Nhiều công trình lấn chiếm, xây dựng tràn lan
Không còn lạ tình trạng lấn chiếm, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp tại huyện Thanh Trì (thành phố Hà Nội) đã không ít lần được cơ quan báo chí phản ánh. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của chính quyền nơi đây có vẻ như "cho có"... tình trạng vi phạm vẫn tái diễn?
Thông tin với phóng viên, bà Nguyễn Phương T. người dân thôn Yên Phú, xã Liên Ninh cho biết: “năm gần đây, xuất hiện một số hộ cá nhân, gia đình tại thôn Yên Phú xây dựng nhà ở trái pháp luật, lấn chiếm trên đất công, đất nông nghiệp một cách tràn lan mà không thấy sự can thiệp xử lý nào của cơ quan chức năng….”.
Tại khu vực ao cửa làng thôn Yên Phú, nay là Ao cá Bác Hồ cũng đã bị biến dạng hoàn toàn khi có hơn 100 hộ dân xây dựng nhà ở kiên cố mà không có sự can thiệp nào của cơ quan chức năng.
Ngoài trường hợp nhà mẹ vợ ông Tạ Duy Đông – Chủ tịch UBND xã Liên Ninh lấn chiếm, xây dựng, còn có trường hợp ông Trần Văn Tiến - Chỉ huy trưởng quân sự UBND xã Liên Ninh (nguyên Trưởng thôn Yên Phú) cũng xây dựng 4 căn nhà khang trang trên khu vực bờ Đầm.
Hành vi lấn chiến đất công còn được thể hiện qua việc ông Trần Quang Thọ (bác ruột của ông Trần Văn Tiến) ngang nhiên rào tôn, san lấp, lấn chiếm xây dựng trái phép tại khu vực đất nông nghiệp khu bờ Đầm thôn Yên Phú. Phóng viên liên tục nhận được tin báo, phản ánh về việc nhà ông Thọ có xe chở vật liệu đến. Ngày 29/12/2021, phóng viên xuống tìm hiểu để xác thực thêm thông tin phản ánh của người dân về các nội dung trên. Từ phía sau khu vực đang không được phép xây dựng, người đàn ông tự nhận là người nhà ông Thọ đi đến có hành vi chửi, đe dọa phóng viên, đuổi phóng viên ra khỏi khu nghĩa địa của làng. Người đàn ông này còn nói: “mày hỏi tao chưa mà đi vào đây”. (Theo tìm hiểu được biết, đây là con trai nhà ông Thọ - phóng viên).
Bên cạnh đó, theo thông tin phản ánh, bà Trần Thị Tám thực hiện xây dựng trái phép ngôi nhà tại khu vực vườn Đăng thôn Yên Phú, đã bị cơ quan chức năng xử phạt và ra quyết định buộc bà phải trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay căn nhà cấp 4 của bà Tám vẫn còn tồn tại và rất nhiều hộ gia đình khác đang lấn chiếm xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp tại thôn này. Phải chăng, sức nặng của cơ quan chức năng chưa đủ răn đe? Hay là xử phạt cho có "lệ"?
Thờ ơ trước sai phạm - chính quyền có đang bao che?
Để có thông tin đa chiều, khách quan về các thông tin người dân phản ánh, trước đó (02/11/2021) phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Đốc – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Ninh, vị này cho biết: “khu vực bờ Đầm, 1 phần nguồn gốc là đất bờ Đầm và đất nông nghiệp được giao cho khoảng 18 – 20 hộ dân ở đó. Liên quan đến các trường hợp xây dựng tại khu vực này là do lịch sử để lại. Theo người dân kê khai là từ năm 1993, 1 số hộ có ruộng sát bờ Đầm tự ra cải tạo, dựng lều lán, ăn ở sinh sống tại đó… từ năm 2015 - 2016, chúng tôi yêu cầu họ dừng giữ nguyên hiện trạng không phát sinh thêm”, ông Đốc khẳng định thêm.
Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp hình ảnh, video trường hợp nhà ông Trần Quang Thọ - bác ruột ông Tiến (Chỉ huy trưởng quân sự UBND xã Liên Ninh) đang quây tôn, tập kết vật liệu để xây dựng, thi công thì ông Đốc ngạc nhiên và hứa sẽ cho cán bộ xuống đình chỉ, lập biên bản.
“Còn nhà đồng chí Tiến - Chỉ huy trưởng quân sự xã, vào năm 1993 nhà mẹ đồng chí Tiến có lấn chiếm và năm 2000 gia đình bà có kê khai là xin cải tạo lại do sập sệ; gia đình có 4, 5 thế hệ ở với nhau chật chội nên năm 2018 xây dựng 1 gian ngoài đó. Từ đó, đồng chí không cải tạo sửa chữa, lấn chiếm gì thêm nên công tác xử lý đồng chí là không xử lý được...” - ông Trần Quang Thọ cho biết.
Còn trường hợp nhà mẹ vợ ông Tạ Duy Đông – Chủ tịch UBND xã Liên Ninh xây dựng ki - ốt, nhà xưởng tại ao cửa làng, ông Đốc phân trần: “về nguồn gốc đất là do các cụ để lại. Trước đó, xã Liên Ninh thuộc Thường Tín sau đó làm phong trào Ao cá Bác Hồ, nhưng làm việc không hiệu quả phải giải tán Ao cá Bác Hồ, có hộ tách được thì có giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, có hộ không có giấy chứng nhận thì về chúng tôi quản lý. Còn về khu đất nhà xưởng bố mẹ vợ anh Đông xây dựng là theo các thời điểm thì có hồ sơ...".
Trao đổi là vậy, nhưng khi phóng viên đề nghị cung cấp một số hồ sơ liên quan đến khu vực trên, ông Đốc lý do: “về các trường hợp này đã báo cáo lên Uỷ ban nhân dân huyện…", và hẹn cung cấp sau.
Phải chăng có gì khuất tất mà cán bộ xã qua nhiều lần làm việc cứ khất lần khất nữa mà không thể cung cấp cho phóng viên các hồ sơ về diện tích đất lấn chiến ở trên?
Có thể nói, sau các cuộc trao đổi với chính quyền xã Liên Ninh, hàng loạt vi phạm về đất đai, lấn chiếm đất công, hành vi xây dựng trái phép của người dân cũng như của một số người nhà cán bộ xã được chính quyền lãnh đạo UBND xã Liên Ninh nơi đây nắm bắt rất rõ suốt nhiều năm qua. Nhưng dường như những vi phạm kể trên vẫn "bình an" qua năm tháng và phát sinh "cơi nới" mà không bị xử lý triệt để? khiến dư luận bức xúc. Chính quyền có đang bao che? Hay người dân "lớn mật" coi thường pháp luật?
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc và quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
* Ngày 14/01/2014, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố quy định:
– Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
– Yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật.
– Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.