Thực hiện “giấc mơ” về Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM

Ý tưởng về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM đã có từ cách đây khoảng 20 năm nhưng đến nay vẫn đang còn xem xét, chỉnh sửa. Nhiều chuyên gia cho rằng để xây dựng một trung tâm tài chính như vậy cần có tư duy đột phá, vượt ra khỏi khung khổ pháp lý hiện hành thì dự án mới có thể khả thi và triển khai được trong thời gian tới...

 

Tại buổi tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM” diễn ra ngày 17/2/2022 tại TP.HCM, khi bàn về việc phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng cần có tư duy đột phá.

HOÀN CHỈNH ĐỀ ÁN TRONG THÁNG 4/2022

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC), đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đã thống nhất quan điểm đây là trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại TP.HCM.

Lãnh đạo Thành phố xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đóng góp vào kinh tế đất nước cũng như tiến trình hồi phục chung. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND làm trưởng ban, các thành viên gồm chuyên gia, nhà nghiên cứu và tổ giúp việc do lãnh đạo HFIC làm tổ trưởng. Đề án cũng được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, đôn đốc tiến độ.

TP.HCM xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đóng góp vào kinh tế đất nước cũng như tiến trình hồi phục chung. Trong đề án này, TP.HCM xác định rõ mục tiêu sẽ trở thành “hub” (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân trong nước và toàn cầu.

Về tiến độ, HFIC đã lấy ý kiến chuyên gia xong và hình thành đề cương đề án, chuẩn bị nội dung cho thành phố báo cáo với 6 ý cơ bản:

Thứ nhất, nêu được sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của trung tâm này với kinh tế Việt Nam nói chung.

Thứ hai, đúc kết kinh nghiệm các trung tâm tài chính quốc tế của thế giới, so sánh với điều kiện của Việt Nam về cả kinh tế, thể chế, chính trị.

Thứ ba, xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính là gì, đối chiếu với thực trạng hiện nay. Các báo cáo cho rằng TP.HCM đã là trung tâm tài chính của Việt Nam rồi nhưng chưa chính thức, mới chỉ là dòng chảy tự phát, chưa có chính sách hỗ trợ.

Thứ tư, xác định rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM như thế nào?

Thứ năm, kiến nghị cơ chế chính sách đột phát và đặc thù, có những sandbox thử nghiệm.

Thứ sáu, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa việc xây dựng trung tâm này.

Dự kiến trong tháng 4/2022, đề án sẽ được hoàn chỉnh và báo cáo cơ quan trung ương.

Về phía chuyên gia góp ý, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng trong bối cảnh hiện nay có hai từ đang được dùng nhiều nhất nếu muốn phát triển, đó là tốc độ và sáng tạo.

Với Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM lại càng thách thức, vì khoảng cách với thế giới quá xa về mức độ hội nhập, những tiêu chuẩn thông lệ, quy mô thị trường tài chính…

Ông Thành đưa ra 5 vấn đề lớn về cách tiếp cận xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.

Một là, thể chế đột phá vượt trội có khả năng cạnh tranh quốc tế, để trung tâm này có thể cạnh tranh với các trung tâm tại Hồng Kông, Singapore, Dubai… và trở thành một điểm đến cho các nhà đầu tư lựa chọn.

Hai là, lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới chứ không phải theo cách truyền thống, tiếp cận ngay mô hình tài chính tích hợp gắn với đô thị hoá, các dịch vụ chất lượng cao.

Ba là, ngay từ đầu đã có những nhà đầu tư quan tâm Việt Nam. Điều kiện nhà đầu tư thế nào, lợi ích và trách nhiệm, cam kết nghĩa vụ của họ ra sao để tìm ra nhà đầu tư thật sự chất lượng.

Bốn là, khách hàng. Ban soạn thảo kết hợp giữa nước ngoài với trong nước, vừa có tư tưởng tài chính tiền tệ kinh tế nhưng lại gắn với câu chuyện pháp lý rất chặt chẽ để làm đề án.

Năm là, cần có một văn bản pháp lý triển khai ngay đề án.

Có một thực tế đáng buồn là một trong những đặc khu của Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước là Hải Phòng nhưng đến nay nhìn lại chưa đến đâu, một số đề án khác cũng rất ì ạch.

Ý tưởng về Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM bắt đầu cách đây 20 năm, đến nay vẫn đang chỉnh sửa, nhưng hy vọng chúng ta “dám chơi, biết chơi và nhanh” vì nếu quá 3 năm thì 5 năm này không còn đột phá, khát vọng 2025-2030 khó thành công.

“Do đó, trong bối cảnh hiện nay phải tư duy vượt khỏi khung khổ pháp lý hiện hành. Đột phá để dự án ấy khả thi và triển khai được”, ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển TP. HCM, cũng cho rằng phải có cơ chế đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút nhà đầu tư.

Thêm nữa, cần sự lan tỏa tiếng nói của các chuyên gia sẽ dẫn đến sự đồng thuận nhiều hơn, đặc biệt là sự ưu đãi và các hoạt động dịch vụ đi kèm theo hoạt động tài chính… Có như vậy trung tâm tài chính sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nhấn mạnh về khía cạnh tài chính, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho biết cần hình dung cụ thể về Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM. Đó là trung tâm tài chính có trụ sở, tòa nhà của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; hay là trung tâm về đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn; hoặc là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch… hay, trung tâm tài chính quốc tế là tổ hợp của tất cả những thứ trên.

“Đó vẫn là cách tư duy truyền thống vì hiện thế giới tài chính đang thay đổi ghê gớm. Giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… là xu hướng của 5-10 năm tới, thậm chí là lâu dài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên định vị mình như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ thay đổi. Đặc biệt, cần lưu ý đến khả năng quản lý giao dịch xuyên biên giới, giao dịch số, dữ liệu”, ông Lực nói.

ĐÃ CÓ CAM KẾT 10 TỶ USD?

Về phía doanh nghiệp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho biết từ năm 2016 đề án về một trung tâm tài chính quốc tế đã được đề xuất đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng. “Đơn hàng” nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu.

Đề án này sau đó được xây dựng theo hướng mở từng bước, theo Nghị quyết 128 và sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ. Nếu được thông qua, phía nhà đầu tư Mỹ cam kết đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó, 4 tỷ USD vào Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP.HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Cần vốn nhưng chúng ta cũng cần chọn lọc, nguồn vốn phải chất lượng cao và gắn với thị trường vốn phát triển; nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực sẽ thu hút các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, đưa nguồn vốn vào thị trường tài chính.

Thực tế, việc xây dựng trung tâm tài chính đã được các nhà đầu tư Mỹ đề xuất cách đây 6 năm, từ năm 2016 và thời gian là vàng nên nếu chậm thì Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời để đẩy nhanh thành nước phát triển năm 2045.

“Ngoài 10 tỷ USD mà các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản, chúng tôi có hơn 68 văn bản, thư trao đổi với Quốc hội Mỹ và lãnh đạo hai nước”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên IPPG, cho biết thêm.

Phía Mỹ đã có những quyết định quan trọng. Cụ thể, Mỹ xác định 6 trung tâm nổi tiếng thế giới là Disneyland, Marvel, Universal, Sea World, Knotts và SixFlags. Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm, gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TP.HCM với ước tính đưa vào được 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal vào Hà Nội cũng sẽ có thể 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) thì cũng có được 20 triệu khách/năm. Như vậy, nếu chỉ đưa ba trung tâm vào hoạt động thì chúng ta đã có đến 70 triệu khách du lịch.

Lấy ví dụ riêng Hồng Kông khi đưa Disneyland vào đã thu về 18,9 tỷ USD trong 10 năm. Quan trọng nhất là GDP tăng thêm 6%. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn nếu như TP.HCM đưa vào quy hoạch để có được một khu giải trí Disneyland.

“Phía Mỹ đã gởi email cho chúng tôi và chúng tôi đã chuyển cho TP.HCM để nghiên cứu. Đây là tin vui vì Mỹ không chỉ giúp về nguồn tài chính. Để tận dụng được điều này, chúng ta phải chạy đua với thế giới”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.