Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến cuối tháng 2/2022 tăng 1,82% so với cuối 2021. Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021, dư nợ tín dụng đạt 10,44 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 190.000 tỷ đồng tín dụng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 2,74% trong tháng 1/2022, tương đương tăng gần 286.000 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, phản ánh sự tăng tốc đối với nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế trong tháng đầu năm. Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo tích cực về kịch bản tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán BSC, nhu cầu tín dụng năm 2022 sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, được hỗ trợ bởi việc tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh. Ngoài ra, gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến cuối tháng 2/2022 tăng 1,82% so với cuối 2021. Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021, dư nợ tín dụng đạt 10,44 triệu tỷ đồng. (Ảnh minh họa: KT)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "Năm 2022 chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành chính sách linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Trong điều hành chính sách tiền tệ chúng tôi cũng sẽ bám sát vào chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo ổn định tỷ giá cũng như quản lý tốt thị trường ngoại tệ, thị trường vàng".
Về cung ứng vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, ngân hàng chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Tín dụng tiếp tục chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên, và 5 lĩnh vực này đều có mức tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực chung , 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao đều là trụ đỡ của nền kinh tế, do vậy định hướng năm 2022 của ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tập trung hướng dòng vốn tín dụng chảy vào những lĩnh vực này".
Mới đây, nhóm công tác ngân hàng của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cần thiết. Việc cấp room tín dụng không hoàn toàn là phương án quản lý, điều hành tiền tệ hiện đại, theo cơ chế thị trường. Phương thức áp dụng trần tín dụng có thể phải dỡ bỏ trong tương lai khi phương thức vay cũng như các ngân hàng thương mại đáp ứng được điều kiện của một thị trường phát triển.
Nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%-30% trong năm nay chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân, bất động sản... (Ảnh minh họa: KT).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong những tháng tới, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao, để kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nên bỏ room tín dụng để cho mỗi ngân hàng tự quyết kế hoạch kinh doanh của mình.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank khẳng định tín dụng được cấp mới sẽ dành để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. "Toàn bộ room tín dụng ngân hàng Nhà nước cho phép tăng thêm, ngân hàng sẽ dành cấp tín dụng cho những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế, phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân".
Báo cáo về ngành ngân hàng mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lạc quan đánh giá năm nay, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng. Các gói hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi.
Khi điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy cung-cầu về tín dụng. Dù vậy, lãnh đạo một số ngân hàng cũng thừa nhận vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát quay lại, sự phục hồi của một số ngành vẫn chậm… song nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sáng sủa hơn năm trước. Ngân hàng là một trong các ngành được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhất năm nay./.