TẬP ĐOÀN BẢO VIỆT GẶP KHÓ TRONG "BẢO HIỂM" TÀI CHÍNH CHO CHÍNH MÌNH?

Trong những năm gần đây, nợ dài hạn của Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) luôn lớn hơn tài sản dài hạn, điều này có thể dẫn đến lợi nhuận kinh doanh giảm và khó khăn trong cân đối tài chính doanh nghiệp.

Nợ dài hạn lớn hơn tài sản dài hạn

Theo công bố kết quả kinh doanh năm 2021của Tập đoàn Bảo Việt, tổng doanh thu hợp nhất đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 1.989 tỷ đồng, tăng 20,5%. Riêng công ty mẹ, doanh thu đạt 1.490 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.031 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản công ty mẹ đạt 18.908 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 18.520 tỷ đồng.

nh-chu-p-man-hinh-2022-02-24-luc-21-58-47-1645942004.png Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, cổ phiếu BVH đóng cửa ở mức 59.000 đồng/cổ phiếu (nguồn: Vietstock)

Nhưng trong quý 4/2021, lãi gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BVH lỗ gần 5 tỷ đồng, do tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng 9% lên hơn 10.048 tỷ đồng, vượt mặt so với doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ 4%. Bù lại, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 5% so cùng kỳ, lên gần 1.980 tỷ đồng nhờ lãi đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 412% lên hơn 161 tỷ đồng. Do đó, trong quý 4/2021 BVH vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 525 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so cùng kỳ năm 2020.

Điểm sáng trong bức tranh tài chính tại Bảo Việt chính là tổng tài sản tính đến cuối quý 4/2021 gần 169.461 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, tổng đầu tư tài chính ngắn và dài hạn chiếm 88% tổng tài sản của BVH, giá trị hơn 149.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ phải trả của doanh nghiệp này tính đến 31/12/2021 cán mốc hơn 147.448 tỷ đồng, tương đương tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nợ dài hạn gần 125.817 tỷ đồng, tăng 19%. Đáng nói, BVH có nợ vay ngắn hạn gấp 2,8 lần đầu năm, lên hơn 2.500 tỷ đồng.

Do đó, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản của BVH là 87%; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 6,7 lần. Con số này phần nào cho thấy, BVH đang sử dụng đòn bẩy nợ khá cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này đến từ nợ phải trả.

Đáng chú ý, 4 năm trở lại đây, nợ dài hạn tại BVH luôn vượt mặt tài sản dài hạn. Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, nợ dài hạn ghi nhận gần 125.817 tỷ đồng tỷ đồng. Trong khi đó, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (125.259 tỷ đồng) và dự phòng toán học (gần 112.073 tỷ đồng). Trong khi đó, tài sản dài hạn chỉ ở mức 69.973 tỷ đồng. Như vậy, nợ dài hạn cao gấp 1,8 lần tài sản dài hạn.

Giới chuyên gia phân tích, mối quan hệ cân đối giữa tài sản với nguồn vốn thể hiện sự tương quan về giá trị tài sản và cơ cấu vốn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mối quan hệ cân đối này giúp nhà phân tích phần nào nhận thức được sự hợp lý giữa nguồn vốn doanh nghiệp huy động và việc sử dụng chúng trong đầu tư, mua sắm, dự trữ, sử dụng có hợp lý, hiệu quả hay không. Đối với BVH, nếu phần tài sản dài hạn nhỏ hơn nợ dài hạn, chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Hiện tượng này vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Điều này có thể dẫn đến lợi nhuận kinh doanh giảm và những rối loạn tài chính doanh nghiệp.

Hoạt động đa ngành kém hiệu quả

Theo số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (ISA) và công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dù doanh thu của ngành bảo hiểm có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đạt mức tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thị phần của Bảo Việt Nhân thọ đã sụt giảm dần qua các năm, từ ngôi vị dẫn đầu với 21% năm 2017 giảm xuống 15% năm 2020 và xuống 13% trong 5 tháng đầu năm 2021.

bv-1645942064.jpeg Thị phần của Bảo Việt Nhân thọ đã sụt giảm dần qua các năm, từ ngôi vị dẫn đầu với 21% năm 2017 giảm xuống 15% năm 2020 và xuống 13% trong 5 tháng đầu năm 2021

Không chỉ vậy, BVH còn được biết đến với những dự án đất vàng bỏ hoang nhiều năm nay. Cụ thể, từ năm 2005, Tập đoàn Bảo Việt đã được giao đất để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 tại số 220 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo giới thiệu, Tháp Tài chính Quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, dự án vẫn trong tình trạng đắp chiếu dù tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng vào dự án.

Hay dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh cũng đang bị bỏ hoang sau gần 20 năm được giao đất. Tại dự án này, Tập đoàn Bảo Việt đã liên kết với Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt với phần góp vốn hơn 65 tỷ đồng. Công ty Long Việt cũng chính là là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội).

Còn trong lĩnh vực ngân hàng, BaoVietBank cũng không được đánh giá cao, thậm chí là một trong số những ngân hàng chây ì đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Theo đó, việc phải công bố kịp thời, minh bạch hơn trong cung cấp thông tin về tình hình tài chính dẫn đến bị “soi” cặn kẽ hơn về kết quả kinh doanh có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chậm chễ này. Ngoài ra, nợ xấu lớn chưa được xử lý cũng sẽ ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu khi lên sàn.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu của BaoViet Bank tại thời điểm 30/9/2021 đã tăng 62% so với đầu năm lên gần 2.697 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn gấp đôi đầu năm lên 2.265 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay đã vượt ngưỡng 10,53% cao hơn nhiều so với con số 7,27% hồi đầu năm cho thấy chất lượng tín dụng của BaoViet Bank đang đi xuống rõ rệt.