Sáng nay 1-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành chức năng, và đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp tại nhiều điểm cầu trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công nhân, người thu thập thấp. Hội nghị nhằm cụ thể hóa một bước chủ trương của Đảng về chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Thủ tướng nêu rõ đất nước muốn phát triển công nghiệp cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người. Nghiên cứu thực tiễn các nước cho thấy đa số các nước đều có chính sách nhà ở xã hội, như cho mua và thuê mua nhà ở xã hội. Người công nhân khi vừa bắt đầu làm việc thì không thể mua ngay được nhà ở, nên phải có các chính sách như thuê mua, trả góp… Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, theo đó, pháp luật về nhà ở hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động, như: Miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm ngàn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Đang tiếp tục triển khai nhiều dự án, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2. Một số địa phương, doanh nghiệp làm tốt vấn đề chăm lo nhà ở cho công nhân. Đây là một kết quả đáng kể.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.
Thủ tướng: Nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn
Thủ tướng cho biết ông có đến thăm công nhân ở nhiều địa phương. Thực tế cho thấy nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn, các chủ nhà trọ cũng có nhiều cố gắng và chia sẻ, các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh, môi trường…
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho hay nhà nước không thể làm tất cả các việc cùng lúc, nhưng việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm, góp phần thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược.
Hội nghị này là một dịp để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, các giải pháp cần làm thời gian tới, trong đó có vấn đề phát huy mạnh mẽ tinh thần tự nguyện, tự giác và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đảng, luật pháp của nhà nước và với tình hình, điều kiện thực tế; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các vấn đề cơ chế, chính sách tài chính, sự vào cuộc của các địa phương…
"Tôi mong muốn sau hội nghị sẽ có chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp"- Thủ tướng phát biểu.