Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 kết thúc với kết quả ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đánh bại tổng thống đương nhiệm khi đó là Donald Trump, đảng Cộng hòa, trở thành một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhiều nhất lịch sử Mỹ.
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử phụ thuộc đáng kể vào hình thức bỏ phiếu qua thư. Trump cho rằng bỏ phiếu qua thư sẽ tạo điều kiện để đảng Dân chủ gian lận. Trump còn ám chỉ không chấp nhận kết quả nếu ông thua và thậm chí từ chối cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Cuộc bầu cử được giới quan sát nước ngoài đánh giá là tổ chức tốt nhưng nhiều cáo buộc không có cơ sở về gian lận liên quan quy trình bầu cử do Trump đưa ra làm ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri. Ngày 6/1, một đám đông đã vượt qua lực lượng an ninh, xông vào quốc hội Mỹ, khiến buổi kiểm phiếu cử tri đoàn bị trì hoãn vài giờ và 5 người thiệt mạng.
Trump bị Hạ viện luận tội với cáo buộc châm ngòi cho bạo loạn nhưng sau đó được trắng án. Ngày 20/1, Biden tuyên thệ nhậm chức và trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Hơn một năm kể từ khi bùng phát, Covid-19 vẫn là “bóng ma” ám ảnh bất chấp thế giới đã nghiên cứu thành công và triển khai tiêm chủng nhiều loại vaccine. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng còn chênh lệch đáng kể, giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Điều đó gây ra sự gián đoạn kinh tế còn kéo dài tại nhiều khu vực trên thế giới – có thể gồm cả những nền kinh tế phát triển, nơi những thiệt hại từ đại dịch sẽ chỉ thấy rõ khi các chương trình hỗ trợ giảm dần.
Sau biến chủng lây nhiễm cao Delta, SARS-CoV-2 một lần nữa khiến thế giới thêm bất an với sự xuất hiện của biến chủng Omicron – với hàng chục đột biến ở gai protein – được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Omicron được dự báo có thể lây lan nhanh, có thể cao hơn 500% so với Delta, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác.
Một điểm tích cực là các hãng dược phẩm như Pfizer/BioNTech, Moderna... đều cho biết có thể sớm phát triển được vaccine đặc hiệu với Omicron. Theo Pfizer, kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm chỉ ra mũi thứ ba vaccine của hãng cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Omicron.
Chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2021 giống như "mớ bòng bong", góp phần đẩy giá các mặt hàng tăng. Tình trạng này do nhiều yếu tố gây ra như Covid-19, thiếu container và lực cầu từ người tiêu dùng phục hồi sau đại dịch, tập trung vào hàng hóa nhiều hơn là dịch vụ.
Giới chuyên gia logistics cho rằng bản chất kết nối lẫn nhau giữa các chuỗi cung ứng đồng nghĩa không thể nhanh chóng khắc phục để đưa dòng chảy hàng hóa kinh tế toàn cầu ổn định trở lại.
"Chúng tôi cho rằng khó có sự cải thiện cho đến cuối năm 2022", Sarah Banks, trưởng bộ phận vận tải và logistics tại công ty tư vấn Accenture PLC, nói. "Đã có một số tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa thể xác định chúng ta còn mắc kẹt trong tình trạng này bao lâu nữa".
Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng nên chuẩn bị tinh thần cho kịch bản tăng giá kéo dài hơn. Với các ngân hàng trung ương, khả năng chịu đựng lạm phát sẽ được thử thách.
Thế giới cũng nên đề phòng những sự kiện "thiên nga đen" như vụ tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez, Ai Cập, hồi tháng 3, khiến một số tàu phải di chuyển qua mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi, kéo dài thời gian hành trình thêm hơn một tuần thay vì chờ đợi.
Kênh đào Suez dài hơn 190 km, nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải, là tuyến đường thủy ngắn nhất nối châu Á và châu Âu. Đây còn là một tuyến đường quan trọng để các tàu chở dầu ra/vào Trung Đông.
Ngày 29/3, Ever Given nổi trở lại nhưng phải chờ đến ngày 7/7, các bên liên quan mới thống nhất được phương án xử lý các thiệt hại liên quan để nhà chức trách Ai Cập thả tàu, kết thúc "cơn ác mộng" dai dẳng.
Lạm phát trở thành một đề tài “nóng” trên thị trường từ khoảng giữa năm nay, khi lực cầu hàng hóa phục hồi sau các đợt phong tỏa đại dịch đúng lúc các chuỗi cung ứng trên thế giới gặp gián đoạn, giá nhiều hàng hóa tăng mạnh. CPI Mỹ tăng nhanh nhất 13 năm hồi tháng 5, nhanh nhất kể từ năm 1990 trong tháng 10 và kể từ năm 1982 trong tháng 11.
Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Canada cũng ghi nhận lạm phát cao nhất nhiều năm. IMF, Deutsche Bank cùng một số tổ chức khác đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn từ lạm phát.
Lạm phát sẽ làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của từng quốc gia nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
Thị trường bất động sản Trung Quốc năm nay nổi lên là một nguy cơ đối với sự ổn định của các thị trường trên thế giới với hàng loạt gã khổng lồ trong ngành bên bờ vực vỡ nợ trái phiếu như Evergrande, Fantasia, Sunac.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu hồi tháng 9 với cảnh báo từ Evergrande rằng nhà phát triển bất động sản số hai Trung Quốc có thể mất khả năng thanh toán khoản nợ khoảng 300 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế.
Tính đến cuối tháng 9, Evergrande huy động 1,5 tỷ USD tiền mặt bằng cách bán cổ phần nắm giữ tại các ngân hàng Trung Quốc. Tập đoàn này đã thành công phần nào trong nỗ lực trụ vững khi kịp thời trả lãi trái phiếu trong thời gian 30 ngày ân hạn.
Giá cổ phiếu Evergrande mất khoảng 80% trong năm nay, vốn hóa thị trường có thời điểm giảm còn chỉ 39 tỷ HKD (5 tỷ USD).
Ngày 9/12, 3 ngày sau khi hạn chót ân hạn trôi qua và các trái chủ không nhận được gì ngoài sự im lặng từ Evergrande, đơn vị xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hạ bậc Evergrande từ “C” xuống “RD” (Restricted Default - vỡ nợ giới hạn), coi công ty vỡ nợ nhưng chưa rơi vào tình trạng phá sản, thanh lý tài sản hay bất kỳ quy trình nào khác khiến công ty phải dừng hoạt động.
Evergrande hôm 3/12 cho biết đang “tích cực làm việc” với các chủ nợ nước ngoài về kế hoạch tái cấu trúc. Nhà chức trách Trung Quốc cũng trấn an thị trường rằng mọi nguy cơ đến thị trường bất động sản nói chung đều có thể được kiểm soát.
Tính hợp pháp của tiền điện tử vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, El Salvador ngày 7/9 đã trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin, đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thị trường, cho phép sử dụng Bitcoin trong mọi giao dịch từ mua cốc cà phê cho đến đóng thuế.
Động thái này được cộng đồng Bitcoin quốc tế hoan nghênh nhưng lại đối mặt sự hoài nghi tại chính El Salvador và giới tài chính truyền thống. Họ lo ngại Bitcoin có thể mang đến những bất ổn và rủi ro không đáng có với nền kinh tế mỏng manh của quốc gia Trung Mỹ này.
Bitcoin cũng có một năm ấn tượng với giá nhiều lần lập đỉnh lịch sử. Giá Bitcoin lên cao nhất 69.044 USD lúc 9h15 ET ngày 10/11, theo CoinGecko. Trong khi đó, CoinMarketCap và CoinDesk lần lượt ghi nhận các đỉnh lịch sử 68.742 USD và 68.991 USD.
Biến đổi khí hậu là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong năm qua, với tiêu điểm là Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc tổ chức ở Glasgow, Scotland hồi tháng 11.
Có ba lý do chính khiến COP26 đặc biệt quan trọng. Đầu tiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi ưu tiên của các quốc gia. Thứ hai, COP26 được tổ chức chỉ vài tháng sau khi báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc cảnh báo loài người về những thảm họa xảy ra nếu không cắt giảm khí nhà kính. Thứ ba, COP26 được coi là sự nối tiếp của COP21 tại Paris năm 2015 - hội nghị thành công lịch sử khi các quốc gia đạt được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Kết thúc COP26, gần 200 quốc gia nhất trí thông qua Hiệp định Khí hậu Glasgow hôm 13/11, sau hơn 2 tuần đàm phán căng thẳng.
Thỏa thuận đặt trọng tâm "chưa từng có" vào tổn thất và thiệt hại theo nguyên tắc các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu, nên bồi thường cho những nước nghèo bị tác động.