Ngày 26/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính thực hiện chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức cao nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp do tác động bởi đại dịch Covid-19.
GIÁ DẦU THẾ GIỚI SÔI SỤC
Theo đó, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10/2021 cụ thể như sau 97,36 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92, tăng 9,21 USD/thùng, tương đương tăng 10,44% so với kỳ trước; 100,38 USD/thùng xăng RON95, tăng 10,13 USD/thùng, tương đương tăng 11,23% so với kỳ trước.
Dầu diesel 0.05S, tăng 7,44 USD/thùng ở mức 95,20 USD/thùng, tương đương tăng 8,48% so với kỳ trước; 94,56 USD/thùng dầu hỏa, tăng 6,50 USD/thùng, tương đương tăng 7,39% so với kỳ trước; 497,097 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S, tăng 4,482 USD/tấn, tương đương tăng 0,91% so với kỳ trước.
Hiện nay Việt Nam nhập khẩu dầu thô để thực hiện lọc hoá dầu và chế biến và có khoảng 30% lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường được nhập để tiêu dùng. Từ năm 2020, công thức giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam được kết cấu theo giá quốc tế nên giá xăng dầu quốc tế tăng làm giá xăng dầu trong nước tăng theo.
Theo số liệu của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, từ 45%-48%.
Vào lúc 6h45 (giờ Việt Nam) ngày 8/11, giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,52% lên 81,59 USD/thùng. Chạm đáy vào tháng 4/2020 và có thời điểm rơi xuống mức âm, hiện giá dầu thô WTI trên đà “hồi sinh”, cao nhất trong 7 năm của dầu WTI kể từ cuối năm 2014. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2022 cũng tăng 0,7% lên 82,97 USD/thùng.
Nguyên nhân tình trạng này là do 4 yếu tố.
Thứ nhất, nhiều quốc gia cơ bản khống chế được sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Nhờ đó, kinh tế dần phục hồi, thế giới bắt đầu mở cửa trở lại, kéo theo đó là nhu cầu giao thông, vận tải tăng, nhu cầu xăng dầu tăng.
Nếu tính từ đầu năm, giá dầu Brent đã tăng khoảng 64% và giá dầu WTI tăng gần 70%. Giá dầu thô trên thế giới tăng cao trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân.
Thứ hai, việc thiếu than đá, thiếu khí đốt do nhu cầu sản xuất điện và dự trữ sưởi ấm mùa đông sắp tới được dự báo rất khắc nghiệt với các quốc gia châu Âu và Bắc bán cầu, tăng thêm tâm lý tích trữ và tiêu thụ dầu thô. Giá khí đốt ở châu Âu từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng đến 500% nên người tiêu dùng cũng chuyển sang dùng dầu.
Thứ ba, trong khi cầu tiêu dùng tăng mạnh thì nguồn cung tăng chậm hơn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) quyết định duy trì mức tăng sản lượng ổn định và dần dần ở mức 400.000 thùng/ngày vào tháng 11.
Thứ tư, đứng về góc độ địa chính trị hay góc độ về thiên nhiên, các cơn bão liên tục xảy ra ở Vịnh Mexico làm giảm sút sản lượng khai thác và cung cấp dầu thô cho nước Mỹ, quốc gia sử dụng xăng dầu hàng đầu trên thế giới, càng làm trầm trọng hơn sự khan hiếm về dầu thô trên thế giới.
QUỸ BÌNH ỔN KHÓ GỒNG GÁNH
Để hạn chế đà tăng của giá xăng, dầu trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá thông qua xả quỹ để bù giá và trích lập Quỹ với mức thấp hoặc không trích quỹ. Vì vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng từ 35-38%, thấp hơn mức tăng chung của thế giới.
Tuy nhiên, do sử dụng quỹ nhiều để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến dư địa của quỹ hiện không còn nhiều. Theo số liệu cơ quan chức năng, hiện có 14 đầu mối bị âm quỹ; trong đó, có 2 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) có số quỹ âm quỹ tới hàng ngàn tỷ đồng.
Giá xăng dầu tăng cao sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hoá và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân. Giá xăng dầu tăng cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát tăng cao trong các tháng cuối năm.
Giá xăng dầu tăng cao sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hoá và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân.
Giá xăng dầu tăng sẽ có tác động trực tiếp đến khách hàng mua lẻ và các ngành vận tải, còn tác động gián tiếp là giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác sẽ tăng.
Bởi các ngành sản xuất và tiêu dùng đều cần đến nhiên liệu, điện, khí để vận hành máy móc, thiết bị và thông qua các khâu vận chuyển, nếu giá xăng tăng sẽ khiến giá chi phí nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng.
Giá xăng dầu tăng cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát tăng cao trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên, kể cả giá xăng dầu, hàng hóa đều tăng trong thời gian tới nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp, khoảng 2,8-3,2% trong giới hạn 4% Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Nguyên nhân cơ bản để chỉ số lạm phát 10 tháng thấp do việc giãn cách xã hội để chống đợt bùng phát lần thứ 4 đại dịch Covid-19, cầu tiêu dùng của hầu hết các hàng hoá trong xã hội giảm thấp, đồng thời, vòng luân chuyển của tiền tệ trong nền kinh tế rất chậm.
KHÔNG GHÌM GIÁ XĂNG DẦU BẰNG GIẢM THUẾ
Trên thực tế, câu chuyện giá xăng dầu tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19 đã nằm trong dự tính của các nhà kinh tế trên thế giới và ở Việt Nam.
Với mong muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồi phục sau đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19, có những đề xuất cho rằng không thể trông chờ vào Quỹ mà cần các biện pháp mạnh tay hơn như giảm thuế phí. Đây là một đề xuất cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Người viết cho rằng, trước hết, việc sử dụng quỹ BOG chỉ nên thực hiện khi có những đợt tăng giá đột xuất, chưa dự đoán được.
Cần có nhận thức đúng về giá xăng dầu tăng mạnh ở Việt Nam và phải tính toán để sử dụng các công cụ khác một cách hài hòa với diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng rất cao.
Trong thời gian qua, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vừa thoát khỏi đợt giãn cách quyết liệt, để hồi phục và phát triển thì Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện các biện pháp điều chỉnh linh hoạt để kìm giữ giá xăng dầu tăng chậm hơn mức tăng của thị trường thế giới.
Trong thời gian tới, các nước OPEC+ cũng không muốn để giá xăng dầu quá cao, gây phương hại tới đà phục hồi kinh tế thế giới, nhưng vẫn cố giữ giá dầu thô ở mức 80 – 90 USD/thùng. Đã đến lúc cần đưa giá xăng dầu dần về mặt bằng mới của thị trường.
Thứ hai, theo bảng xếp hạng của trang Global Petrol Prices vào ngày 1/11/2021, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng vị trí 66 từ thấp đến cao trong tổng số 168 quốc gia.
Như vậy, thấp hơn 102 quốc gia và vùng lãnh thổ và thấp hơn giá xăng trung bình trên thế giới là 1,24 USD/l. Nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Na Uy,... có giá bán lẻ xăng cao hơn so với Việt Nam mặc dù có trữ lượng dầu lớn và khai thác, lọc hoá dầu và kinh doanh thương mại lớn hơn Việt Nam. So sánh với các nước, lãnh thổ có chung đường biên giới trong ASEAN và châu Á cũng đều thấp hơn
Việc hạ thấp thuế xăng dầu sẽ tạo sự cách biệt về giá với các quốc gia chung biên giới và tạo ra tình trạng buôn lậu, trốn thuế của các đầu lậu xăng dầu, gây thiệt hại cho nguồn thu của chính phủ.
Thứ ba, theo các số liệu của Bộ Công thương, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 42% và với dầu diesel từ mức khoảng dưới 30% tùy loại, đang ở mức thấp so với nhiều nước và tiếp tục thấp đi. Do thuế bảo vệ môi trường tính cố định 4.000đ/l mà giá xăng tăng ở mức cao khoảng 35% thì tỷ lệ thuế trong giá cơ sở càng thấp.
Trong khi đó, tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước trong khu vực và có quan hệ kinh tế lớn với Việt Nam như sau: Campuchia khoảng 49%, Lào khoảng 56,5%, Philippines khoảng 49,5%, Trung Quốc khoảng 52%, Hàn Quốc khoảng 63,18%, Singapore khoảng 67%, Hồng Kông khoảng 76%.
Thứ tư, nếu hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng.
Các doanh nghiệp càng sử dụng nhiều xăng dầu, nhiều điện càng được nhận khoản hỗ trợ lớn hơn từ việc Chính phủ giảm giá xăng dầu. Điều này vô hình chung lại hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng bừa bãi nhiên liệu, năng lượng, xăng dầu. Hoặc các doanh nghiệp sử dụng các phương tiện, máy móc thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu.
Thứ năm, hạ thấp thuế đối với xăng dầu còn tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Chỉ những người có thu nhập cao mới có điều kiện sử dụng các phương tiện hiện đại, tiêu tốn nhiều xăng dầu, còn những người lao động bình dân và lao động tự do, bán vé số, buôn thúng bán bưng sử dụng rất ít nhiên liệu xăng dầu. Càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, người có thu nhập thấp được hỗ trợ ít hơn.
Thứ sáu, thuế đối với xăng dầu là chính sách dài hạn của Chính phủ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm khí thải, đảm bảo sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên không thể tái tạo và điều tiết thu nhập trong nền kinh tế.
Giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước, giảm các khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếu thế trong xã hội. Chính vì vậy, đề xuất giảm thuế xăng dầu cần thiết được nghiên cứu cẩn trọng để đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét kỹ lưỡng.
Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý khi các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ phục hồi sản xuất. Hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mức độ, đúng thời gian, góp phần giảm bớt các khó khăn cho các chủ thể trong giai đoạn hồi phục.
Nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính, để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ổn định thị trường.