Trước đó, các nhà phân tích nói với hãng tin Reuters rằng, họ kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 1% trong quý II.
Trên thực tế, sản xuất công nghiệp tháng 6 của Trung Quốc đã không đạt kỳ vọng khi chỉ tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng dự báo là 4,1%.
Bù lại, doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã quay đầu và bật tăng 3,1%, so với mức sụt giảm trước đó, khi các "ông lớn" thương mại điện tử kích cầu tiêu dùng bằng việc tổ chức lễ hội mua sắm khuyến mại vào giữa tháng.
Nhân tố khác tạo cú hích cho doanh số bán lẻ tháng 6 là các mặt hàng ô tô, mỹ phẩm và thuốc. Tuy nhiên, dịch vụ ăn uống, đồ nội thất và vật liệu xây dựng lại chứng khiến doanh số sụt giảm. Trong cơ cấu doanh số bán lẻ, dù doanh số bán hàng trực tuyến của các mặt hàng hóa vật lý đã tăng 8,3% so với một năm trước, nhưng chậm hơn so với mức tăng 14% ghi nhận trong tháng 5.
Mặt khác, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 đạt trên mức kỳ vọng, với mức tăng cao hơn dự báo là 6,1%. Riêng tháng 6, đầu tư tài sản cố định tăng 0,95% so với tháng 5.
Trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất chế tạo cùng duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự hoặc tốt hơn so với tháng 5, thì đầu tư vào lĩnh vực bất động sản lại tiếp tục đi xuống. Cụ thể, Trung Quốc ghi nhận đầu tư vào bất động sản trong nửa đầu năm 2022 giảm 5,4%, cao hơn mức giảm 4% trong 5 tháng đầu năm.
Tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã giảm so với thời kỳ trước dịch bệnh, xuống còn 5,8% vào tháng 6. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 ở các địa phương này lại tăng lên 19,3%.
Theo đánh giá của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các chỉ số kinh tế vừa công bố trên là "những thành tựu khó kiếm". Cùng với việc cảnh báo tác động kéo dài của Covid-19 và "nhu cầu trong nước đang thu hẹp", Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng lưu ý đến "rủi ro đình lạm của nền kinh tế thế giới" và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nước ngoài đang gia tăng. Đình lạm là hiện tượng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 15/7, người phát ngôn Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, ông Fu Linghui, cho biết các chỉ số kinh tế của nước này trong quý II/2022 đã kìm hãm xu hướng suy giảm.
Ông Fu Linghui cho rằng tác động của Covid-19 chỉ "tồn tại trong thời gian ngắn", đồng thời so sánh lạm phát của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, đại diện Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng lưu ý rằng nền kinh tế nước này đang đứng trước những "thách thức" để đạt được các mục tiêu cả năm.
Trong quý II, thị trường Trung Quốc đại lục chịu tác động mạnh từ đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đỉnh dịch vào đầu năm 2020. Đến đầu tháng 6, sau nhiều tuần phong tỏa, Thượng Hải, Bắc Kinh và một số địa phương khác của Trung Quốc bắt đầu đưa các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường.
Vài tuần gần đây, chính quyền trung ương Trung Quốc đã rút ngắn thời gian cách ly và nới lỏng một số biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác của quốc gia tỷ dân đã phải tái áp dụng các biện pháp kiểm soát của Covid-19 do số ca nhiễm mới tăng đột biến. Đầu tuần này, Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) cho biết các khu vực mà đóng góp tổng cộng 25,5% cho GDP Trung Quốc đang bị áp dụng một số hình thức phong tỏa hoặc kiểm soát chặt.
Nhiều ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới đã nhiều lần hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc do tác động của các biện pháp kiểm soát dịch mà nước này áp dụng. Các công ty mà đài CNBC tổng hợp dữ liệu đã đưa ra dự báo vào cuối tháng 6 rằng tăng trưởng trung bình năm 2022 của Trung Quốc sẽ đạt 3,4%. Trong khi, mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức mà Trung Quốc công bố hồi tháng 3 là "khoảng 5,5%".
"Nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn đang xuống đáy. Nhưng nó vẫn đang trong quá trình phục hồi", ông Bruce Pang, chuyên gia kinh tế trưởng của JLL, nhận định. Chuyên gia này hy vọng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ duy trì lập trường chính sách nới lỏng để nền kinh tế này có thể đạt mức phục hồi vừa phải trong nửa cuối năm.