện chưa rõ ràng  là rủi ro cho các nhà đầu tư mua TPDN năng lượng, cũng như với ngân hàng và chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo hiện nay. 

Thậm chí, sau giai đoạn chạy đua về dự án năng lượng tái tạo và huy động vốn sẽ là giai đoạn trầm lắng, thậm chí đổ vỡ dây chuyền của nhóm DN năng lượng tái tạo, khi họ phải đối mặt với hàng loạt quy định khắt khe, biên lợi nhuận giảm và có thể có nhà đầu tư bỏ cuộc. 

Giới chuyên gia lưu ý một dự án năng lượng tái tạo có thể bước vào chu kỳ sản xuất để sinh lời phải mất đến hàng chục năm, trong khi TPDN chỉ phát hành nhiều nhất là trong 5 năm, còn lại khoảng 2-3 năm nên sẽ có rất nhiều vấn đề cần chú ý.

Có ý kiến lo ngại rằng, với mức tăng trưởng như hiện nay, trái phiếu năng lượng tái tạo rất có thể sẽ lặp lại vết xe đổ của các DN giao thông ở các dự án BOT của nhiều năm trước.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, trở lại chuyện làm ăn của Vietracimex (được đổi tên thành WTO hồi năm 2020), mới đây DN này có đề nghị thực hiện tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến (tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) với quy mô sử dụng đất khoảng 900ha. 

Tổ hợp này bao gồm các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch (tỷ trọng đất du lịch chiếm hơn 31%), dự án có tổng vốn đầu tư (đã gồm vốn vay) khoảng 57.640 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn dự án gồm: khoảng 8.740 tỷ đồng là vốn tự có, khoảng 10.480 tỷ đồng là vốn vay và khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn huy động khách hàng (chiếm 67% tổng mức đầu tư).

Với khoản vốn vay và nguồn huy động từ khách hàng được dự tính với số tiền “khủng” như vậy, điều làm dư luận băn khoăn là liệu có khả thi khi mà uy tín của Vietracimex vẫn là dấu hỏi lớn, lấy gì để làm tin cho việc đầu tư như vậy.

Đặc biệt khi lật mở lại lý lịch của Vietracimex - WTO sẽ thấy DN này từng dính đầy rẫy những bê bối trong hàng loạt các dự án đã thực hiện. Đơn cử như: Bê bối ở BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, lùm xùm tại Dự án Minh Khai City Plaza, liên tiếp xảy ra sự cố tại các dự án thủy điện, nhiều sai phạm tại nhà máy thủy điện Tà Thàng (Lào Cai)…

Với những bê bối, lùm xùm nêu trên của Vietracimex không khác gì những “tảng băng chìm”, điều làm dư luận thắc mắc là không hiểu sao các cơ quan có trách nhiệm chưa mạnh tay làm rõ và cảnh báo sớm nhằm tránh hệ luỵ tiêu cực về sau.