Thấy gì từ hàng loạt vụ chuyển nhượng dự án năng lượng của Trung Nam Group?

Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển nhượng các dự án năng lượng cho đối tác nước ngoài thể hiện năng lực yếu kém của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Việc chuyển nhượng có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng thể hiện cách chơi...“chưa lớn”.

Liên tiếp chuyển nhượng dự án năng lượng tại Ninh Thuận

Ngày 17/4, CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua thành công 49% cổ phần của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW từ CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).

Ngay sau khi chuyển nhượng thành công, phía Trung Nam Group đã chuyển giao chức vụ Giám đốc CTCP Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc ACIT.

Thương vụ mua bán điện mặt trời giữa Trung Nam Group và ACIT diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến cắt giảm phát nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021. Mặc dù vậy, thương vụ này cũng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

tm-img-alt
Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MWac. (Nguồn: ACIT).

Dự án được chuyển nhượng có vốn đầu tư tới 5.000 tỉ đồng, với công suất 204 MW vừa được vận hành hơn 1 năm trước và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi.

ACIT thành lập năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 17,5 tỉ đồng do cổ đông sáng lập Nguyễn Ngọc Phương góp 60% vốn. Trải qua nhiều lần tăng vốn, công ty đã có vốn điều lệ trên 2.000 tỉ đồng tính đến cuối tháng 1/2021. Hiện, ông Phạm Đình Thắng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Trong lúc thị trường vẫn chưa hết xôn xao về thương vụ chuyển nhượng dự án điện mặt trời thì trung tuần tháng 5, Công ty CP Điện gió Trung Nam (TNWP - Thành viên của Trung Nam Group) đã thực hiện ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE - thuộc Tập đoàn Hitachi, một doanh nghiệp Nhật Bản). Sau lễ ký kết, phía Hitachi sẽ sở hữu 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam.

Được biết, dự án Nhà máy điện gió Trung Nam có tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng, công suất 152MW, thời gian khai thác 2.785 giờ/năm, sản lượng dự kiến 432.000.000 kWh/năm. Nhà máy điện gió Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220kV Tháp Chàm.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group khẳng định sẽ không chuyển nhượng trên 51% cổ phần vì doanh nghiệp có các công ty thành viên trong hệ sinh thái đủ điều kiện để làm chủ, vận hành tất cả các nhà máy điện.

Sau khi bán cổ phần cho Hitachi Sustainable Energy, Trung Nam Group vẫn sở hữu 64,9% cổ phần tại dự án Nhà máy điện gió Trung Nam, từ đó sẽ tiếp tục giữ vai trò quyết định trong việc điều hành và định hướng phát triển của dự án này.

Vị này cho biết, việc bán bớt cổ phần tại một số dự án cho những đối tác có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm một mặt sẽ giúp chính dự án phát triển mạnh hơn, mặt khác, giúp Trung Nam Group có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư dự án mới.

Chia sẻ góc nhìn về việc nhiều dự án năng lượng táo tạo bị chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài, thậm chí sang tay ngay khi nhận được dự án, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đã đến lúc cuộc chơi toàn cầu cần nghiêm túc theo tư cách là “cá lớn”.

tm-img-alt
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy toàn cầu, việc tự tiếp cận, tự thân, doanh nghiệp thấy có lợi thì làm là mô hình mang tính chất nhỏ lẻ, chỉ được vài lần và chính doanh nghiệp cũng không thể lớn lên được nếu không có dự án của chính mình và thành công với nó.

“Cách tốt nhất là dám chơi thực tế, lâu dài, làm bằng nội lực, tư duy và tầm nhìn dài hạn, chiến lược, chơi lớn, vươn ra thế giới. Các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn việc liên kết với nhau, không chỉ là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp mà còn có thể liên kết giữa doanh nghiệp với Nhà nước, các nhà khoa học, các hiệp hội nhằm tạo ra mạng lưới cùng nhau đi xa, kiến tạo bằng tư duy sáng tạo”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho biết. 

Liên tục huy động vốn thông qua trái phiếu

Mới đây, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam) đã công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ đối với lô trái phiếu có mã TNSCB2124001.

Theo đó, doanh nghiệp đã phát hành thành công 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 2.000 tỉ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản và không phải khoản nợ thứ cấp của doanh nghiệp.

Đây không phải lần đầu tiên Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam vay vốn nghìn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu mà trước đó, trong năm 2020, doanh nghiệp huy động được hơn 6.400 tỉ đồng. Số tiền thu được nhằm mục tiêu hoàn thành tiến độ dự án điện mặt trời 450 MW tại Ninh Thuận. Dự án được xây dựng trên diện tích 557ha, cùng hệ thống trạm biến áp, truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 12.000 tỉ đồng.

tm-img-alt
Trung Nam Group liên tục huy động vốn từ trái phiếu để thực hiện các dự án năng lượng. 

Chưa dừng lại ở đó, ngoài Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Công ty Cổ phần Trung Nam cũng liên tiếp phát hành hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu, đơn cử như lần mới đây vào hồi cuối tháng 8/2020, với tổng giá trị 2.500 tỉ đồng; Một doanh nghiệp thành viên khác là Công ty Điện mặt trời Trung Nam cũng huy động 3.600 tỉ đồng trái phiếu trong năm vừa qua.

Thống kê theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhóm doanh nghiệp nhà Trung Nam đã huy động đến gần 15.000 tỉ đồng thông qua kênh trái phiếu trong hơn 1 năm qua. Và quá trình này có sự gắn kết khăng khít với MBBank với vai trò là đơn vị tổ chức thu xếp phát hành trái phiếu, đơn vị nhận thế chấp tài sản hay mua trái phiếu của Trung Nam Group.

Tương lai nào cho những dự án tiếp theo?

Quyết tâm bám trụ mảnh đất Ninh Thuận, mới đây, Trung Nam Group đã đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án Thủy điện tích năng Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Được biết, trong quy hoạch điện VII, có định hướng phát triển một nhà máy thủy điện tích năng tại địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, trong quy hoạch điện VII điều chỉnh đã loại bỏ dự án ra khỏi quy hoạch. Hiện tại, tỉnh Ninh Thuận chỉ còn một nhà máy thủy điện tích năng tại huyện Bác Ái với công suất 1.200MW.

Tại đây, Trung Nam Group kế thừa một số nội dung của dự án Thủy điện tích năng Ninh Sơn như quy mô công suất 1.200 MW (gồm 4 tổ máy, lượng điện sản xuất hằng năm khoảng 8.973MWh/năm), tổng vốn đầu tư 1.023 triệu USD.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. 

Do đó, Trung Nam Group kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương ủng hộ chủ trương cho công ty được nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án, làm cơ sở để chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn (Công ty tư vấn xây dựng điện 4) tổ chức nghiên cứu, xác định cụ thể ranh giới lập quy hoạch của dự án và triển khai các bước tiếp theo.

Đại diện Sở Công Thương Ninh tỉnh Thuận cho biết, đối với dự án Thủy điện tích năng Ninh Sơn, hiện Ban quản lý dự án điện 3 đang báo cáo EVN để trình bổ sung vào quy hoạch điện VIII tại văn bản số 876/EVNPMB3-TB ngày 1/9/2020. Theo đó, dự án chỉ được triển khai khi được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch đấu nối.

Những động thái sang nhượng dự án gần đây của ông lớn ngành năng lượng đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về việc sang tay các dự án tiếp theo mà Trung Nam Group và các đơn vị thành viên triển khai. Đặc biệt, đối tượng sang nhượng là nhà đầu tư nước ngoài vốn được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn an ninh quốc gia.