Phát hiện 2 hũ cốt ở Yên Tử: Công ty Tùng Lâm tự ý thi công

Tỉnh Quảng Ninh đang xem xét trách nhiệm của UBND TP Uông Bí và Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm trong việc tự ý thi công, phát lộ 2 hũ di cốt ở Yên Tử.

Liên quan đến việc phát lộ 2 hũ di cốt tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang xem xét trách nhiệm của UBND TP Uông Bí và Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm - doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách bằng cáp treo và các dịch vụ du lịch tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử.

Theo đó, sau khi nhận được báo cáo về việc Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm tiến hành gia cố các trụ văng cáp tời tại khu vực ga 3 cáp treo tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã phát lộ một số di vật, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Uông Bí báo cáo giải trình và xem xét trách nhiệm về việc để Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm tự ý thực hiện gia cố các trụ văng cáp tời tại khu vực ga 3 cáp treo (khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích cấp quốc gia đặt biệt Yên Tử) khi chưa thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành.

2 hũ di cốt (di vật) bị làm vỡ một mảng lớn khi Công ty Tùng Lâm tự ý thi công, phát lộ.

Theo lời kể của những người tham gia thi công (Công ty Tùng Lâm), cả 2 hũ đều bị vỡ một mảng lớn bên thân do lực tác động khi đào đất, có thể nhìn thấy di cốt xương bên trong, do đó khiến cho một phần tạp chất là đất đồi và nước lẫn vào bên trong hũ.

Như vậy, đối chiếu theo Điều 13 của Luật Di sản Văn hóa, việc Công ty Tùng Lâm tự ý gia cố các trụ cáp văng, không được sự cho phép của cơ quan chức năng đã khiến 2 hũ di cốt (di vật) bị hư hỏng một phần, có thể đã làm sai lệch di sản (nếu đúng - PV), thậm chí có dấu hiệu hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa. Còn về phía TP Uông Bí và các cơ quan liên quan có dấu hiệu buông lỏng quản lý, tỉnh Quảng Ninh cần vào cuộc làm rõ vấn đề này.

Ngoài ra, việc tỉnh Quảng Ninh “khẩn trương” an vị, hoàn táng 2 hũ di cốt sang một địa điểm khác mà không tạm nhập vào kho bảo quản của bảo tàng Quảng Ninh để quản lý, nghiên cứu, báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cũng cho thấy dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Theo đó, Điều 41 Luật Di sản Văn hóa quy định:

1. Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Căn cứ giá trị và yêu cầu bảo quản di vật, cổ vật quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định giao di vật, cổ vật đó cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.

Việc an vị, hoàn táng 2 hũ di cốt được thực hiện nhanh chóng mà không đưa về Bảo tàng Quảng Ninh để tạm lưu giữ, nghiên cứu, báo cáo Bộ VHTTDL. Thậm chí, vị trí an vị 2 hũ di cốt không đúng với vị trí đề xuất của GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và Thành ủy Uông Bí.

Trước đó, Bảo tàng Quảng Ninh đã có đề xuất “thay áo” để hoàn táng, giữ lại 2 hũ đồng để xử lý kỹ thuật nhằm bảo quản, phục hồi, trưng bày và phát huy giá trị góp phần nghiên cứu, bổ sung và hỗ trợ quá trình xây dựng hồ sơ Di sản Văn hóa Yên Tử trình UNESCO công nhận trong thời gian tới. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được thực hiện khi cả 2 hũ di cốt (di vật) đều đã được an vị, hoàn táng. Thậm chí, việc an vị, hoàn táng 2 hũ di cốt này còn không được thực hiện đúng với vị trí đề xuất của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và Thành ủy Uông Bí là ở Tháp tổ chùa Hoa Yên mà lại an vị ở khoảnh đất phía Tây chùa Hoa Yên hướng đi am Thiền Định, thác Vàng (!?).

Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.