Tập đoàn Thiên Minh Đức: Doanh thu lớn, liên tục nợ thuế nghìn tỷ

Với doanh thu chục nghìn tỷ đồng nhưng Công ty Thiên Minh Đức cũng là đơn vị liên tục nợ thuế , với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Nợ thuế nghìn tỷ

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) liên tục ghi nhận doanh thu tăng vọt và sau 5 năm, doanh thu công ty tăng tới 8.396 tỷ đồng, tương đương 3,8 lần.

Thế nhưng, công ty lại liên tục nợ thuế lên đến cả nghìn tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2021, dữ liệu tài chính cho thấy, TMD Group ghi nhận 1.172 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước gần bằng vốn chủ sở hữu công ty (1.317 tỷ đồng).

Đây không phải lần đầu tiên TMD Group nợ thuế lên đến nghìn tỷ. Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2020, chỉ tiêu này là 1.382 tỷ đồng, tăng 904 tỷ đồng, tương đương 189% so với năm 2019. Còn năm 2018, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại TMD Group là 178 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, từ năm 2018, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của TMD Group tăng dần theo từng năm với con số lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Nợ thuế phình to, nợ ngắn hạn luôn vượt tài sản ngắn hạn tại TMD Group những năm gần đây (Đồ họa: Thanh Giang).

Bên cạnh đó, nợ thuế nghìn tỷ nhưng con số này chỉ chiếm 15,4% tổng nợ phải trả của Thiên Minh Đức. Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả của TMD Group lên đến 7.605 tỷ đồng, tăng 1.597 tỷ đồng, tương đương 26,6% so với năm 2020, cao gấp 5,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 85,2% tổng nguồn vốn.

Vay và nợ thuế tài chính khá lớn, đạt 2.584 tỷ đồng. Để được cấp tín dụng, trong năm 2021, TMD Group đã ký rất nhiều hợp đồng. Chưa dừng lại ở đó, tới 2022, công ty tiếp tục đi vay. Mới tính đến tháng 8/2022, tổng số hợp đồng tín dụng mà TMD Group ký với các ngân hàng lên đến con số khoảng 20.

Một số 'chủ nợ' của TMD Group có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nghệ An, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - Chi nhánh Nghệ An, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - Chi nhánh Nghệ An. Trong đó, BIDV - Chi nhánh Nghệ An ký rất nhiều hợp đồng với Thiên Minh Đức.

Tài sản đảm bảo chủ yếu là hàng tồn kho bao gồm toàn bộ lô hàng dầu DO 0.05%S hình thành từ nhiều hợp đồng giữa Công ty Thiên Minh Đức và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Giá trị hàng tồn kho có lúc là 104 tỷ đồng, hoặc 127 tỷ đồng hoặc 139 tỷ đồng...

Ngoài ra, chỉ tiêu phải trả khác cũng rất cao, bao gồm ngắn hạn là 1.182 tỷ đồng và dài hạn là 1.350 tỷ đồng.

Tài sản tiềm ẩn rủi ro cao

Sức khỏe tài chính của TMD Group còn thể hiện ở việc, nợ ngắn hạn của tập đoàn luôn vượt tài sản ngắn hạn trong những năm gần đây. Cụ thể, cuối năm 2021, nợ ngắn hạn TMD Group đạt 4.835 tỷ đồng, trong khi đó tài sản ngắn hạn doanh nghiệp đạt 4.075 tỷ đồng. Chỉ số này năm 2020 lần lượt là 4.442 tỷ đồng và 3.212 tỷ đồng.

Với các quy định tài chính hiện nay, tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn khiến hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn bị giảm sâu và điều này có thể dẫn đến, trong ngắn hạn, doanh nghiệp không có đủ tài sản để thanh toán cho các khoản nợ đến hạn. Trong trường hợp các chủ nợ đồng loạt đòi nợ thì doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh toán và có nguy cơ phá sản.

Doanh thu cao, song lợi nhuận thu về tại TMD Group khá mỏng, thậm chí còn thua lỗ (Đồ họa: Thanh Giang).

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản TMD Group đạt 8.922 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Đáng chú ý, dù nợ thuế nghìn tỷ và nợ nần 'phình to', song TMD Group vẫn phát sinh hơn 1.454 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, chỉ mục này những năm trước đó không thấy doanh nghiệp ghi nhận.