Thấy gì từ dòng tiền của Tập đoàn Taseco?

Dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm nặng trong năm 2019 đã khiến tiền thu từ đi vay của Tập đoàn Taseco tăng lên mức rất cao so với năm trước. Dù vậy, dòng tiền tài chính này vẫn không đủ để cải thiện quy mô vốn bằng tiền của doanh nghiệp.

Thấy gì từ dòng tiền của Tập đoàn Taseco?

Thấy gì từ dòng tiền của Tập đoàn Taseco?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco, được thành lập năm 2005, tên cũ là Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long, địa chỉ ban đầu tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, sau chuyển sang khu đô thị Đoàn ngoại giao, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chủ tịch của công ty là ông Phạm Ngọc Thanh, tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Minh Hải.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco là công ty mẹ của hệ thống Taseco. Dưới công ty này là 2 công ty con cấp 1 gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (công ty mẹ trong lĩnh vực dịch vụ, HoSE: AST) và Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco (công ty mẹ trong lĩnh vực bất động sản).

Quá nửa tài sản để đầu tư tài chính dài hạn, nợ vay tăng mạnh

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trong vòng 5 năm qua, Tập đoàn Taseco đã có quá trình tăng vốn liên tục, đưa vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, tức tăng gấp 6,5 lần.

Cụ thể, trước tháng 11/2016, công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, gồm các cổ đông cá nhân: Phạm Ngọc Thanh 22%, Nguyễn Minh Hải 14,5%, Nguyễn Thị Minh Nguyệt 6%, Phạm Thanh Kỳ 10%, Nguyễn Thanh Sơn 1%; các cổ đông đã thoái vốn gồm: Nguyễn Thị Ánh, Nguyễn Thị Hoàng Sa, Lê Thị Xuân Hoa.

Tháng 11/2016, công ty tăng vốn lên 250 tỷ đồng rồi 1 tháng sau đó tăng tiếp lên 300 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu của các cá nhân trên không đổi.

Tháng 12/2017, công tiếp tục tăng vốn lên 450 tỷ đồng. Lúc này, ông Phạm Ngọc Thanh giảm tỷ lệ sở hữu xuống 17%, ông Nguyễn Minh Hải giảm xuống 13,5%; cổ đông Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Thanh Sơn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu; trong khi đó, ông Phạm Thanh Kỳ thoái vốn.

Cuối tháng 12/2017, công ty tăng vốn lên 504 tỷ đồng rồi từ đó liên tiếp tăng vốn: 630 tỷ đồng (3/2018), 819 tỷ đồng (9/2018), 901 tỷ đồng (12/2018) và 1.000 tỷ đồng (12/2019).

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của Tập đoàn Taseco tăng trưởng khá mạnh, từ 1.289 tỷ đồng lên 2.290 tỷ đồng, tương đương tăng 77%, đa phần là tài sản dài hạn, tăng từ 823 tỷ đồng lên 2.025 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản nổi bật với sự giảm mạnh của hàng tồn kho qua các năm, từ 206 tỷ đồng xuống 37 tỷ đồng, tức giảm hơn 5 lần, trong khi đó các khoản phải thu dài hạn tăng cực mạnh từ 2 tỷ đồng lên 446 tỷ đồng, tức tăng 223 lần.

Với vị thế là công ty mẹ, Tập đoàn Taseco dành phần lớn tài sản để đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là đầu tư vào các công ty con, với giá trị qua các năm lần lượt là: 797 tỷ đồng, 1.007 tỷ đồng và 1.564 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 năm, số tiền đầu tư tài chính dài hạn đã tăng gần gấp đôi.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn Taseco tăng mạnh trong giai đoạn 2017 – 2019, từ 704 tỷ đồng lên 1.128 tỷ đồng, tương đương tăng 60%. Đa phần là nợ dài hạn, tăng từ 242 tỷ đồng lên 869 tỷ đồng, tương đương tăng 3,5 lần.

Điều đáng chú ý nhất trong cơ cấu nguồn vốn là sự gia tăng rất mạnh của khoản nợ vay dài hạn, từ 90 tỷ đồng lên 847 tỷ đồng, tức tăng gấp 9,4 lần.

Kinh doanh và dòng tiền

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Taseco giảm rất mạnh, từ 1.070  tỷ đồng xuống 357 tỷ đồng rồi xuống 82 tỷ đồng, tức trong 3 năm, doanh thu thuần đã giảm 13 lần.

Lợi nhuận gộp cũng vì vậy mà suy giảm, từ 222 tỷ đồng xuống 126 tỷ đồng rồi giảm tiếp còn 20 tỷ đồng, tức 3 năm giảm 11 lần.

Tuy nhiên, với việc dành phần lớn tài sản đầu tư vào công ty con, Tập đoàn Taseco ghi nhận doanh thu tài chính tăng trưởng mạnh, từ 169 tỷ đồng lên 198 tỷ đồng rồi 389 tỷ đồng, tức tăng gấp 2,3 lần trong 3 năm.

Nhờ nguồn doanh thu tài chính dồi dào và việc kiểm soát chi phí khá tốt, lợi nhuận trước thuế của công ty tương đối ổn định, đạt 301 tỷ đồng (2017), 277 tỷ đồng (2018) và 318 tỷ đồng (2019).

Về dòng tiền, năm 2017, dòng tiền kinh doanh của công ty khá tốt với kết quả dương 424 tỷ đồng. Song, do tăng chi đầu tư góp vốn và chi trả nợ gốc vay, lưu chuyển tiền thuần âm 28 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền sụt giảm còn 21 tỷ đồng.

Năm 2018, dòng tiền kinh doanh đảo chiều âm 11 tỷ đồng vì công ty ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (-198 tỷ đồng) và tăng các khoản phải trả (-236 tỷ đồng). Dù đã giảm bớt quy mô chi đầu tư góp vốn cũng như chi trả nợ gốc vay, lưu chuyển tiền thuần vẫn âm 14 tỷ đồng, đẩy lượng tiền và tương đương tiền tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 6 tỷ đồng.

Năm 2019, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm (-23 tỷ đồng) do lỗ chênh lệch tỷ giá tới 385 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, công ty vẫn chi rất mạnh cho việc đầu tư góp vốn, chi cho vay và mua công cụ nợ của đơn vị khác. Hệ quả là dòng tiền đầu tư âm tới 743 tỷ đồng.

Để bù đắp, công ty phải tăng cường đi vay, biểu hiện là dòng tiền thu từ đi vay vọt lên 1.705 tỷ đồng, cao gấp 8 lần năm trước. Đây chính là nguyên do làm số nợ vay dài hạn tăng vọt trên bảng cân đối kế toán (đã nói ở phần trên).

Tuy nhiên, dòng tiền tài chính này cũng chỉ kéo lưu chuyển tiền thuần lên mức dương khiêm tốn 0,9 tỷ đồng, không cải thiện được là bao đối với lượng tiền và tương đương tiền của công ty (đạt 7 tỷ đồng tại ngày kết thúc năm 2019). Liệu trong năm 2020, đối diện những khó khăn chung của nền kinh tế, câu chuyện dòng tiền của Tập đoàn Taseco có được cải thiện?

(Còn tiếp)