Rủi ro ngắn hạn đang ở mức cao
Sau hai phiên giảm điểm liên tiếp, chứng khoán Mỹ có sự hồi phục khá tốt trong phiên đêm 7/9 và điều này phần nào đó đã hỗ trợ được cho tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index mở cửa trong sắc xanh nhưng áp lực bán sau đó dần gia tăng khiến chỉ số này dần điều chỉnh xuống sắc đỏ. Và áp lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên ATC khiến thị trường kết phiên ở mức thấp nhất.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, VN-Index giảm 8,57 điểm (-0,69%) xuống 1.234,6 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE nghiêng về tiêu cực với 151 mã tăng (5 mã tăng trần), 70 mã tham chiếu, 317 mã giảm (5 mã giảm sàn). HNX-Index giảm 1,9 điểm (-0,67%) xuống 282,15 điểm, độ rộng thị trường là tiêu cực với 115 mã giảm (6 mã giảm sàn), 49 mã tham chiếu, 73 mã tăng (7 mã tăng trần).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, VN-Index giảm 8,57 điểm (-0,69%) xuống 1.234,6 điểm.
Phần lớn các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép… đều giảm theo thị trường chung trong phiên 8/9. Hiếm hoi mới có các cổ phiếu thuộc các nhóm giảm kể trên đóng cửa trong sắc xanh và đi ngược thị trường như ngân hàng có EIB (+1%), bất động sản có NVL (+1,4%), IDC (+0,2%), VHM (+0,2%), chứng khoán có HCM (+0,6%), thép có HPG (+0,4%), VGS (+1,1%).
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), về ngắn hạn, VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ 1.225 điểm tương ứng đường trung bình MA50 ngày hiện nay và vùng giá thấp nhất tháng 7/2021. Hỗ trợ mạnh tiếp theo của VN-Index là vùng 1.200 -1.211 tương ứng hỗ trợ tâm lý và là đỉnh giá cao nhất năm 2018. Trong khi vùng 1.260 giá thấp của gapdown ngày 13/6 trở thành kháng cự mạnh ngắn hạn.
VN-Index có thể kỳ vọng phục hồi trở lại trên vùng hỗ trợ quan trọng 1.200-1.225. Đây cũng là vùng hỗ trợ của trend-line nối các vùng đáy trung hạn cao dần từ vùng 1.000-1030 thấp nhất năm 2021 và vùng 1.140-1.156 thấp nhất tháng 5, 7/2022.
“Rủi ro ngắn hạn đang ở mức cao, nhất là sau khi áp dụng chu kỳ T+2, các vị thế lướt sóng giao dịch T2 không mang lại nhiều lợi nhuận đã dẫn đến áp lực bán mạnh. Ngắn hạn áp lực cắt lỗ đối với vị thế mua lướt sóng T2 tiếp tục gia tăng ở nhiều mã. Vì vậy, nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, các vị thế đầu cơ ngắn hạn, nên ưu tiên quản trị rủi ro. Cơ cấu loại bỏ các mã yếu kém hơn so với thị trường chung khi thị trường hồi phục”, chuyên gia của SHS lưu ý.
Lực cầu bắt đáy tại các vùng hỗ trợ gần có thể giúp thị trường sớm hồi phục trở lại
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày 8/9 VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘Marubozu’ thứ 2 với giá đóng cửa nằm ngoài dải ‘Bollinger band’ dưới, kèm thanh khoản ở mức gần trung bình 20 phiên là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng đường trung bình động 50 ngày (MA50 ngày) sẽ là hỗ trợ tin cậy cho chỉ số.
“Chúng tôi kỳ vọng lực cầu bắt đáy tại các vùng hỗ trợ gần có thể giúp thị trường sớm hồi phục trở lại trong phiên hôm nay 9/9. Trong phiên giao dịch hôm nay, lực cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.225 – 1.230 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.215 – 1.220 điểm, có thể giúp chỉ số VN-Index có sự hồi phục nhất định trong phiên sáng, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công Ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại lại đường trung bình 50 phiên trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường có thể sẽ giảm vào vùng quá bán nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh trong phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bán tháo tại các nhịp giảm mạnh và tận dụng nhịp điều chỉnh để đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức 30-35% danh mục”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị./.