Nhà đầu tư lâm cảnh lao đao
Sau nhiều năm làm việc tại Bắc Ninh, chị P.T.T, quê ở Lục Nam, Bắc Giang có tích cóp, để dành được một số vốn hơn 3 tỷ đồng. Cuối năm 2021, chị T. thấy thị trường bất động sản tại Bắc Ninh “sốt nóng” nhiều người mua ra bán vào kiếm lợi nhuận lớn, chị T. đã dồn hết số tiền vốn dành dụm được và vay mượn người thân thêm gần 1 tỷ đồng để đầu tư 2 mảnh đất tại TP Bắc Ninh và TP Từ Sơn. Khoảng hai tháng sau khi đầu tư, nhiều “cò đất” đã liên lạc với chị T. để trả giá chênh hơn 300 triệu so với số tiền ban đầu chị T. đầu tư. Tuy nhiên vì mới đầu tư thời gian ngắn và cho rằng mảnh đất của mình sẽ còn tiếp tục tăng giá nên chị T. đã từ chối giao dịch.
Thế nhưng, ai nghĩ được chữ “ngờ”, thị trường bất động sản tại Bắc Ninh đã nhanh chóng xoay chuyển tình huống, từ “sốt nóng” đã trở thành nguội lạnh dần rồi “đóng băng” mấy tháng nay khiến các giao dịch mua bán bất động sản trên địa bàn trở nên khan hiếm. Do cần thoát vốn và trả nợ số tiền vay mượn người thân nên chị T. đã nhiều lần đăng quảng cáo giao bán 2 lô đất của mình. Dẫu rằng, nếu trước đây cò đất trả chị 1,5 tỷ đồng một lô đất có diện tích 60m2 nằm trong ngõ sâu tại TP Bắc Ninh thì đã 3 tháng nay chị T. đăng rao bán 1 tỷ 250 triệu cũng chẳng có ai hỏi mua. Còn lô đất tại TP Từ Sơn, nếu lúc trước có giá 2,5 tỷ thì giờ rao bán 2,2 tỷ cũng chẳng có ai "nhòm ngó".... Suốt ruột, chị T. lại nhờ nhiều sàn giao dịch bất động sản đăng bán cùng một lúc nhưng hai mảnh đất của chị vẫn “chẳng ma nào hỏi”.
“Đã nhiều tháng nay tôi rao bán 2 lô đất dù chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn không có người mua. Do dồn hết tiền vốn và thêm tiền vay mượn để đầu tư đất nên hiện giờ thị trường bất động sản đóng băng thế này khiến cuộc sống của tôi lâm vào cảnh rất khó khăn. Không có tiền để xoay sở sinh hoạt hàng ngày lại thêm sức ép phải hoàn trả số tiền vay mượn nên tôi cũng chịu nhiều áp lực.”- chị P.T.T chia sẻ.
Anh N.V.M ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, giữa năm 2021 anh M. có mua 1 lô đất tại Dự án Hanaka Paris Ocean Park ở trung tâm TP Từ Sơn với giá 45 triệu/m2. Do được quảng cáo rầm rộ với đầy đủ các ưu thế nên sau một thời gian ngắn, đến đầu năm 2022 nhiều cò đất đã “hỏi thăm” lô đất của anh M. với giá 65 triệu/m2. Tuy nhiên, do chưa cần tiền lại nghĩ rằng đất vàng ở TP Từ Sơn sẽ còn tăng giá tiếp nên anh M. đã từ chối giao dịch.
Thế nhưng, chỉ vài tháng sau khi nhận thấy thị trường bất động sản đang dần đóng băng, anh M. đã liên tục giao bán lô đất của mình với đủ giá, khi rao bán với giá 65 triệu/m2 không có ai mua, anh M. lại hạ giá xuống còn 60 triệu/m2, rồi lại tiếp tục hạ giá còn 45 triệu/m2 như thời điểm đầu tư ban đầu để thoát vốn nhưng vẫn không có người mua.
“Không những chỉ có tôi mà có mấy người bạn cùng đầu tư đất như tôi cũng đang “sống dở chết dở”, cần tiền mà chấp nhận giao bán lỗ nhưng vẫn không có người mua. Nếu thị trường bất động sản mà đóng băng đến sang năm thì nhiều nhà đầu tư đất sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có nhiều người sẽ bị vỡ nợ”- anh M. cho biết.
Thị trường bất động sản đóng băng, nhà đầu tư lâm cảnh lao đao như thế nào thì “giới cò” cũng khốn đốn như vậy.
Anh N. T. S. (40 tuổi) - môi giới bất động sản phân khúc đất nền ở Bắc Ninh cho biết, khoảng 5 tháng trở lại đây, thị trường bất động sản tại Bắc Ninh bắt đầu chững lại, những dự án mà công ty anh chào bán không có khách hàng tìm mua. Trong khi đó, anh S. vẫn phải chi tiền quảng cáo trên mạng xã hội để tìm khách. Lại thêm tiền xăng xe, điện thoại để dẫn khách đi xem nhưng do diễn biến thị trường “u ám” nên khách không chốt mua.
Theo anh S., lúc thị trường bất động sản sôi động, các văn phòng bất động sản đua nhau mọc lên. Còn hiện giờ, hầu hết các văn phòng này đã đóng cửa, người môi giới đã phải chạy vạy khắp nơi tìm nghề khác làm thêm để kiếm sống.
"Lúc thị trường sốt, các giao dịch mua bán dễ dàng, làm môi giới thu nhập khá ổn nên tôi đã bỏ nghề điện lực để rẽ ngang sang làm công việc này. Nhưng nhiều tháng nay gặp thị trường biến động nên tôi chưa chốt được giao dịch nào, tiền sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi tiêu. Số tiền tiết kiệm được cũng dần cạn. Mấy tháng nay, tôi phải làm thêm công việc của nhân viên bảo hiểm để có tiền chi tiêu. Nhiều anh em trong công ty tôi làm cũng đã bỏ hẳn để kiếm một công việc khác ổn định hơn.”- anh S. chia sẻ.
Theo các sàn giao dịch bất động sản tại Bắc Ninh, thực tế, mấy tháng nay giao dịch vẫn có nhưng ít, chủ yếu là khách mua nhà ở thực. Còn các nhà đầu tư hiện nay đều có tâm lý chờ đợi diễn biến của thị trường ra sao thì mới quyết định xuống tiền đầu tư. Do đó, với những môi giới lâu năm có kinh nghiệm, có lượng khách quen cố định thì họ vẫn túc tắc có giao dịch. Còn với những môi giới "tay ngang" hay mới vào nghề thì giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn nên không ít các môi giới đã quyết định bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác.
Ngành xây dựng Bắc Ninh có giải pháp gì?
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, hiện nay so với sự sôi động của thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm 2022 trên cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng thì gần đây, giao dịch bất động sản tại Bắc Ninh đã bắt đầu chậm lại, khiến nhịp kinh doanh của doanh nghiệp cũng chững lại.
Nguyên nhân là do thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn vừa qua rất sôi động dẫn đến giá bất động sản đẩy lên ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân.
Bên cạnh đó, Nhà nước ban hành nhiều chính sách giám sát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, dẫn đến tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chậm lại. Mặt khác nhiều ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, tham gia đấu giá đất; siết huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp.
“Trước thực trạng giá đất quá cao, Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương trong đó có tỉnh Bắc Ninh đã ngăn chặn không để xảy ra “bong bóng” bất động sản bằng việc không cho phân lô, tách thửa, chuyển đổi đất nông nghiệp…
Trong ngắn hạn, giá bất động sản sẽ hạ nhiệt, thị trường có phần trầm lắng, tính thanh khoản chậm lại. Đây cũng là những biện pháp này nhằm mục đích đưa thị trường bất động sản trở về giá trị thực.”- ông Dũng cho biết thêm.
Theo ông Dũng, việc bất động sản hạ nhiệt cộng với việc siết chặt tín dụng bất động sản sẽ làm cho các nhà đầu tư nhỏ bị ảnh hưởng về nguồn tiền dẫn đến không thể cân đối khi dùng đòn bẩy tài chính, buộc phải bán đi bất động sản đang nắm giữ. Nhiều người dân tham gia vào đầu cơ bất động sản cũng bị đóng vốn, không thanh khoản được và bị ép giá.
Tuy nhiên, đây là động thái tích cực, nó sẽ làm giảm tình trạng vay tiền để đầu cơ, khiến sức mua yếu đi, việc đầu cơ vì thế sẽ giảm theo, làm cho thị trường tốt lên vì chỉ còn lại những nhà đầu tư có vốn, có năng lực, muốn gắn bó lâu dài với thị trường. Điều này sẽ từng bước làm minh bạch, chuyên nghiệp hóa thị trường bất động sản.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng cho biết, để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển các dự án nhà ở, dự án đấu giá quyền sử dụng đất… đảm bảo các dự án được đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trên cơ sở phù hợp với Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các quy định của pháp luật.
Đồng thời, tập trung rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch; rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình đã đề ra và sử dụng đất có hiệu quả.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và các tổ chức tín dụng giải ngân vốn theo quy định của pháp luật để phát triển nhà ở theo dự án, cho vay để cải tạo nhà ở; khuyến khích các ngân hàng phát hành các tín phiếu, cổ phiếu tín dụng, liên doanh liên kết nhằm đa dạng hóa nguồn vốn phát triển nhà ở.
“Với những nhóm giải pháp như trên, chúng tôi tin tưởng rằng thị trường bất động sản Bắc Ninh sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.”- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh./.