Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình giao thông trên địa bàn thành phố trong 9 tháng đầu năm 2022 diễn biến rất phức tạp. Tai nạn giao thông tăng cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2021, xảy ra 1.519 vụ, làm chết 481 người và bị thương 971 người; so với cùng kỳ năm 2021, tăng 194 vụ, tăng 127 người chết và tăng 159 người bị thương.
Đến tháng 9 năm 2022, tình hình ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng. Lưu lượng giao thông trên các tuyến trục chính tăng trung bình 20% so với cùng kỳ năm 2020 (trước thời điểm thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống Covid-19).
Để kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn trong 3 tháng cuối năm 2022, Ban An toàn giao thông kiến nghị thành phố xem xét, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các đợt cao điểm về thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông với nhiệm vụ trọng tâm là kéo giảm tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trong những tháng cuối năm 2022.
Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải tăng cường rà soát, xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, tăng cường biển báo, tín hiệu, vạch sơn và các hình thức tuyên truyền mô phỏng trực quan tại các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông.
Triển khai phương án hạn chế xe khách giường nằm, xe sơ-mi rơ-móoc lưu thông vào khu vực nội đô thành phố. Rà soát, thống kê các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các địa bàn, tuyến đường quản lý gửi về UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để chấn chỉnh. Thống kê danh sách các điểm ùn tắc giao thông gửi Ban An toàn giao thông các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để phối hợp bố trí lực lượng điều tiết giao thông giờ cao điểm.
Mặt khác, giao Công an thành phố chủ trì, xây dựng phương án huy động các lực lượng tham gia điều tiết giao thông tại các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, các khu vực phức tạp về giao thông trên từng địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Cùng với đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như lưu thông không đúng phần đường, làn đường quy định, lưu thông ngược chiều, vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn…
Xử phạt một số nguyên nhân gây ùn tắc giao thông như lấn làn, tranh thủ vượt đèn vàng, dừng đỗ xe trong giao lộ, dừng đỗ tại các tuyến đường cấm... Đẩy mạnh công tác xử phạt vi phạm qua hình ảnh, nghiên cứu theo hướng xử phạt nguội tự động hoàn toàn nhằm tăng hiệu quả phòng ngừa tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, giao UBND các quận, huyện, thành phố ưu tiên bố trí lực lượng phối hợp điều tiết giao thông tại các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông giờ cao điểm; tăng cường công tác chấn chỉnh trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.