Thị trường tiền ảo 'bốc hơi' có ảnh hưởng hệ thống tài chính truyền thống?

Lần đầu tiên trong 10 tháng qua, Bitcoin giảm xuống mức 30.000 USD, trong khi toàn thị trường tiền mã hóa bốc hơi gần 800 tỷ USD do lo ngại làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ.

So với chu kỳ thắt chặt chính sách gần đây nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào năm 2016, hiện nay thị trường tiền ảo có quy mô lớn hơn rất nhiều, làm dấy lên mối lo ngại về sự tác động của nó với hệ thống tài chính toàn cầu.

Quy mô thị trường tiền mã hóa

Theo CoinGecko, vào tháng 11/2021, khi đồng tiền ảo dẫn đầu - Bitcoin đạt mức giá cao nhất lịch sử 69.000 USD, cả thị trường tiền điện tử có vốn hóa rơi vào khoảng 3 nghìn tỷ USD. Hơn 6 tháng sau, con số này chỉ còn 1,51 nghìn tỷ USD.

Bitcoin vẫn đang là đồng tiền đóng góp vốn hóa lớn nhất với gần 600 tỷ USD, ngay sau đó là Ethereum với 285 tỷ USD.

Mặc dù tiền ảo đã có sự bùng nổ, nhưng quy mô nhìn chung còn tương đối nhỏ. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán Mỹ được định giá 49 nghìn tỷ USD, trong khi Hiệp hội thị trường tài chính và chứng khoán nhận định giá trị của các thị trường thu nhập cố định (fixed income markets: gồm thị trường chứng khoán nợ và trái phiếu) đạt 52,9 nghìn tỷ USD tính tới hết năm 2021.

Những ai đang sở hữu và giao dịch tiền mã hóa?

Ban đầu, tiền điện tử chỉ là một hiện tượng dành cho những cá nhân nhỏ lẻ, nhưng sự quan tâm của các tổ chức từ sàn giao dịch, công ty, ngân hàng, quỹ đầu cơ và quỹ tương hỗ đối với loại tài sản này ngày càng tăng theo thời gian.

Mặc dù khó có thể đưa ra dữ liệu chính xác về tỷ lệ nhà đầu tư nhỏ lẻ với các tổ chức trong thị trường tiền ảo, nhưng theo Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, quý IV/2021, các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ đang chia nhau mỗi bên nắm giữ khoảng 50% tài sản trên nền tảng này.

Cụ thể, các khách hàng tổ chức của Coinbase đã thực hiện các giao dịch có tổng trị giá 1,14 nghìn tỷ USD trong năm 2021, trong khi con số này trước đó 1 năm chỉ đạt 120 tỷ USD.

Phần lớn lượng Bitcoin và Ethereum đang lưu hành được nắm giữ bởi một số ít nhà đầu tư. Tháng 10/2021, nghiên cứu của NBER (Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ) cho thấy khoảng 10.000 nhà đầu tư Bitcoin, cả cá nhân và tổ chức, đang nắm giữ 1/3 số lượng đồng tiền trên thị trường và có 1.000 nhà đầu tư sở hữu 3 triệu đồng Bitcoin.

Theo nghiên cứu của Đại học Chicago, gần 14% người dân Mỹ đã đầu tư vào tài sản kỹ thuật số tính đến năm 2021.

Sự sụp đổ của tiền ảo có thể gây thiệt hại với hệ thống tài chính hay không?

Mặc dù thị trường tiền ảo nói chung còn tương đối nhỏ, nhưng Cục dự trữ liên bang, Bộ Tài chính và Ủy ban ổn định tài chính quốc tế đều cảnh báo những đồng ổn định (stable-coin), loại mã hóa thông báo neo giá trị với những tài sản truyền thống, có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính.

Stable-coin chủ yếu được sử dụng để tạo điều kiện cho các giao dịch tài sản kỹ thuật số khác trở nên dễ dàng hơn. Chúng được hỗ trợ bởi những tài sản có thể mất giá trị hoặc trở nên kém thanh khoản khi thị trường căng thẳng. Ngoài ra, các quy tắc về bảo mật cũng như quản lý xung quanh những loại tài sản này và quyền mua lại của nhà đầu tư đều chưa được rõ ràng.

Do đó, các đồng ổn định sẽ trở thành yếu tố làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư khi thị trường hỗn loạn.

TerraUSD, đồng ổn định mã hóa (stablecoin) được neo tỷ giá 1:1 với USD.

Chẳng hạn, TerraUSD, đồng ổn định mã hóa (stablecoin) được neo tỷ giá 1:1 với USD, đang sử dụng Bitcoin để làm quỹ tiền tệ dự phòng cho trường hợp đồng tiền này lâm vào khủng hoảng. Ngày 11/5, TerraUSD lao dốc không phanh khi mất gần 80% giá trị.

Mặc dù TerraUSD duy trì tỷ giá với USD thông qua thuật toán, nhưng với các đồng ổn định được dự trữ bằng các tài sản như tiền mặt hay thương phiếu, tác động này hoàn toàn có thể lan sang hệ thống tài chính truyền thống.