Thập kỷ 'nội chiến' khiến Eximbank đánh mất vị thế

Từng đứng top đầu hệ thống, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tụt dốc và lâm vào cảnh đấu đá giữa các nhóm cổ đông. Sau một thập kỷ bất ổn, Eximbank đã đánh mất vị thế của mình. Việc tái cơ cấu thành công từ năm 2022 được kỳ vọng mang lại luồng gió mới cho tổ chức tín dụng này.

eximbank-1665130152.jpg10 năm qua, nhân sự cấp cao luôn là điểm nóng, gây ra lùm xùm đầy bí ẩn tại Eximbank.

Cú đổ dốc không ngờ

Eximbank là “ngôi sao” một thời trong hệ thống ngân hàng (NH) khi vào năm 2011, lợi nhuận đạt trên 4.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng của Eximbank cao, có năm đạt trên 70%, thuộc nhóm dẫn đầu về hiệu quả. Eximbank là NH có vốn điều lệ dẫn đầu khối TMCP, chỉ xếp sau Big 4 có gốc quốc doanh.

Tuy nhiên, sau khi tham gia vụ thâu tóm ngược Sacombank của Ngân hàng TMCP Phương Nam hồi năm 2011-2012, Eximbank đã xuất hiện dấu hiệu đi xuống nhanh chóng.

Tổng tài sản Eximbank từ 183,6 nghìn tỷ đồng 2011 giảm xuống 161 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2014 và đến năm 2015 còn chưa tới 126 nghìn đồng. Xét về tổng tài sản, năm 2013, Eximbank thuộc top 3 ngân hàng TMCP nhưng nay chỉ được xếp vào nhóm hạng trung; trong khi tổng tài sản Eximbank liên tục suy giảm thì tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản toàn hệ thống tăng trưởng tới 128,91%.

Gần 10 năm qua, lợi nhuận Eximbank cũng liên tục lao dốc, thậm chí thua lỗ. Năm 2011, Eximbank góp mặt trong “câu lạc bộ nghìn tỷ” nhưng 2 năm sau, lợi nhuận của ngân hàng này tụt xuống 828 tỷ đồng. Năm 2014, lợi nhuận của Eximbank còn 69 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế còn âm 817 tỷ đồng. Thua lỗ khiến cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo trong năm 2016. Không chỉ kinh doanh đi xuống, Eximbank còn liên tục gặp tai tiếng. Năm 2018, vụ 245 tỷ đồng tiền gửi của bà Chu Thị Bình - Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt khiến Eximbank phải xử lý, làm giảm 52% lợi nhuận ngân hàng.

Năm 2020, Eximbank là thành viên duy nhất trong hệ thống ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm ở cả tổng tài sản, cho vay và tiền gửi. Năm 2021, khi hàng loạt ngân hàng báo lãi kỷ lục thì Eximbank chỉ lãi trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng, giảm 10% và không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cuộc chiến quyền lực kéo dài thập kỷ

10 năm qua, nhân sự cấp cao luôn là điểm nóng, gây ra lùm xùm đầy bí ẩn tại Eximbank. NH này rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nhân sự do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, đặc biệt là sau thời điểm ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) rút lui vào giữa năm 2015.

Đỉnh điểm tranh chấp quyền lực tại Eximbank là vào ngày 22/3/2019, 7 thành viên HĐQT họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú (sinh năm 1980, cựu CEO NamABank) thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ. Ông Quốc lập tức có đơn kiện và Tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nhưng bất ngờ sau đó, ông Quốc lại có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT.

Sau sự cố đó, ông Cao Xuân Ninh (sinh năm 1962) được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới. Một năm sau, tháng 6/2020, Eximbank lại công bố ông Yasuhiro Saitoh là tân Chủ tịch HĐQT. Nhưng ngay trước thềm đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngày 30/6/2020, nhóm cổ đông lớn SMBC đã yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh.

Chỉ trong hơn 1 năm, có tới 4 người lên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank. HĐQT luôn lục đục với những lần bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch trong thời gian ngắn, thậm chí có vị Chủ tịch “bay chức” chỉ sau vài giờ đồng hồ.

Qua các lần ĐHCĐ bất thành và tranh chấp ghế nóng chủ tịch, có thể thấy sự bất ổn Eximbank là do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn: nhóm NamABank, nhóm Thành Công, nhóm Bamboo Capital, nhóm cổ đông Nhật SMBC... Các nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói chung, mà cũng không có nhóm nào đủ sức chi phối.

Không chỉ bất ổn ở “ghế” Chủ tịch HĐQT, vị trí tổng giám đốc (TGĐ) cũng bị bỏ trống trong giai đoạn 2019-2021. Mãi tới ngày 8/9/2021, Eximbank mới chính thức bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc làm TGĐ, sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Ngoài ra, hồi tháng 8/2017, 4 phó TGĐ Eximbank đồng loạt xin nghỉ việc, 5 phó TGĐ xuống làm giám đốc cấp cao. Thời điểm đó, Eximbank giảm 8 phó TGĐ. Ban điều hành mới chỉ còn 7 người thay vì 15 thành viên như trước đó.

Bất ổn về nhân sự cấp cao khiến nhà băng này liên tục ĐHCĐ bất thành. Trong suốt mấy năm qua, Eximbank chỉ tổ chức thành công 1 lần ĐHCĐ duy nhất là ĐHCĐ thường niên năm 2018. Tuy nhiên, kết quả kỳ ĐHCĐ này sau đó cũng nhanh chóng “tan thành mây khói”.

Không thể tổ chức được ĐHCĐ, không tăng được vốn điều lệ trong khi hầu hết nhà băng khác đều đặn đưa quy mô vốn điều lệ vượt xa Eximbank, NH này từ top đầu rơi xuống nhóm dưới. Lợi nhuận Eximbank nay thua xa cả những “đàn em” một thời như VIB, OCB, NamABank, TPBank...

Tái cơ cấu để tìm lại mình

Eximbank đang dần ổn định trở lại nhờ những thay đổi về cơ cấu cổ đông lớn với một nữ chủ tịch cân bằng được nhóm cổ đông. Ngày 15/2/2022, Eximbank tổ chức ĐHCĐ thành công với HĐQT mới gồm 7 thành viên và bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025). Diễn biến này mở ra hồi kết cho cuộc “nội chiến” kéo dài ở Eximbank.

Chia sẻ tại cuộc họp gần nhất, bà Tú cho biết, HĐQT mới kỳ vọng đưa Eximbank trở lại top 10.

Trong diễn biến mới nhất, dường như vướng mắc cuối cùng liên quan đến nhóm cổ đông chiến lược nước ngoài cũng đã có hướng mở khi ông Võ Quang Hiển - đại diện theo ủy quyền của cổ đông SMBC, không còn là thành viên HĐQT Eximbank từ ngày 14/9/2022. Với sự buông tay của SMBC, cuộc chiến quyền lực tại Eximbank có khả năng sắp kết thúc nếu số cổ phần 15% của SMBC được chuyển nhượng cho một bên nào đó. Điều này sẽ chấm dứt sự giằng co bất phân thắng bại giữa các nhóm cổ đông tại nhà băng này.

Nhân sự ổn định, Eximbank ghi nhận sự khởi sắc trong kinh doanh. Lãi trước thuế quý II/2022 tăng gần 1.100 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của Eximbank đạt hơn 1.900 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ và cao hơn 60% so với lợi nhuận cả năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, lợi nhuận của Eximbank bứt lên được con số nghìn tỷ đồng chỉ trong nửa năm.

HĐQT Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Eximbank đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở mức 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức lợi nhuận lớn nhất từ năm 2012 đến nay của nhà băng này.

Kinh doanh khởi sắc, năm nay, cổ đông Eximbank sẽ được chia cổ tức sau 8 năm chờ đợi. HĐQT Eximbank mới đây đã thông qua nghị quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận sau thuế 2017-2021.

Eximbank mới đón nhận tin vui được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ. Sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của Eximbank dự kiến tăng từ mức 12.355 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank tăng vốn trong vòng một thập kỷ qua.

Trở lại sau 1 thập kỷ, thị trường đã khác trước, đối thủ lớn mạnh hơn nhiều lần và giấc mơ tìm lại chính mình của Eximbank còn nhiều gian nan.