Thời hạn hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động không như kỳ vọng ban đầu

29 tỉnh thành còn thờ ơ để tỷ lệ giải ngân bằng 0. Nếu không có giải pháp đột phá, gói hỗ trợ này nguy cơ có thể rơi vào bế tắc, không kịp về đích đúng thời hạn.

Đến ngày 15/8 là hạn cuối cùng nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp (DN) và quay trở lại thị trường lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng tới nay số lượng hồ sơ đã phê duyệt và giải ngân chưa nhiều như kỳ vọng ban đầu.

Mới đây, Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động, nhưng thực tế 29 địa phương chưa giải ngân được đồng nào. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương còn thờ ơ dẫn tới việc giải ngân rất chậm. Trong khi việc buộc bổ sung thêm giấy tờ như hợp đồng thuê nhà, giấy tạm trú, tạm vắng… không đúng quy định của Quyết định 08 vẫn diễn ra

thu-tuong-yeu-cau-cac-dia-phuong-day-manh-tien-do-ho-tro-tien-thue-nha-cho-nguoi-lao-dong-1660017741.jpg

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và công khai trên báo chí về những địa phương làm tốt và chưa làm tốt. Trong đó 29 địa phương chưa giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Phú Thọ… đã bị nêu tên.

Một số địa phương đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ nhiều người lao động hiện nay là TP.HCM (112,4 tỷ đồng), Đồng Nai (72,3 tỷ đồng), Bình Dương (74 tỷ đồng), Bắc Giang (55 tỷ đồng), Hà Nội (45,3 tỷ đồng) được nêu gương. Nhưng những động thái này vẫn chưa giúp cởi trói giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân.

Ngay sau khi có động thái “điểm danh” hàng ngày trên truyền thông với các đơn vị làm chưa tốt, thì tỉnh Hà Nam và tỉnh Hà Tĩnh, 2 trong số 29 địa phương chưa thực hiện giải ngân do một số vướng mắc, từ ngày 4/8 đã thực hiện giải ngân hỗ trợ cho những lao động đầu tiên.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành việc chi hỗ trợ theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ cho gần 10.000 lao động với số tiền hơn 16 tỷ đồng. Đây là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai sớm và hoàn thành chính sách này. Còn lại hầu hết các tỉnh, TP đều đang chạy đua với thời gian.

Khi mà thời hạn cuối cho việc nộp hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã gần kề, các địa phương đều đang gấp rút triển khai công việc cho đúng tiến độ nhưng nếu người đứng đầu địa phương (UBND các tỉnh, TP) chưa thật sự vào cuộc, chưa thấy việc hỗ trợ này là thiết thực trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì việc giải ngân sẽ vẫn giậm chân tại chỗ.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp với chủ sử dụng lao động và chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc, sớm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.

Cùng với đó, Tổng Liên đoàn đã có công văn chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt đối với các cấp công đoàn DN, công đoàn khi công nghiệp, tăng cường phối hợp với với người sử dụng lao động và các cấp chính quyền nơi có đông người lao động phải thuê nhà, cải cách thủ tục, tạo thuận lợi để người lao động có giấy xác nhận, hoàn tất thủ tục thanh quyết toán và nhận được tiền hỗ trợ đó…

Đến ngày 15/8 là hạn cuối cùng nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và quay trở lại thị trường lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có nghĩa là còn 7 ngày để thực hiện nhận hồ sơ và giải ngân là số ngày ít ỏi. Các địa phương rất khó hoàn thành với tỷ lệ giải ngân vượt bậc. Nhưng nhận thêm được hồ sơ nào cũng đều có giá trị nhân văn to lớn. Bởi vì, với người công nhân “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Tính đến ngày 2/8, vẫn còn 29 địa phương chưa giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Bạc Liêu.

UBND cấp tỉnh, cấp huyện tại 51/63 địa phương đã phê duyệt hồ sơ của 17.356 doanh nghiệp với gần 1,2 triệu người lao động (chiếm 67% tổng số), kinh phí hỗ trợ trên 760 tỷ đồng.

Có 31 địa phương đã giải ngân hỗ trợ cho trên 620.000 lao động với số tiền 356 tỷ đồng (khoảng 5,4% so với nhu cầu dự kiến). Một số địa phương đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ nhiều người lao động là TP.HCM (112,4 tỷ đồng), Đồng Nai (72,3 tỷ đồng), Bình Dương (74 tỷ đồng), Bắc Giang (55 tỷ đồng), Hà Nội (45,3 tỷ đồng).