Nguyên nhân thực trạng
Vừa qua, tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn nhận được rất nhiều thông tin về việc khai thác tài nguyên đất trái phép thuộc địa bàn xã Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội). Những xe quá khổ, quá tải đi theo từng đoàn, ùn ùn vào “ăn đất”, rồi đổ đến các điểm đã lập trình sẵn. Việc di chuyển với tốc độ cao, đồng thời không che chắn kỹ có nguy cơ mất an toàn giao thông.
Anh Đ.T.M – người thường xuyên di chuyển bằng xe máy qua đây, cho hay: “việc các xe này chở quá khổ, quá tải, phóng nhanh làm chúng tôi rất lo sợ mỗi khi tham gia giao thông trên đoạn đường này, chưa kể những lúc xe phóng bất ngờ từ trong chỗ múc đất ra, có lần vì phanh gấp mà xe tôi bị loạng choạng, may mà không ngã”.
Chị N.T.T.A – cũng là người thường xuyên di chuyển qua đây, cho biết: “phụ nữ chúng tôi tay lái đã yếu rồi, ra đường gặp những đoàn xe này chở đất đá đầy xe, phóng nhanh thì tâm lý lại càng sợ hơn khi lái xe. Xe chạy vương vãi đất đá ra đường, bụi bay tứ tung, như tôi mặc áo có chống nắng rồi mà cũng như không”.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, đoàn xe này chở đất cho dự án thi công khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra trên đoạn Km 11 + 480 đến Km 11 + 780 (T) đường Hòa Lạc – Hòa Bình, đơn vị triển khai là Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình.
Sau những ngày theo sát thực địa, chúng tôi thấy rằng việc phản ánh của người dân hoàn toàn có cơ sở.
Tài nguyên khai thác trái phép đang đi về đâu?
Thực tế ghi nhận, các xe nối đuôi nhau “ăn đất” tại điểm đầu đoạn Km11+480 đến Km11+780 (T) đường Hòa Lạc – Hòa Bình, sau đó “xả ben” tại điểm cuối là các dự án xây dựng trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Câu hỏi đặt ra: “Việc không kiểm soát nguồn gốc đất của các dự án xây dựng liệu có đúng, khi không biết được chất lượng đất, kiểm soát việc thực hiện hợp đồng; và việc làm cách nào để hợp thức hóa việc hồ sơ, sổ sách hoàn công quyết toán của số đất đã đổ vào dự án”.
Chính quyền có “tiếp tay”, ngó lơ phản hồi báo chí?
Để khách quan, đa chiều, ngày 8/12 phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Lượng - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện, ông cho biết: “hiện tại chỗ này Công ty BOT mới chỉ gửi cho huyện 01 văn bản về việc triển khai dự án, không có kế hoạch phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hay bất kỳ quyết định cấp phép mỏ đất nào ở đây”.
Phóng viên tiếp tục làm việc với ông Đinh Công Tuân – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Yên Trung, ông nói: “hiện tại UBND xã đang phối hợp với Công an huyện xác minh, làm rõ và hoàn chỉnh hồ sơ, sau đó sẽ thông tin cho báo chí”
Những câu trả lời của các cơ quan chức năng huyện là: chờ xác minh, làm rõ và thông tin với báo chí.
Trước đó khi cơ quan báo chí thông tin, Công an huyện phối hợp với công an xã đã có mặt ở hiện trường, dừng hoạt động khai thác. Nhưng sau nhiều ngày bạt vô âm tín, phóng viên đã quay lại hiện trường, ngạc nhiên hơn khi việc triển khai đã lớn hơn trước, biến dạng địa hình, việc triển khai đó như thách thức dư luận.
Rõ ràng, những gì người dân phản ánh về việc thi công khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra trên đoạn Km 11 + 480 đến Km 11 + 780 (T) đường Hòa Lạc – Hòa Bình, đơn vị triển khai là Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông, lợi dụng việc thi công khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ của doanh nghiệp đang có dấu hiệu khai thác, mua bán trái phép tài nguyên là hoàn toàn có cơ sở. Rất mong các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất sớm vào cuộc để làm rõ những vấn đề đang tồn tại của dự án này.
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!