Thị trường ngày 12/5: Giá thép tăng cao kỷ lục, dầu, đồng, quặng sắt... đồng loạt tăng mạnh

Chốt phiên giao dịch ngày 11/5, giá dầu, khí tự nhiên, đồng, quặng sắt và cà phê đồng loạt tăng, thép đạt mức cao kỷ lục, đường cao nhất 2,5 tháng, đậu tương vượt ngưỡng 16 USD/bushel, trong khi vàng và cao su quay đầu giảm.

Giá dầu tiếp đà tăng

Giá dầu tăng do lo ngại tình trạng thiếu xăng kéo dài, bởi sự cố ngừng hoạt động tại hệ thống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/5, dầu thô Brent tăng 23 US cent tương đương 0,3% lên 68,55 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 36 US cent tương đương 0,6% lên 65,28 USD/thùng. Giá xăng tăng 0,3% lên 2,1399 USD/gallon.

Nguồn cung nhiên liệu gián đoạn đã đẩy giá xăng tăng lên mức cao nhất nhiều năm và nhu cầu tăng tại một số khu vực.

Tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,5 triệu thùng trong tuần gần đây nhất, trong khi tồn trữ xăng tăng 5,6 triệu thùng, Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết.

OPEC nâng dự báo nhu cầu nhiên liệu thêm 200.000 thùng/ngày và dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi mạnh trong năm nay, khi sự tăng trưởng tại Trung Quốc và Mỹ làm lu mờ khủng hoảng virus corona tại Ấn Độ.

Giá khí tự nhiên tăng

Giá khí tự nhiên tại Mỹ theo xu hướng thị trường dầu tăng, bất chấp dự báo nhu cầu trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 2,3 US cent tương đương 0,8% lên 2,955 USD/mmBTU. Trong đầu phiên giao dịch, giá khí tự nhiên chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/4/2021.

Giá vàng giảm

Giá vàng giảm do lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, làm lu mờ sự hỗ trợ từ đồng USD suy yếu và các nhà đầu tư chờ đợi số liệu giá tiêu dùng của Mỹ để đánh giá lạm phát.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1% xuống 1.816,9 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm 0,1% xuống 1.834,19 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York giảm 0,1% xuống 1.836,1 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng phiên thứ 3 liên tiếp, làm gia tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng thỏi không lãi suất.

Trong khi đó, chỉ số đồng USD chạm mức thấp nhất hơn 2 tháng đã hạn chế sự suy giảm giá vàng. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4/2021, để đánh giá liệu Cục Dự trữ Liên bang sẽ bắt đầu thay đổi lập trường về lạm phát hay không?

Giá đồng tăng

Giá đồng tăng do dự báo nguồn cung giảm và nhu cầu mua vào tăng mạnh sẽ đẩy thị trường lên đỉnh cao mới.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,8% lên 10.465 USD/tấn. Trong phiên trước đó, giá đồng đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng tăng gần 40%.

Trong khi đó, giá đồng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 1% xuống 76.000 CNY (11.819,23 USD)/tấn, sau khi giảm 2,5% trong đầu phiên giao dịch.

Giá đồng cũng được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu, đồng USD chạm mức thấp nhất 2,5 tháng khiến đồng mua bằng đồng USD rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Giá thép đạt mức cao kỷ lục, quặng sắt tăng

Giá thép cây và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, do các mối lo ngại về hạn chế sản lượng và nhu cầu mùa vụ đạt mức cao đỉnh điểm, làm lu mờ việc điều chỉnh phí bởi sàn giao dịch.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng phiên thứ 6 liên tiếp và tăng 4,6% lên 6.086 CNY (947,15 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 6,9% lên 6.540 CNY/tấn, trong phiên có lúc tăng lên 6.591 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 1,6% lên 15.395 CNY/tấn.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng phiên thứ 4 liên tiếp, tăng 1,7% lên 1.307 CNY/tấn.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 19 USD lên 231 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Giá cao su giảm

Giá cao su tại Nhật Bản giảm, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố biên bản cuộc họp hàng tháng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách đang thận trọng về sự hồi phục của nước này sau đại dịch.

Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Osaka giảm 4,8 JPY tương đương 1,9% xuống 252,2 JPY/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 2,6% xuống 14.165 CNY/tấn.

Các nhà hoạch định chính sách thuộc BoJ cảnh báo về những bất ổn đối với sự phục hồi nền kinh tế của nước này, khi các hạn chế đại dịch ảnh hưởng đến tiêu thụ dịch vụ.

Giá cà phê tăng

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE tăng 2,1% lên 1,5115 USD/lb, trong tuần trước đó đạt 1,554 USD/lb – cao nhất 4 năm.

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 0,9% lên 1.532 USD/tấn.

Giá đường cao nhất 2,5 tháng

Giá đường thô đạt mức cao nhất 2,5 tháng, lên hơn 18 US cent/lb do mối lo ngại về năng suất cây trồng mía đường tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – và đồng real Brazil tăng mạnh.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE tăng 3,3% lên 18,07 US cent/lb.

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 2,9% lên 479,4 USD/tấn.

Giá đậu tương vượt ngưỡng 16 USD/bushel, ngô và lúa mì tăng

Giá đậu tương tại Mỹ tăng lên hơn 16 USD/bushel – lần đầu tiên – kể từ năm 2012, khi các thương nhân tập trung vào nguồn cung thắt chặt và thời tiết khô tại vành đai trồng ngô của Brazil.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 27-1/4 US cent lên 16,14-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 16,25-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 9/2012. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 10-1/2 US cent lên 7,22-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 11-1/4 US cent lên 7,41-3/4 USD/bushel.

Giá dầu cọ giảm phiên thứ 2 liên tiếp

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 2 liên tiếp, chịu áp lực bởi tồn trữ tăng và triển vọng lạc quan đối với cây trồng Mỹ làm lu mờ xuất khẩu trong tháng 5/2021 tăng.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 23 ringgit tương đương 0,53% xuống 4.345 ringgit (1.055,64 USD)/tấn, sau khi tăng 1,5% trong đầu phiên giao dịch.

Tồn trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 4/2021 cao hơn so với kỳ vọng thị trường, lên mức cao nhất 5 tháng (1,55 triệu tấn), do sản lượng tăng tháng thứ 2 liên tiếp, Ủy ban Dầu cọ Malaysia cho biết.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/5

 

Thị trường ngày 12/5: Giá thép tăng cao kỷ lục, dầu, đồng, quặng sắt... đồng loạt tăng mạnh - Ảnh 1.