Đồng loạt xin room tín dụng
Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước có tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước. Thế nhưng gói hỗ trợ lãi suất 2% không hẳn là tâm điểm của hội nghị này, mà hội nghị bỗng trở thành “diễn đàn” để các ngân hàng thương mại xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng). Không chỉ ngân hàng quốc doanh, ngân hàng tư nhân mà cả các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng mở lời xin room.
Trên thực tế, room tín dụng của nhiều ngân hàng đã mấp mé trần từ khá lâu, nhất là các ngân hàng lớn. Có ngân hàng thậm chí còn thực hiện chế độ “thông báo room tín dụng hàng ngày”, theo đó đầu ngày, hội sở chính sẽ thông báo room tín dụng cho từng chi nhánh và cuối ngày, chi nhánh sẽ tổng hợp số liệu và gửi thông tin dư nợ tín dụng lên hội sở chính, việc cán bộ tín dụng phải “ngồi chơi” vì không có room mới là không hiếm.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 8,04% so với đầu năm 2022, cao hơn hẳn mức tăng 4,95% trong 5 tháng đầu năm 2021. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, dư nợ tín dụng tăng tới gần 17%.
Dư nợ tín dụng tăng cao phản ánh nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch là rất lớn, mặt tích cực cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân đang phục hồi tốt, nhưng mặt tiêu cực cũng cho thấy có tình trạng nền kinh tế “đói vốn”, trong bối cảnh thị trường trái phiếu khựng lại (đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản), còn thị trường cổ phiếu cũng diễn biến kém khả quan.
Số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy trong quý I/2022, các doanh nghiệp bất động sản vẫn tích cực đẩy mạnh phát hành trái phiếu với tổng khối lượng khoảng 38.200 tỷ đồng (chiếm tới 62% tổng lượng phát hành), tập trung chủ yếu trong tháng 1 và 3 (trước khi xảy ra sự kiện Tân Hoàng Minh).
Tuy nhiên, sang tháng 4 và tháng 5, tình hình kém khả quan hơn nhiều. Thống kê sơ bộ cho thấy các doanh nghiệp bất động sản chỉ phát hành khoảng trên 1.600 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 4 (nếu tính thêm Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam chưa rõ mục đích phát hành thì tổng giá trị phát hành đạt trên 3.600 tỷ đồng). Số liệu có cải thiện trong tháng 5 khi theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu (VBMA), các doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 6.900 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, chỉ riêng Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) đã phát hành tới gần 5.800 tỷ đồng.
Chia sẻ về sự gia tăng giá trị phát hành trái phiếu trong tháng 5 so với tháng 4, người quản lý trực tiếp mảng tư vấn phát hành trái phiếu của một công ty chứng khoán lớn nhận định rằng hiện tượng này chưa cho thấy thị trường trái phiếu đang “ấm” lên mà chỉ phản ánh tâm lý của các bên tham gia thị trường được khôi phục một phần.
“Rất khó để thị trường quay trở lại sôi động như cũ vì khung khổ pháp lý cho Nghị định 153 sửa đổi chưa rõ ràng. Bản thân chúng tôi hiện tại cũng có nhiều khách hàng rất tốt, được xếp hạng tín nhiệm cao, tuy nhiên trước những biến cố của thị trường và sự không rõ ràng về khuôn khổ pháp lý, doanh nghiệp tỏ ra rất thận trọng với việc quay lại huy động vốn qua kênh trái phiếu. Dù cho nhiều tổ chức đầu tư chuyên nghiệp rất mong chờ các đợt phát hành trái phiếu được diễn ra nhưng doanh nghiệp vẫn tạm hoãn chưa có thời hạn”, vị quản lý này tâm sự.
Trong khi đó, thị trường cổ phiếu cũng diễn biến hết sức ảm đạm khi toàn thị trường lao dốc, thanh khoản cũng bị hụt đi rõ rệt, qua đó làm giảm khả năng thành công trong các thương vụ huy động vốn qua chào bán cổ phiếu.
Theo đánh giá của ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn tín dụng tăng trưởng tốt đã bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Mặc dù vậy, ông Tú nhấn mạnh cần tính toán tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, bởi lạm phát hiện nay đã “không còn là nguy cơ”. Do đó, trong quá trình Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung room tín dụng, các ngân hàng phải tính toán, luân chuyển quay vòng vốn, ưu tiên nguồn vốn tín dụng tốt. “Chúng tôi cũng muốn dư nợ cao nhưng điều hành vĩ mô là cả một vấn đề, kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất”, ông Tú chia sẻ.
Có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh cơ chế quản lý room tín dụng, có ý kiến cho rằng đây là cách quản lý kiểu “bao cấp”, nặng tính hành chính, không hợp với bối cảnh ngành ngân hàng đã nâng nhiều tiêu chuẩn an toàn như hiện nay, cũng có ý kiến cho rằng vẫn cần chính sách kiểu “cây gậy và củ cà rốt” như vậy để răn đe các ngân hàng, trong bối cảnh tính đại chúng của ngân hàng Việt Nam không cao, thực chất vẫn nằm trong tay một/một nhóm người.
Tuy nhiên, quan điểm của nhà điều hành rất rõ. Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vẫn đánh giá kiểm soát room tín dụng là một giải pháp khá hiệu quả. Thống đốc nhấn mạnh thị trường vốn của Việt Nam hiện nay vẫn non trẻ, khi thị trường vốn phát triển, cung cấp được vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và ngân hàng chỉ cung cấp vốn ngắn hạn thì lúc đó, áp lực đối với việc kiểm soát room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mới được bớt đi.
Việc nới room tín dụng chắc chắn diễn ra bởi định hướng điều hành tín dụng đầu năm dự kiến tăng khoảng 14% trong khi hết tháng 5 là 8,04%, nghĩa là còn dư địa khoảng 6% cho các ngân hàng từ nay đến cuối năm. Dư địa này khá hẹp. Và cũng cần phải hiểu rằng tăng trưởng dư nợ tín dụng vẫn bị giới hạn và do đó, nguồn vốn bơm ra thị trường qua kênh ngân hàng vẫn bị “thắt lại” ở một thời điểm nào đó.
Tất cả tại ngân hàng?!
“Ngành ngân hàng đang chịu áp lực rất lớn. Trước đây, áp lực đã lớn rồi nhưng bây giờ lại càng lớn”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nêu quan điểm.
Từ tháng 10/2022, theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải thực hiện đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về 34%, từ mức 37% trước đó. Ông Hùng cho biết chủ trương hạ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã kéo dài nhiều năm nay, trải qua nhiều lần thay đổi và đến nay dứt khoát phải thực hiện bởi vì nhiệm vụ của ngành ngân hàng là cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế (thông qua thị trường tiền tệ). Theo lộ trình áp dụng từ tháng 10/2023, sẽ chỉ dành 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Tổng thư ký VNBA nhấn mạnh để cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, cần phát triển thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu). Tuy nhiên, thị trường vốn hiện nay lại đang có vấn đề khi thời gian qua, trái phiếu riêng lẻ phát hành “vô tội vạ”, còn cổ phiếu thì có giai đoạn “tím trần” liên tục dù doanh nghiệp thua lỗ. “Thị trường vốn có vấn đề thì phải xem lại, điều chỉnh, chấn chỉnh để cho lành mạnh, ổn định, đừng để dẫn tới thị trường này không được thì chuyển sang thị trường khác”, ông Hùng nói.
Theo vị này, cần xác định rõ vai trò quản lý thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Không thể để thị trường trái phiếu, cổ phiếu có vấn đề thì áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế lại “đổ lên đầu” ngành ngân hàng, cũng không thể vì thế mà phải nới room tín dụng, kéo dài Thông tư 08.
“Lạm phát thì đổ tại ngân hàng cho vay. Bây giờ thị trường vốn khó khăn thì đổ tại ngân hàng không nới room tín dụng, không cho vay được nên nền kinh tế không phát triển được. Tất cả tại ngân hàng?! Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Tại sao thị trường vốn bao nhiêu năm nay không vận hành tốt được, bây giờ thị trường vốn khó khăn, ngành ngân hàng lại phải nới room, kéo dài Thông tư 08?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Tổng thư ký VNBA nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành ngân hàng Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Do đó, việc bơm vốn ra thị trường như thế nào, liều lượng ra sao để không tạo áp lực lạm phát là một bài toán với ngành ngân hàng. Thêm vào đó, không thể lùi thời hạn áp dụng Thông tư 08 bởi chỉ có như vậy thì hoạt động thị trường tiền tệ mới lành mạnh được.
Trên thực tế, ngành ngân hàng không có chức năng quản lý thị trường vốn nhưng những biến động trên thị trường này lại có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Chẳng hạn, cơ chế chính sách cho trái phiếu doanh nghiệp không phải do ngành ngân hàng ban hành nhưng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khi họ thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản bảo đảm, các hoạt động mua, bán trái phiếu…
Do đã quen với rủi ro, nhất là các bài học khủng hoảng thời kỳ trước, nên ngành ngân hàng khá mạnh tay thanh tra, kiểm tra, ban hành chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu.
Có thể kể đến việc ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này được đánh giá là thể hiện rất rõ thông điệp yêu cầu TCTD đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn và chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cũng có những quy định chặt chẽ trong tiêu chí lựa chọn và nguyên tắc giao dịch. Đồng thời, nhà điều hành cũng lưu ý đến quy định nội bộ nhằm giám sát và đánh giá định kỳ, cũng như trao nhiều quyền chủ động hơn cho ngân hàng.
Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành thanh tra việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của 8 ngân hàng thương mại. Ngoài việc báo cáo lên Thống đốc, kết quả thanh tra cũng được gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý những sai phạm liên quan đến việc sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.
Không chủ quan với thị trường bất động sản
Thị trường vốn khựng lại, ngành ngân hàng loay hoay cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và phát triển kinh tế. Nếu như trong lúc này, thị trường bất động sản xảy ra biến động tiêu cực thì rủi ro với nền kinh tế là rất đáng lưu tâm. Vì vậy, rất cần thận trọng và có bước đi hợp lý để thị trường bất động sản không rơi vào tình huống cực đoan.
Hiện nay, việc cho vay trên thị trường này vẫn diễn ra tương đối bình thường. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tính đến giữa tháng 4/2022, dư nợ tín dụng bất động sản tăng 10,19% so với cuối năm 2021, cao hơn đáng kể tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Dư nợ tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, 2/3 trong số đó là dư nợ được tạo điều kiện cho vay, 1/3 còn lại là dư nợ đầu tư các dự án bị kiểm soát chặt.
Từ những số liệu trên, ông Tú nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước không siết tín dụng bất động sản mà chỉ kiểm soát chặt tín dụng vào những dự án có quy mô lớn như các dự án nghỉ dưỡng và những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí gây lũng đoạn giá.
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, khoảng 70% tài sản bảo đảm tại ngân hàng hiện nay là bất động sản. “Vậy nên chẳng dại gì ngân hàng động vào thị trường bất động sản, nếu khó khăn thì ngân hàng ảnh hưởng trước”, ông Hùng cho hay.
Tuy nhiên rõ ràng trên thị trường bất động sản đang tồn tại sự bất hợp lý về giá.
“Chúng ta thử đặt lại vấn đề, ngành kinh doanh bất động sản đang được cho là khó khăn, vậy thì tại sao giá bất động sản tăng gấp nhiều lần so với trước đây? Ai hưởng lợi? Giá tăng như vậy liệu có làm giá không? Ai làm giá? Giá này liệu có thật không? Người dân bình thường liệu có mua nổi một cái nhà chung cư 50, 70 triệu đồng/m2 nữa không trong khi trước đây giá chỉ 20-30 triệu/m2?... Đây là những câu hỏi cần có lời giải đáp thỏa đáng”, Tổng thư ký VNBA nêu góc nhìn.
TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng trong lúc này, ngân hàng nên hết sức thận trọng khi cho vay bất động sản. Bởi nếu giá trị 1 căn nhà trước đây chỉ 100 triệu đồng/m2 thì nay lên tới 300 triệu đồng/m2, chẳng hạn với tỷ lệ cho vay 50% giá trị tài sản, trước đây chỉ vay được 50 triệu đồng/m2 nhưng giờ có thể vay 150 triệu/m2.
Trong bối cảnh hiện nay, các thủ tục pháp lý vẫn thận trọng, vốn từ thị trường trái phiếu bổ sung cho doanh nghiệp địa ốc bị khựng lại, ngân hàng vẫn dè dặt cấp vốn cho chủ đầu tư bất động sản, thì nguồn cung vẫn hạn chế. Tuy nhiên ông Hùng nhấn mạnh phải có giải pháp xử lý việc làm giá, tạo ra thị trường khan hiếm ảo, trong đó quá trình đó có vai trò của nguồn vốn từ ngân hàng.
“Khi giá bất động sản xuống, ai sẽ chịu rủi ro? Bản thân TCTD phải thấy được rủi ro liên quan đến chính mình. Nếu cứ đầu tư mạnh vào bất động sản để đẩy giá lên và không bán được, thì chỉ cần dừng lại một dòng thanh khoản bất động sản thì sẽ cực kỳ khó khăn. Các ngân hàng cần lường trước những điều này để đánh giá đúng những rủi ro có thể xảy ra cho chính mình”, ông Hùng nhìn nhận.
Mặc dù vậy, theo ông Hùng, cần phải có cách nhìn nhận đúng đắn và có lộ trình, giải pháp cho phù hợp, không nên siết quá mức như giai đoạn 2009 - 2010, bởi bất động sản là ngành có liên quan đến rất nhiều ngành nghề, không chỉ ngân hàng.
“Không nên đặt vấn đề siết hay cấm cho vay, mà cần phải xem xét chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để không xảy ra tình trạng “sốt nóng” hoặc thị trường bất động sản “đóng băng”. Bởi điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bất động sản, mà còn tới các TCTD. Đây là vấn đề ngành ngân hàng rất quan tâm và tôi mong muốn các TCTD chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp bất động sản”, ông Hùng nêu quan điểm.
Đi trước một bước
Trong thế kẹt liên thị trường tiền tệ - vốn - bất động sản, chính sách tài khóa với tâm điểm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được cho là hướng đi khả dĩ nhất để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá chậm, chưa thông suốt. Nếu như các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều trở nên kém khả quan, cộng thêm tình trạng "kẹt vốn" có thể thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính ngầm (shadow banking), việc giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế cần được tính đến, trong đó xử lý nợ xấu cần hành lang pháp lý “đi trước một bước”.
Nghị quyết 42/2017/QH14 được Quốc hội ban hành vào tháng 8/2017 và đến tháng 8/2022 sẽ hết hiệu lực. Kể từ khi được ban hành đến nay, Nghị quyết 42 có tác động tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Trong quá trình triển khai, chính quyền các cấp đã cùng vào cuộc, tạo điều kiện thuận cho ngành ngân hàng thu hồi nợ, phát mại tài sản, chuyển đổi, hoàn thiện thủ tục pháp lý...
Đặc biệt, ý thức trả nợ của khách hàng chuyển biến rất tích cực, khách hàng chủ động phối hợp với ngân hàng xử lý nợ, trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ ngân hàng được nâng lên một cách rõ rệt, khắc phục phần nào được tình trạng “chủ nợ phải đi nịnh con nợ trả nợ” diễn ra trước đây.
Việc kéo dài Nghị quyết 42, trước mắt là tới cuối năm 2023, là cần thiết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần ban hành luật chuyên ngành về xử lý nợ xấu, trường hợp không ban hành được luật xử lý nợ xấu thì trong thời gian kéo dài Nghị quyết 42, cần sửa đổi bổ sung đồng bộ Luật các TCTD với các luật/bộ luật liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...
“Tôi mong muốn có một hành lang pháp lý để tất cả xã hội có sự bình đẳng, người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ”, Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho hay.