Thị trường lao dốc, nhà đầu tư đạp lên nhau để tồn tại

Trong bối cảnh thị trường sụt giảm, các 'cá mập' tiền mã hóa đang có xu hướng đẩy những nhà đầu tư khác đến tình trạng thanh lý, nhằm kiếm những khoản phí.

Giá trị Bitcoin giảm hơn 9%, xuống còn 18.700 USD vào đầu ngày 18/6, tiếp tục rơi xuống 17.700 USD sớm ngày 19/6 trước khi có phản ứng nhẹ, đưa giá trở lại vùng 20.000 USD sau đó. Tới tối 22/6, giá Bitcoin ở mức trên 20.000 USD.

Dấu hiệu suy thoái kinh tế ngày càng đến gần, chính sách thắt chặt tiền tệ gia tăng khiến lĩnh vực tiền mã hóa rơi vào đợt bán tháo lớn nhất lịch sử. Đồng tiền mã hóa chủ chốt khác là Ethereum cũng đang giảm hơn 11%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.

Nhà đầu tư quay lưng với nhau

Đến tối 22/6, toàn bộ thị trường tiền mã hóa vẫn tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Trong bối cảnh thị trường lao dốc, các nhà đầu tư đang quay lưng lại với nhau để kiếm lợi nhuận.

"Nhiều 'cá mập' tìm kiếm thông tin về các nhà đầu tư khác, đặc biệt là những người thế chấp nhiều tài sản. Sau đó cố gắng đẩy họ vào trạng thái thanh lý để kiếm tiền", một nhà đầu tư trên sàn phi tập trung Sushi, có biệt danh “Omakase” nói với Bloomberg.

Bitcoin lập kỷ lục buồn khi giá trị giảm liên tiếp trong 12 ngày. Ảnh: Getty.

Theo công ty phân tích blockchain Nansen, các chiến lược tương tự có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của stablecoin TerraUSD, khi mà các nhà đầu tư kiếm tiền từ chênh lệch giá giữa sàn giao dịch tập trung và phi tập trung.

“Trong bối cảnh lợi nhuận ngày càng khó kiếm, các nhà đầu tư đã bắt đầu sử dụng chiến lược thanh lý, thậm chí là 'giẫm đạp' lên nhau. Điều này sẽ càng kéo thị trường đi xuống”, Omakase bổ sung.

Phí thanh lý

Các sàn giao dịch tiền mã hóa thậm chí còn cung cấp cho người dùng khả năng vay số tiền gấp 100 lần số tiền được ký quỹ.

Một “cá mập” có thể đánh hơi thấy tín hiệu, phát hiện ra rằng nhà đầu tư khác có thể bị thanh lý tài sản khi giá đồng tiền họ nắm giữ giảm xuống một mức cụ thể. Cá mập này khi đó có thể bán tháo để kéo giá đồng tiền xuống dưới mức đó, nhằm đẩy nhà đầu tư đến nguy cơ bị thanh lý tài sản.

“Hầu hết nền tảng DeFi đều cung cấp 10-15% phí thanh lý. Việc kích hoạt đủ số lượng thanh lý sẽ gây ra một dòng chảy thanh lý trong đó một tác nhân có động lực chỉ cần giữ một lệnh bán khống để kiếm lợi cho đợt giảm giá tiếp theo”, Omakase nhận định.

Nathan Worsley, một chuyên gia về tiền mã hóa điều hành các bot máy tính được lập trình để tìm các nhà đầu tư có tài sản sắp bị thanh lý. Các bot này sẽ liên tục tìm kiếm và lưu giữ danh sách những người vay thế chấp và xem xét tình trạng tài khoản của họ.

Các "cá mập" sẽ nhận được một khoản tiền sau khi thanh lý tài khoản nợ xấu. Ảnh: CoinTelegraph.

"Khi các tài khoản không còn đủ sức để trả nợ, tôi sẽ tiến hành thanh lý và nhận được một khoản hoa hồng cũng như phí thanh lý”, Worsley giải thích.

Việc thanh lý tài sản không phải lúc nào cũng liên tục hoặc đem lại nhiều lợi nhuận, vì vậy các cá mập phải đợi thời cơ thích hợp để nắm bắt.

“Gần đây, số lượng tài khoản bị thanh lý là rất lớn. Tuy nhiên, kiếm phí thanh lý không phải là một chiến lược ổn định, đôi khi tôi không kiếm được khoản tiền nào trong suốt một tuần”, chuyên gia tiếp tục.

Theo Bloomberg, thị trường giờ đây không còn là sự cạnh tranh giữa nhà đầu tư hay các dự án tiền mã hóa mà đã trở thành cuộc chiến xem ai là người khiến hoạt động thanh lý diễn ra nhanh hơn.

Những nhà đầu tư truyền thống gọi chiến lược này là "hành động tấn công". Tuy nhiên, các cá mập bác bỏ điều này, họ khẳng định rằng loại hoạt động này là cần thiết cho thị trường cho vay và để bảo vệ các nền tảng khỏi nợ xấu.

"Tôi sẽ không coi đây là tấn công. Bởi vì nếu không có thanh lý, thị trường cho vay sẽ không tồn tại. Các khoản nợ xấu cần phải được thanh lý để bảo vệ các nền tảng cho vay", Worsley khẳng định.