Thấy gì từ con số 67.000 tỷ đồng nhà đầu tư đang gửi ở các công ty chứng khoán?

Đã có một lượng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán, nhưng con số này liệu đã phản ánh chính xác hiện tượng chán nản của nhà đầu tư?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những rủi ro vĩ mô ngoại biên gồm lạm phát gia tăng, suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, dù tình hình tăng trưởng kinh tế đang được đánh giá là cao nhất khu vực. Chỉ số liên tục sụt giảm, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (12/10), Vn-Index rớt mạnh nhất chứng khoán thế giới với 39 điểm bị thổi bay, rơi về vùng 1.019 điểm chạm vùng đáy cũ.

Sự sụt giảm một cách "vô lý", nếu so sánh với diễn biến tăng trưởng vĩ mô, chứng khoán đã không còn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Đa số nhà đầu tư chán nản, thất vọng và tín hiệu rời bỏ thị trường được phát đi khắp nơi các diễn đàn, hội nhóm, room đầu tư. Trong khi đó áp lực lãi suất ngân hàng gia tăng, thì một lượng tiền được cho là đã chảy sang kênh tiết kiệm.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu dòng tiền đã thực sự rời bỏ thị trường chứng khoán?

TIỀN “TƯƠI” TRONG TÀI KHOẢN SỤT GIẢM Ở MỨC NÀO?

Thống kê từ VnEconomy cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2022, tại 32 công ty chứng khoán hàng đầu số dư tiền gửi của khách hàng gần 67.000 tỷ đồng. Con số này đã giảm đáng kể so với con số đầu năm 2022 là 82.059 tỷ đồng nhưng nếu so với con số của cuối quý 2/2022 là trên 70.000 tỷ đồng thì lượng sụt giảm này chỉ đâu đó khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Tức là chỉ có khoảng hơn 3.000 tỷ đồng thực sự rời bỏ thị trường chứng khoán, tìm sang các kênh đầu tư khác, còn 67.000 tỷ đồng vẫn đang chờ đợi cơ hội để sinh lời. Dù khó khăn trong ngắn hạn, nhà đầu tư cá nhân vẫn đánh giá chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn so với nhiều kênh đầu tư khác như vàng, tiền ảo, tiết kiệm ngân hàng, bất động sản...

Diễn biến trên thị trường đã phản ánh đúng tâm lý này. Thống kê của VnEconomy cho thấy, sau mỗi một phiên rũ hàng thị trường, thanh khoản lại tăng vọt, nhu cầu bắt đáy luôn sẵn sàng. Đơn cử, tại phiên giao dịch 21/10 vừa qua, VN-Index rớt hơn 39 điểm đánh bay toàn bộ thành quả của cả tuần tăng. Điểm đáng chú ý thanh khoản ba sàn 17.000 tỷ đồng tăng 7.700 tỷ đồng so với phiên giao dịch trước đó chứng tỏ một lượng tiền lớn đang nằm chờ nhảy vào tìm cơ hội lướt T+.

Phiên giao dịch trước đó 11/10 tương tự. Khi chỉ số tiệm cận 1.000 điểm, lực cầu vào mạnh với thanh khoản lên tới gần 17.000 tỷ đồng trong khi những phiên trước đó chỉ “lẹt đẹt” 11.000 - 12.000 tỷ đồng. VN-Index hai phiên sau đó nảy lên khá tốt trước khi sụt giảm và luôn có một lượng tiền nhảy vào bắt đáy, tìm cơ hội.

Thấy gì từ con số 67.000 tỷ đồng nhà đầu tư đang gửi ở các công ty chứng khoán? - Ảnh 1
 

Dĩ nhiên khi Vn-Index rớt gần 500 điểm từ đỉnh đạt được cuối năm 2021, mất mát chung của cả thị trường là rất lớn, song nếu nhà đầu tư giai đoạn này mua đúng nhịp giảm điểm chờ hàng T+2 về bán ngay thì cơ hội sinh lời vẫn còn. Ngay cả trong những phiên thị trường đi ngang hoặc giảm thì sự phân hóa giữa các nhóm ngành, giữa các cổ phiếu cũng không hề thấp, chỉ cần tìm đúng cổ phiếu xác suất lãi vẫn cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhiều công ty chứng khoán cũng ra mắt các sản phẩm để “giữ” chân khách hàng trong giai đoạn thị trường khó khăn. Chẳng hạn, chứng khoán SSI, với sản phẩm S-Saving, khách hàng có thể lựa chọn gửi tiền linh hoạt với các kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 270 ngày với lãi suất thấp nhất là 4% và cao nhất 7,8%. Với mức lãi suất này, khách hàng có thể chủ động gửi tiền và ngay lập tức có thể tất toán để mua chứng khoán nếu thị trường hồi phục.

Trong tương quan so sánh với các kênh đầu tư khác, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Chẳng hạn, với vàng và USD không còn là ưu tiên với thế hệ nhà đầu tư trẻ của Việt Nam hiện nay. Họ có kiến thức về đầu tư và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đầu tư chứng khoán trong nhiều năm vừa qua.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng lên mặt bằng 7-8%/năm, nhưng đà giảm của thị trường hiện nay đang mang lại nhiều hơn các cơ hội với mức sinh lời trên 20%/năm cho kỳ đầu tư 1-3 năm tới.

Trong khi đó kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn ảm đạm cho đến hết năm 2022 và sang giữa năm 2023 do những rủi ro tại một số doanh nghiệp giai đoạn vừa qua như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát cũng khiến nhà đầu tư chùn tay. Chưa kể nghị định 65 mới ban hành sẽ siết chặt một số quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Kênh đầu tư bất động sản vẫn trong giai đoạn trầm lắng sau một thời gian dài tăng sốc suốt từ năm 2020-2021. Nhu cầu tìm mua các loại hình bất động sản đều giảm mạnh trong tháng 9/2022, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022...

Theo khảo sát thực tế của Batdongsan.com.vn với các nhà môi giới, giao dịch bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào bất động sản, 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn để mua bất động sản, 19% nhận thấy trở ngại chính là giá bất động sản quá cao so với khả năng tài chính của người mua.

NHIỀU QUỸ ĐÃ GIẢI NGÂN BẮT ĐÁY, THANH KHOẢN SỚM PHỤC HỒI?

Xét về mặt bằng định giá, Vn-Index đang hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh từ đỉnh về gần vùng định giá rẻ lịch sử. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 572 cổ phiếu rơi về dưới mệnh giá. Nhóm vốn hóa lớn về giá trị sổ sách, thậm chí có những cổ phiếu đã có lúc giao dịch dưới giá trị sổ sách như HPG, MBB...

Một số quỹ đã bắt đầu gia tăng tỷ trọng giải ngân. Tháng 9 vừa rồi, khi các quỹ đồng loạt cắt lỗ, hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp thì Ballad Việt Nam thuộc SGI Capital lại mạnh tay giải ngân khi số dư tiền mặt giảm từ 57,6% tháng 8 xuống còn 31,9% tính đến cuối tháng 9. Trong tháng 9, Ballad Fund đã mua thêm cổ phiếu HPG và đưa khoản đầu tư này trở lại top đầu danh mục với tỷ trọng 13,86%. Trước đó, thời điểm tháng 8, HPG chỉ chiếm tỷ trọng 3,72%. Ballad Fund cũng đẩy mạnh mua MWG tăng tỷ trọng từ 6,80% lên 16,41%.

Ballad Việt Nam thuộc SGI Capital lại mạnh tay giải ngân khi số dư tiền mặt giảm từ 57,6% tháng 8 xuống còn 31,9% tính đến cuối tháng 9.
Ballad Việt Nam thuộc SGI Capital lại mạnh tay giải ngân khi số dư tiền mặt giảm từ 57,6% tháng 8 xuống còn 31,9% tính đến cuối tháng 9.

Hay quỹ Passion Investment duy trì tỷ trọng tiền mặt nhiều tháng nay cũng đã mạnh tay giải ngân trong tháng 9 vừa qua. Theo ông Lã Giang Trung, Giám đốc quỹ, trong một giai đoạn điều chỉnh, các nhà đầu tư vẫn có thể trading trong tỷ trọng vừa phải để tận dụng tối đa cơ hội gia tăng nguồn vốn cho mình. Trong sóng hồi, các nhóm cổ phiếu nào giảm nhiều sẽ có cơ hội hồi dễ hơn những nhóm chưa giảm.

Trên quan điểm đó, Passion Investment đã tiến hành giải ngân một số nhóm chứng khoán giảm mạnh 50% – 70% từ đỉnh: nhóm chứng khoán, nhóm bất động sản, nhóm thép.

Không chỉ quỹ, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, ban lãnh đạo doanh nghiệp cùng người nhà ồ ạt đăng ký mua vào cổ phiếu ở vùng giá này. Thống kê trong tuần gần đây cho thấy, hoạt động mua vào sôi nổi tấp nập trong khi đó bên bán dường như không có. Hoạt động mua cổ phiếu sôi nổi ở các doanh nghiệp như cao su Phước Hòa (PHR), Mía đường Lam Sơn (LSS), Cao su Việt Nam (GVR), Novaland (NVL), Bất động sản Nam Long (NLG)...

Ở mức định giá rất rẻ hiện tại, những đợt tụt giảm của VN-Index quanh mức 1000 điểm, dù vì lý do gì, đều sẽ mang lại cơ hội rất hấp dẫn cho một chu kỳ đầu tư mới. "Trong tháng 10 và Q4 này, chúng ta thận trọng với khả năng còn có các diễn biến xấu bất ngờ, nhưng sẵn sàng để có thể tham lam khi thị trường sợ hãi", đại diện SGI Capital gợi ý.