Trước khi biến chủng Omicron xuất hiện, Ly Chu - 20 tuổi, sống tại Jincheon, tỉnh Chungcheongbuk - cho biết chị có dự định về thăm nhà vào dịp Tết Nguyên đán 2022 khi đường bay thương mại tại Việt Nam mở lại theo giai đoạn. Với visa du học, chị Ly Chu cũng như nhiều du học sinh khác không gặp khó khăn bên phía nhà trường nếu muốn quay trở lại quê hương. Tuy nhiên, tất cả thay đổi vì biến chủng mới.
Chị lo sợ sau khi trở về Việt Nam, Hàn Quốc có thể đóng cửa đột ngột khi dịch bùng phát nghiêm trọng hơn do biến chủng Omicron dễ lây lan gây ra.
“Tôi sợ bảo lưu một kỳ học nên tôi cứ chọn biện pháp an toàn là ở lại", chị Ly Chu chia sẻ với Zing. “Tình hình dịch căng thẳng khiến giờ làm việc bị hạn chế, mà muốn về Việt Nam bây giờ cũng khó. Tôi bây giờ rơi vào cảnh về cũng dở mà ở lại cũng không xong”.
Ly Chu là một trong những người đã chờ đợi kế hoạch mở cửa của Hàn Quốc, rồi chứng kiến dự định bị phá hỏng vì biến chủng Omicron. Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố quá trình chuyển đổi sang chiến lược "sống chung với Covid-19" ba giai đoạn, dự kiến đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường vào cuối tháng 1/2022, đã bị hoãn vô thời hạn. Những lệnh nới lỏng hạn chế trong giai đoạn đầu tiên, vốn đang được tiến hành, giờ đây bị rút lại.
Theo số liệu từ cơ quan y tế quốc gia, trong một tuần qua, Hàn Quốc báo cáo trung bình 6.653 ca mắc mới mỗi ngày, trong đó có tới 4 ngày ghi nhận người nhiễm trên 7.000. Số ca tử vong trung bình 7 ngày đạt mốc 64 người.
Là đất nước được ca ngợi vì vượt qua nhiều đợt dịch, Hàn Quốc lại đối mặt tình trạng thiếu giường bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc, với hơn 80,7% số giường chăm sóc đặc biệt được lấp đầy vào chiều 20/12. Con số này ở khu vực Seoul là 87,7%. 420 bệnh nhân tại khu vực trong và xung quanh Seoul vẫn đang chờ nhập viện.
Người đi bộ tại một khu phố ở Seoul, Hàn Quốc vào cuối tháng 11. Ảnh: Reuters. |
Tiến thoái lưỡng nan
Chính phủ Hàn Quốc đã khôi phục các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ 18/12 kéo dài cho đến ngày 2/1/2022. Giữa lúc kỳ nghỉ cuối năm đến gần, đây là đòn giáng mạnh vào ngành thực phẩm, đồ uống và dịch vụ khuya từng rất sôi động tại Hàn Quốc - vốn đã quay cuồng sau hai năm liên tục đóng rồi mở - đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch của một số người Việt.
Theo quy định mới, giới chức trách cấm các cuộc tụ tập từ 4 người trở lên, kể cả đã tiêm vaccine đủ liều. Lệnh giới nghiêm cuộc sống ban đêm tái xuất, với quán bar, cà phê và nhà hàng phải đóng cửa trước 21h, rạp chiếu phim được mở cửa nhưng phải ngừng hoạt động sau 22h.
Từ ngày 13/12, chính phủ Hàn Quốc cũng bắt đầu thực thi hệ thống kiểm tra thẻ tiêm phòng vaccine Covid-19. Chỉ những cá nhân được tiêm chủng đầy đủ hoặc đối tượng có kết quả xét nghiệm âm tính mới có thể tới các cơ sở kinh doanh, chẳng hạn như nhà hàng và quán cà phê. Người dân phải đưa mã QR code trên KakaoTalk cho nhà hàng quét, nếu chưa tiêm mũi hai hoặc tiêm rồi nhưng chưa qua 14 ngày thì không thể vào, chị Hương cho biết.
Những người chưa tiêm phòng chỉ có thể ăn tối một mình, mua mang đi hoặc giao hàng tận nơi.
Vào thời điểm dịch Covid-19 tạm lắng, bên cạnh việc học, chị Ly Chu còn làm thêm tại nhà hàng để có thêm thu nhập. Thông thường, một ca làm của chị bắt đầu từ 17h đến 0h hoặc tới sáng hôm sau. Số tiền kiếm được đủ để chị trang trải chi phí sinh hoạt và một phần học phí.
Ly Chu (20 tuổi), sống tại Jincheon, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc. Ảnh: NVCC. |
Thế nhưng, tại khu vực chị Ly Chu sinh sống, người dân sợ dịch bệnh nên ngại ra đường, doanh thu quán ăn nơi chị làm việc sụt giảm trầm trọng khiến chủ cửa hàng quyết định đóng cửa sớm. “Giờ làm bị giảm nên thu nhập của tôi cũng bị giảm theo", chị chia sẻ.
Rơi vào cảnh ngộ tương tự, chị Hương Ly sống ở Seoul kể lại nhà hàng nơi chị làm việc cũng gặp cảnh kinh doanh không thuận lợi. “Thay vì làm đủ giờ, tôi phải nghỉ sớm bởi không có khách. Hầu hết bạn bè xung quanh tôi đều như vậy”, chị Hương Ly nói.
Dù công việc bị đình trệ, nhiều người Việt vẫn quyết định bám trụ lại Hàn Quốc vào dịp Tết Nguyên đán này vì nhiều lý do khác nhau.
Hương Ly cho biết kể từ khi quay lại Hàn Quốc vào tháng 12/2020 để tiếp tục học tập và làm việc, chị chưa về thăm gia đình thêm lần nào. Đã hai cái Tết chị không được đoàn viên với gia đình.
“Chuyến bay về nước còn hiếm, phải chờ đợi lâu và chi phí cũng đắt đỏ”, chị nói. “Tết năm nay cũng vậy, tôi chỉ có thể quây quần cùng gia đình qua chiếc điện thoại”.
Không chỉ vậy, một sinh viên nước ngoài tại trường đại học của chị Ly đã nhiễm biến chủng Omicron sau khi tập trung và tiếp xúc với người đi nhà thờ. Trường vì thế mà đã quyết định cho sinh viên học trực tuyến trong một thời gian ngắn. “May mắn chỉ có 1-2 ca lây nhiễm từ sinh viên đó”, chị cho biết.
Chị Hương - sinh sống tại Seoul - cũng dự định về Việt Nam trong kỳ nghỉ đông từ tháng 12 đến tháng 2/2022. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến chị hoãn lại kế hoạch này. Chị chia sẻ kể từ khi tình hình dịch căng thẳng, bản thân đã hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, chỉ “loanh quanh đi siêu thị, đi làm gần nhà và chỉ ở trong phòng”.
Tan giấc mộng mở cửa
Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế vào ngày 1/11 với mục tiêu "phục hồi cuộc sống bình thường". Nhưng việc mở cửa trở lại khiến tỷ lệ ca mắc và số bệnh nhân Covid-19 nguy kịch gia tăng kỷ lục.
Sự xâm nhập của biến chủng Omicron cũng là nguyên nhân khiến Hàn Quốc rơi vào thế đáng báo động. Với 227 ca nhiễm Omicron đã được ghi nhận cho đến nay, chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị ứng phó với kịch bản Omicron trở thành biến chủng lây nhiễm chủ đạo tại quốc gia này.
Một chủ nhà hàng chuẩn bị đóng cửa trước giờ giới nghiêm bắt đầu từ 21h. Ảnh: Reuters. |
“Tôi từng mắc Covid-19 nên hiểu khi nhiễm virus này sẽ rất mệt mỏi và để lại di chứng, do đó tôi càng lo sợ hơn khi xuất hiện biến chủng mới”, chị Hương Ly cho hay. Chị từng bị lây SARS-CoV-2 từ một người bạn hồi tháng 10, sau đợt nghỉ lễ Trung thu tại Hàn Quốc. Tại thời điểm đó, chị Ly đã tiêm một mũi vaccine, triệu chứng không quá nghiêm trọng và khỏi sau hai tuần.
Lúc đọc được thông tin về Omicron, một số người xung quanh chị Ly Chu cũng phàn nàn bởi “mỗi biến chủng cũ thôi đã quá mệt mỏi, nay lại còn thêm chủng mới”. Thế nhưng, mọi người đã “sống chung với lũ” nên họ chỉ cảm nhận đợt dịch này như một cuộc chiến và phải chiến đấu để đẩy lùi, chị chia sẻ.
Mùa lễ hội đang tới gần. Chính phủ đã kêu gọi công chúng thực hiện các biện pháp phòng ngừa bao gồm mũi tăng cường, làm việc tại nhà nếu có thể và hủy hoặc hoãn các sự kiện.
Trước thềm Giáng sinh, một số người Việt cũng đang cân nhắc lại kế hoạch trong dịp lễ và hủy các bữa tiệc, lựa chọn ở nhà tránh dịch.
“Dù hơi tiếc nhưng tôi sẽ đón Giáng sinh và năm mới tại nhà; nếu có ra đường, tôi sẽ chọn nơi vắng vẻ”, chị Hương Ly nói.