Thêm doanh nghiệp được lùi đóng phí công đoàn đến hết năm 2021

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1/2021 trước mắt sẽ được lùi đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản số 2946/TLĐ-TC về sửa đổi đối tượng được lùi đóng kinh phí công đoàn.

Quyết định được cơ quan này đưa ra trước tình hình diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sửa đổi đối tượng được lùi đóng kinh phí công đoàn. Cụ thể, về đối tượng được lùi đóng kinh phí công đoàn bao gồm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1/2021. Bao gồm cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương. 

Về thời gian, trước mắt lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021. Như vậy, với điều kiện mới (giảm từ 10% lao động tham bảo hiểm xã hội trở lên) sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được lùi đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021.

Trước đó, do tình hình diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tháng 5 năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày hết năm 2021. Doanh nghiệp thuộc diện được lùi thời gian đóng khi có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên.

Hồi cuối tháng 8 vừa qua, 14 hiệp hội doanh nghiệp cũng đã có văn bản kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc được miễn đóng phí công đoàn với các doanh nghiệp nằm trong khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Theo các hiệp hội này, chỉ một số ít (15-20%) doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất "3 tại chỗ", còn lại đa số đều buộc phải tạm ngừng sản xuất, chi trả các khoản chi phí lớn như: thuê kho bãi, nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc cho người lao động....

Hầu hết các ngành hàng đều sử dụng nhiều lao động, nên chi phí để chi tiền công, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn là lớn nhất. Việc phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc dừng sản xuất - công suất, sản lượng giảm tới 70%, trong khi chi phí liên quan người lao động vẫn giữ nguyên, chưa kể khoản lương ngừng việc - càng khiến khó khăn chồng chất, khó trụ vững dài ngày.

Các hiệp hội cũng bày tỏ lo ngại, với thực trạng các doanh nghiệp ngừng sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch kéo dài và phức tạp, điều này thực sự sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hàng triệu lao động, những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Một số hiệp hội doanh nghiệp khác cũng cho rằng, tỷ lệ trích nộp phí công đoàn 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là quá lớn và đề nghị giảm mức đóng từ 2% về tối đa 1%.