Thị trường xăng dầu “dị biệt” đưa đến hai gam màu kinh doanh sáng - tối của các "ông lớn" trong ngành

Trước diễn biến hết sức dị biệt của thị trường xăng dầu thế giới và trong nước trong 2 năm vừa qua đã đưa đến hai gam màu sáng – tối khác nhau trong kết quả sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp trong ngành, có doanh nghiệp lãi "khủng", có đơn vị sụt giảm sâu...

kinh-doanh-xang-dau-1671418800.jpg Chủ tịch Petrolimex đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc vận hành thị trường xăng dầu trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức ngày 15/12, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)  liên tục nhấn mạnh từ "dị biệt" để nhắc về thị trường xăng dầu 2 năm vừa qua...

MỚI NHẬP XĂNG DẦU VỀ CẢNG ĐÃ LỖ!

Nhắc lại diễn biến thị trường xăng dầu năm 2020 - 2022 hết sức dị biệt, ông Phạm Văn Thanh cho hay ngày 21/4/2020, giá dầu thậm chí -37 USD/thùng. Bước sang năm 2022, thị trường xăng dầu tiếp tục biến động hết sức phức tạp, có những lúc xăng dầu lên tới trên 150 USD/thùng và trong một ngày, trồi sụt tăng, giảm tới 10 USD/thùng. 

Điều này khiến cho nhiều công ty thượng nguồn (thăm dò và sản xuất ban đầu của ngành dầu khí) lãi “khủng”, chẳng hạn, 9 tháng đầu năm 2022, gã khổng lồ dầu mỏ Shell lãi kỷ lục 28 tỷ USD, Chevron lãi tới 29 tỷ USD...

Ở trong nước, năm 2022 là một năm cực kỳ thành công, về trước đích nhiều tháng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Petrovietnam (PVN). Cụ thể, PVN hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô trước 2 tháng 11 ngày, dự kiến vượt 28% kế hoạch năm; doanh thu toàn tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 tháng, ước vượt 60% kế hoạch năm 2022. 

Đáng chú ý, PVN ước nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng, ước vượt 2,2 lần kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất hoàn thành kế hoạch cả năm trước 8 tháng, ước vượt khoảng 2,9 lần kế hoạch năm 2022.

Tuy nhiên, đối với một công ty xăng dầu hạ nguồn (các đơn vị chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh và phân phối đến người tiêu dùng) như Petrolimex và các công ty kinh doanh xăng dầu, năm nay đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Petrolimex, thẳng thắn chỉ rõ các quy định của Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo về kinh doanh xăng dầu, điều hành xăng dầu không phản ánh đủ các chi phí định mức cố định, phản ánh không đủ giá vốn của xăng dầu.

pham-van-thanh-1671418872.png Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

"Khi nhập hàng về đến cảng là đã lỗ hoặc lấy hàng từ nhà máy Dung Quất, Nghi Sơn cập cảng là đã lỗ.

Trong kỳ điều hành giá tháng 2, 3 và tháng 10, 11/2022 có nhiều lúc, nhiều nơi thiếu xăng dầu cục bộ do các công ty kinh doanh xăng dầu không bán hàng bởi lỗ nặng. Áp lực này đổ dồn về phía Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, khiến một số các tỉnh, thành như TP.HCM và Hà Nội thiếu nguồn cung xăng dầu", ông Thanh giãi bày.

Trong bối cảnh đó, "Tập đoàn xăng dầu Việt Nam thể hiện vai trò là một doanh nghiệp nhà nước đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng và bán hàng 24/24, đảm bảo đầy đủ nguồn cung cho thị trường xăng dầu, đặc biệt là những thời điểm khó khăn về nguồn như dịp tháng 2, 3, 10, 11 và trong các dịp lễ, Tết", ông Thanh khẳng định.

Tập đoàn Petrolimex cũng triển khai một loạt các chương trình, dự án lớn như chuyển đổi số, tự động hóa, dịch vụ xe tải… làm tiền đề phát triển trong thời gian tới.

Như vậy, lũy kế 9 tháng, Petrolimex đạt kỷ lục về doanh thu, lên tới 225.697 tỷ đồng, tăng 88,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lãi trước thuế 9 tháng chỉ đạt 614 tỷ đồng; lãi sau thuế là 498 tỷ đồng, sụt giảm gần 80% cùng kỳ chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng mạnh.

Kết thúc năm 2022, doanh thu hợp nhất Petrolimex ước đạt 240.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch và tăng tới 42% so với cùng kỳ, lợi nhuận hợp nhất kéo lùi, ước đạt 300 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch điều chỉnh đã được Uỷ ban Quản lý vốn chấp thuận phê duyệt tại văn bản số 1990/UBQLV-CN ngày 5/12/2022 và được Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua vào ngày 6/12/2022.

BẢY ĐỀ XUẤT THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tới, Tập đoàn Petrolimex đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể với Ủy ban Quản lý vốn.

Ông Phạm Văn Thanh nêu rõ thứ nhất, đề nghị Ủy ban tiếp tục theo dõi, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn triển khai các đề án, kế hoạch đã được Ủy ban Quản lý vốn phê duyệt, chấp thuận như: Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 -2025, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 2021 -2025.

Cùng với đó, xem xét, phê duyệt các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Quản lý vốn khi tập đoàn có tờ trình, báo cáo liên quan các đề án nêu trên, như tăng vốn điều lệ Tập đoàn; tăng vốn điều lệ tại các công ty xăng dầu, thoái vốn tại PGBank, Tổng Công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC) ; tái cơ cấu Petrolimex Lào…

Thứ hai, Ủy ban tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Tập đoàn triển khai các nội dung liên quan đến việc sắp xếp lại, xử lý đất đai theo quy định pháp luật tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Thứ ba, Ủy ban có ý kiến với liên Bộ Công thương-Tài chính sớm hoàn thành sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc vận hành thị trường xăng dầu trong thời gian tới.

Thứ tư, Ủy ban có ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước về nâng mức xăng dầu dự trữ quốc gia, nghiên cứu đầu tư hệ thống kho dự - cảng trữ xăng dầu, và sửa đổi kinh phí bảo quản hàng dữ trữ để bù đắp đủ chi phí cho các doanh nghiệp tham gia giữ hộ hàng dự trữ quốc gia.

Thứ năm, hỗ trợ tập đoàn làm việc với các chính quyền địa phương, nhằm tạo điều kiện để các công ty xăng dầu Petrolimex có thể tiếp tục duy trì các cửa hàng xăng dầu hiện hữu, đầu tư mới các cửa hàng xăng dầu tại các vị trí trọng yếu đến nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn thị trường như các dự án trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, trục lộ, các thành phố lớn…

Thứ sáu, trên tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban Quản lý vốn có văn bản khuyến khích các Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn sử dụng chéo sản phẩm, dịch vụ để liên kết cùng phát triển, tối ưu hoá chi phí sử dụng sản phẩm và gia tăng lợi ích chung cho các đơn vị và Ủy ban Quản lý vốn.

Thứ bảy, Ủy ban có ý kiến với Bộ Quốc phòng cho phép Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex (PA) tiếp tục thuê kho K199 tại Đình Vũ, Hải Phòng đến khi kết thúc hợp đồng vào tháng 9/2023 để PA có thời gian chuẩn bị địa điểm kho chứa thay thế.

"Nếu phải chấm dứt đột ngột vào ngày 19/12/2022 theo thông báo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch cung cấp nhiên liệu cho các sân bay khu vực phía Bắc của Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex kéo theo ảnh hưởng đến kế bay của các hãng hàng không, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán Quỹ Mão 2023", Chủ tịch Petrolimex nêu rõ.