Tập đoàn R&H phát hành 8.150 tỷ trái phiếu: Nhiều tài sản đảm bảo 'yếu' và vai trò của TPS

Tập đoàn R&H gây chú ý khi phát hành 8.150 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong vài tháng cuối năm 2021. Nhưng đáng chú ý hơn cả lại chính là việc khá nhiều tài sản đảm bảo có chất lượng không tốt, từ đó đặt ra câu hỏi về vai trò của Chứng khoán Tiên Phong (TPS).
cong-ty-chung-khoan-tien-phong-tps-1666854443.jpg

TPS còn thực hiện giao dịch rất nhiều trái phiếu thuộc "họ" R&H trong nửa đầu năm 2022. Ảnh minh họa.

Nghịch lý phát hành 8.150 tỷ trái phiếu, nợ phải trả chỉ là 4.346 tỷ 

Trong 4 tháng cuối năm 2021 (từ tháng 9 đến tháng 12), Công ty cổ phần Tập đoàn R&H đã phát hành tổng cộng 7 lô trái phiếu với trị giá lên đến hơn 8.150 tỷ đồng. Giá trị các lô dao động từ 944 triệu đồng tới 3.000 tỷ đồng. 

Thế nhưng, đáng chú ý ở chỗ, tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Tập đoàn R&H được xác định là 4.346 tỷ đồng, bằng già nửa giá trị trái phiếu phát hành trong 4 tháng cuối năm của công ty.

Giá trị trái phiếu phát hành của Tập đoàn R&H cao gấp 5,6 lần vốn chủ sở hữu. Trái phiếu góp phần không nhỏ khiến nợ phải trả R&H tăng vọt, tăng 75 lần so với thời điểm cuối năm 2020. 

Tập đoàn R&H thành lập ngày 7/8/2019 với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Minh Tuấn. Ngoài R&H, ông Tuấn còn đại diện cho Công ty cổ phần bất động sản AIC.

Dù vốn chủ sở hữu tăng dần đều theo năm, tăng từ 272 tỷ đồng (năm 2019) lên 1.310 tỷ đồng (năm 2020) và 1.453 tỷ đồng (năm 2021) nhưng lợi nhuận của R&H rất èo uột, chỉ đạt 759 triệu đồng (năm 2021), 3,4 tỷ đồng (năm 2020). Còn trong năm đầu hoạt động (năm 2019), R&H lỗ 955 triệu đồng. 

Nhiều tài sản đảm bảo kém chất lượng?

Không phải tất cả các lô trái phiếu của Tập đoàn R&H đều công bố tài sản đảm bảo. Với những lô có công bố minh bạch, có thể tạm chia ra tài sản đảm bảo của R&H bao gồm bất động sản và cổ phần đơn vị khác thuộc sở hữu của R&H.

Cụ thể, một số tài sản đảm bảo là bất động sản có thể kể đến như: Quyền sử dụng đất tại khu đất thực hiện Dự án Grand Mercure Hội An; Quyền tài sản (bao gồm quyền phát triển dự án và dòng tiền phát sinh các tài sản khác có liên quan) thuộc khu đất theo quy hoạch Dự án Grand Mercure Hội An); Quyền tài sản (bao gồm quyền phát triển dự án, dòng tiền phát sinh và ác tài sản khác liên quan) thuộc khu đất theo quy hoạch xây dựng Dự án Bãi Cháy; Quyền sử dụng của khu đất thực hiện Dự án Bãi Cháy.

Một số tài sản liên quan đến cổ phiếu có thể kể đến như cổ phần thuộc sở hữu của Tập đoàn R&H tại Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Phú Hải, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sơn Long.

Công ty Sơn Long, ngoài việc vốn điều lệ tăng mạnh từ 59,4 tỷ đồng (năm 2019) lên 1.594 tỷ đồng (năm 2020) thì các chỉ tiêu kinh doanh chính còn lại đều rất bết bát. 

Trong nhiều năm gần đây, Sơn Long thường xuyên ghi nhận doanh thu 0 đồng và những khoản thua lỗ nhỏ giọt, lỗ 1,2 tỷ đồng (năm 2017), lỗ 1,8 tỷ đồng (năm 2018), lỗ 69,5 triệu đồng (năm 2020) và lỗ 1,1 tỷ đồng (năm 2021). 

Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends thành lập năm 2020 với người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Hạnh. Dù có vốn chủ sở hữu hơn 410 tỷ đồng nhưng năm 2020 và 2021, công ty không kiếm nổi 1 đồng doanh thu. 

Cùng với Sơn Long, Xây dựng Friends, Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Phú Hải chẳng khác gì doanh nghiệp “xác sống”. Xuân Phú Hải thành lập 2011 và có cùng đại diện pháp luật Xây dựng Friends là bà Phạm Thị Hạnh. 

Suốt thời gian dài qua, Xuân Phú Hải không phát sinh doanh thu mà cũng chẳng có lợi nhuận hay thua lỗ. Ngay cả năm 2020, khi vốn chủ sở hữu công ty vọt lên 559 tỷ đồng từ 60 tỷ đồng thì hoạt động của công ty đã “phá băng” với khoản lỗ 667 triệu đồng.

Có thể thấy, cả Sơn Long, Xây dựng Friends và Xuân Phú Hải đều là những tài sản thế chấp kém chất lượng. Dù vốn được tăng sốc lên hàng trăm tỷ đồng nhưng 3 cái tên này không cho thấy một bóng dáng công ty có hoạt động thực sự. 

TPS vừa tư vấn, vừa giao dịch, mới bị phạt liên quan đến trái phiếu

Công ty chứng khoán Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đóng góp không nhỏ vào các một số đợt phát hành trái phiếu ngàn tỷ của Tập đoàn R&H khi đóng vai trò tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, thanh toán và chuyển nhượng… 

Không chỉ có vậy, TPS còn thực hiện giao dịch rất nhiều trái phiếu thuộc "họ" R&H trong nửa đầu năm 2022. 

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, TPS bán trái phiếu RHGCH2124005 và RHGCH2124006. Tổng giá trị bán mỗi mã là 2.503 tỷ đồng và 1.762 tỷ đồng. Các mã này khiến TPS lỗ 111 tỷ đồng và 78,2 tỷ đồng.

Tính chung, nửa đầu năm 2022, trái phiếu “họ” R&H là một trong những nguyên nhân khiến TPS lỗ hơn 552 tỷ đồng từ bán các tài sản tài chính FVTPL, trong đó lỗ bán trái phiếu chưa niêm yết đã gần 459 tỷ đồng. 

TPS có vẻ như đang gặp “vận đen” với trái phiếu. Hồi cuối tháng 9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phạt TPS 125 triệu đồng do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn.

Cụ thể, trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số công ty cổ phần chưa đại chúng năm 2022, nội dung Hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa công ty và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu. Như vậy, công ty chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.