Điển hình: Dự án Thủy điện sông Âm đã khởi công xây dựng hơn thập kỷ qua, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống, gây lãng phí tài nguyên đất đai; ký hợp đồng thuê đất 20 năm nhưng thuộc hành lang thoát lũ sông Hồng đấu giá đất bãi bồi sông Hồng (Đan Phượng, Hà Nội) rẻ hơn giá thuê đất. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã thu thập tài liệu, xác minh thông tin và có loạt bài phản ánh khách quan về những vấn đề trên.
Điều chỉnh dự án, chuyển đổi chủ đầu tư, thậm chí đã tổ chức khởi công rầm rộ nhưng Dự án xây dựng Thủy điện sông Âm sau 12 năm vẫn là bãi đất trống. Đặc biệt, nhiều vướng mắc về pháp lý liên quan tới dự án vẫn chưa được các bên giải quyết. Do đó, dự án tới khi nào thi công trở lại thì vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Khởi công lấy… ngày
Ngày 10/7/2010, tại xã Tam Văn, huyện Lanh Chánh, tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Đầu tư Năng lượng Việt Nam, trực thuộc Công ty CP Quan hệ Quốc tế Đầu tư Sản xuất (CIRI) - đơn vị thành viên của Tập đoàn GFS đã “long trọng” tổ chức lễ khởi công Dự án thủy điện sông Âm. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm lễ khởi công, Dự án xây dựng Thủy điện sông Âm chỉ là bãi đất hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai!
Đơn vị khởi xướng Dự án Thủy điện sông Âm là Công ty CP Quan hệ Quốc tế Đầu tư Sản xuất (sau đây gọi tắt là Công ty CIRI), thành viên Tập đoàn GFS. Không hiểu lý do gì mà ngày 15/8/2009 Công ty CIRI đã có Công văn số 194/CV-CIRI gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Công ty CP Đầu tư Năng lượng Việt Nam để tiếp tục thực hiện Dự án Thủy điện sông Âm.
Ngày 18/11/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 6057/UBND-CN chấp thuận để Công ty CP Đầu tư Năng lượng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty CIE) thực hiện Dự án Thủy điện sông Âm. Công văn cũng yêu cầu Công ty CIE có trách nhiệm lập và triển khai Dự án theo đúng quy định của pháp luật và tiến độ đã cam kết.
Sau đó, Dự án Thủy điện sông Âm được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 5046/QĐ-BCT ngày 3/10/2011, công suất 12MW. Ngày 26/9/2022, dự án được Bộ Công Thương tiếp tục điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 1913/QĐ-BCT về điều chỉnh quy hoạch Dự án Thủy điện sông Âm và nâng công suất từ 12MW lên 14MW.
Ông Lương Văn Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Tam Văn, cho biết: “Năm 2010, Công ty làm lễ khởi công rất hoành tráng. Người dân địa phương cứ chờ, chờ mãi như thế, chả thấy dự án thi công. Nông dân thì cần đất gieo trồng nhưng phía Công ty bảo là không được canh tác nên cũng chẳng dám canh tác trên đất nông nghiệp ở đó. Đất đai bỏ hoang hóa, thật lãng phí”.
Nhiều người dân bản Lót, xã Tam Văn cho hay: “Chúng tôi tin theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước nhường đất canh tác cho doanh nghiệp, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay Dự án vẫn chưa thi công, trong khi hàng chục hộ dân cần tư liệu sản xuất thì không có đất để canh tác. Nếu họ không làm thủy điện thì trả đất lại cho dân, chúng tôi sẵn sàng trả lại tiền đền bù trước đây đã nhận”.
Qua trao đổi, ông Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết: “Dự án kéo dài, trải qua bao nhiêu đời lãnh đạo, tôi mới lên tôi nắm lại mới thấy là chậm thi công. Chúng tôi mong mỏi dự án đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Trước đây năng lực của chủ đầu tư nó yếu, bây giờ tìm chủ đầu tư khác. Mọi việc anh cứ trao đổi với Phòng Kinh tế và Hạ tầng của huyện, tôi đang trong viện điều trị”.
Ông Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh đến giờ vẫn chưa rõ chủ đầu tư ban đầu của Dự án là ai, nếu theo lý giải của ông Thanh thì bây giờ Công ty CIE mới đủ mạnh, đủ tiềm lực để triển khai dự án, nhưng thực tế tất cả các công ty liên quan đến Dự án Thủy điện sông Âm đều là công ty con, đơn vị thành viên của Tập đoàn GFS.
Qua trao đổi với ông Hà Văn Việt, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lang Chánh, ông Việt thừa nhận: Dự án đến nay đã chậm trễ nhiều năm; đồng thời chưa rõ ngày chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản pháp lý liên quan Dự án trên thì ông Việt lấy lý do cán bộ lưu giữ hồ sơ hôm nay xin nghỉ ốm. Đồng thời chỉ cấp cho phóng viên Báo cáo số 87/BC-UBND ngày 8/3/2022 và Báo cáo số 528/BC-UBND ngày 11/10/2022 về tình hình triển khai Dự án Thủy điện sông Âm.
Chưa được giao đất, cho thuê đất
Được biết, ngày 23/9/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 10878/UBND-CN gửi cơ quan chức năng và Công ty CP Đầu tư Năng lượng Việt Nam, yêu cầu chủ đầu tư phải khởi công xây dựng công trình vào tháng 1/2017 và hoàn thành công trình vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết năm 2022 mà dự án vẫn “án binh bất động”?.
Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, đến nay Dự án đã GPMB xong đợt 1, tổng diện tích đã đền bù hơn 40ha, với 156 hộ thuộc diện thu hồi đất, số tiền đền bù hơn 7 tỷ đồng; giai đoạn 2 đã lập hồ sơ và chuẩn bị chi trả đền bù, với số tiền 900 triệu đồng; Chủ đầu tư đã triển khai thi công nâng cấp đường dân sinh trên tuyến đường từ khu Nhà máy lên Đập chứa khoảng 5km, kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng, vừa phục vụ dân sinh và chuẩn bị cho công tác thi công sau này; Chi phí tư vấn, thiết kế và thẩm tra hơn 8,3 tỷ đồng; Chi phí quản lý Dự án 15 tỷ đồng; Đặc biệt, Chủ đầu tư đã nộp tiền trồng rừng thay thế 0,1ha rừng tự nhiên và 37,54ha rừng trồng sản xuất số tiền gần 1,65 tỷ đồng. Tổng chi phí đến nay là hơn 33,2 tỷ đồng.
Việc mấu chốt hiện nay là các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa vẫn đang lấy ý kiến về Dự án Thủy điện sông Âm. Ông Quỳnh cho biết thêm: Hiện tại đã có mấy Bộ vào làm việc, họ kiểm tra vị trí, hồ sơ xây dựng các thứ và gần đây, tháng 10/2022 có khoảng 8 Sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa lên, cùng các phòng ban huyện Lang Chánh, Bá Thước và các xã có liên quan để kiểm tra thực địa về tác động môi trường, địa điểm xây dựng, hồ sơ thiết kế... nghe đâu cuối năm 2022 sẽ tiếp tục tiến hành thi công.
Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại tỉnh Thanh Hóa chưa cho Công ty CIE thuê đất hoặc giao đất theo Luật Đất đai 2013. Ngoài ra, Dự án Thủy điện sông Âm chưa đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Lang Chánh và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, nội dung này được thể hiện rất rõ tại Văn bản số 9173/STNMT-QLĐĐ ngày 17/10/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa khi tham gia ý kiến về Dự án Thủy điện sông Âm.
Theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Opic và Cộng sự cho biết: Khoản 1, Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Việc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Và một trong các căn cứ để thu hồi đất là phải phù hợp kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (khoản 2, Điều 63, Luật Đất đai năm 2013). Do vậy, nếu đất chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thì chưa đủ cơ sở để thu hồi đất. Trong khi, Khoản 1, Điều 62, Luật Xây dựng năm 2003 quy định rõ: Trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ công trình không phải xin giấy phép xây dựng. Do vậy, việc chưa có giấy phép xây dựng mà khởi công xây dựng công trình đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng là vi phạm pháp luật.