Thị trường chứng khoán trong nước có thêm một tuần (từ 20 đến 24/6) diễn biến tiêu cực do những quan ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Chỉ số chính có 4/5 phiên giảm điểm và đánh mất mốc tâm lý quan trọng 1.200 điểm.
Tính chung cả tuần, VN-Index mất tổng cộng 1,82 điểm (-2,61%) về mốc 1.185,48 điểm. Tương tự là bộ chỉ số HNX-Index giảm 4,13 điểm (-1,47%) so với tuần liên trước xuống 275,93 điểm, trong khi UPCoM-Index đi ngang quanh mốc 87 điểm.
Nguyên nhân chính khiến chỉ số nối dài đà điều chỉnh là cổ phiếu năng lượng. Đáng kể nhất là mã GAS quay đầu giảm 15% trong tuần, trở thành mã ảnh hưởng tiêu cực nhất khi kéo giảm gần 9,2 điểm của VN-Index.
Ngược lại VNM của Vinamilk bứt phá 7% để trở thành mã có đóng góp lớn nhất cho chỉ số. Bên cạnh đó các cổ phiếu ngân hàng cũng quay ngược làm trụ đỡ chính khi đóng góp 7/10 mã có tác động tích cực nhất, bao gồm CTG, TCB, ACB, SSB, STB, MBB và LPB.
Dòng tiền tiếp tục mất hút khi tổng giá trị giao dịch bình quân giảm đến 18% về mức 15.955 tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 22% còn 13.966 tỷ đồng/phiên. HoSE thậm chí có 2 phiên cuối tuần khớp lệnh chưa đến 9.000 tỷ đồng.
Theo xu hướng, nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng không còn quá mạnh với giá trị 512 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các mã bị cá nhân rút vốn nhiều là VNM, VIB và STB.
Trong khi khối ngoại là điểm sáng của thị trường khi họ thực hiện mua vào lượng cổ phần trị giá 7.282 tỷ và bán ra 7.078 tỷ. Như vậy đây là tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên HoSE với giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index trong tuần 20-24/6. Đồ thị: TradingView.
Trước những diễn biến không mấy khả quan từ tuần trước cùng với thanh khoản ngày càng cạn kiệt, các đơn vị phân tích chứng khoán vẫn đưa ra những khuyến nghị khá trung lập về xu thế thị trường trong tuần mới 27/6-1/7.
KB Việt Nam xác nhận xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, nếu vùng hỗ trợ quanh 1.170 điểm vẫn được giữ vững thì cơ hội mở rộng nhịp hồi phục tiếp tục được bảo lưu. Nhà đầu tư tránh mua đuổi và chỉ nâng thêm tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh.
Chứng khoán Bản Việt dự báo thị trường có thể xuất hiện quán tính giảm đầu tuần. Nếu lực mua ở vùng giá thấp được thúc đẩy thì VN-Index được kỳ vọng sẽ hồi phục để kiểm định trở lại mốc 1.200 điểm.
Chuyên gia từ SHS kỳ vọng thị trường có thể bắt đầu quá trình tích lũy cạn kiệt mang tính trung hạn. Nếu quá trình tích lũy xảy ra thì biên độ giao động của VN-Index sẽ thu hẹp lại và biên giao động trong vùng 1.160 -1.300 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị nhà đầu tư chậm lại để quan sát động thái hỗ trợ thị trường của nhóm vốn hóa lớn. Đồng thời tận dụng nhịp tăng (nếu có) để hạ tỷ trọng tại các cổ phiếu có nguy cơ tiếp tục suy yếu.
Có phần tích cực hơn, chuyên gia MBS tin rằng kể cả việc thị trường có nhịp nhúng qua đáy thứ 2 thì cũng là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.
MBS nhận thấy sau chuỗi lao dốc đã có nhiều cổ phiếu thủng đáy và có mức chiết khấu cao. Trong khi mùa báo cáo quý II sắp được công bố là cơ hội để mua lại giá tốt với các nhóm điều chỉnh mạnh như sản xuất điện, bảo hiểm, dầu khí...