Tiền ảo Bitcoin thất thủ trước lạm phát trong năm nay

Do tiền mã hóa liên tục lao dốc trong năm nay, nhiều người không còn nghĩ tiền ảo Bitcoin có thể là một biện pháp ngừa lạm phát giữa lúc kinh tế sa sút.

Từ lâu, những người ủng hộ tiền ảo Bitcoin luôn cho rằng tính khan hiếm của "vua tiền mã hóa" sẽ bảo vệ giá trị của nó ngay cả khi lạm phát tăng. Khác với các ngân hàng trung ương với khả năng tăng nguồn cung tiền, Bitcoin chỉ có một số lượng đồng tiền cố định để tạo ra sự khan hiếm.

Đề tài thu hút nhiều ý kiến trái chiều

Thực tế, ngay cả trước khi thị trường tiền mã hóa lao dốc, nhiều cuộc tranh luận về việc liệu Bitcoin có thể giữ giá trị hay không đã nổ ra. Nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones cho rằng, tiền ảo Bitcoin có thể là một biện pháp phòng vệ trước lạm phát, trong khi đó Mark Cuban thẳng thắn cho rằng dự báo ấy chỉ giống như một khẩu hiệu”.

Một số người dự báo theo thời gian, tiền ảo Bitcoin sẽ có giá trị nội tại trong việc lưu giữ giá trị khi số người chấp nhận nó tăng, tương tự như vàng. Những người này cho rằng Bitcoin là một tài sản sẽ không bị mất giá qua thời gian.

Dù vậy, hy vọng đó chưa phản ánh đúng thực tế, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Tới đầu tháng 10, giá Bitcoin đã giảm tới trên 59% so với thời điểm đầu năm nay, theo Google Finance.

Với tiền mã hóa, “mức độ biến động giá của nó lớn đến mức rất khó để tôi có thể xem nó như một tài sản có khả năng lưu trữ giá trị trong dài hạn”, Anjali Jariwala, người sáng lập Fit Advisors, nói với CNBC.

Anjali Jariwala cho rằng tiền mã hóa nhìn chung là một loại tài sản mới chưa thể đạt tới chức năng như của vàng hay tiền mặt “vì chúng chưa thể đổi lấy hàng hóa hoặc dịch vụ một cách dễ dàng”. Theo bà, dù khan hiếm, giá một đồng tiền mã hóa như Bitcoin vẫn chủ yếu phụ thuộc tâm lý người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, bà cũng nói rằng tiền mã hóa như Bitcoin mới chỉ tồn tại hơn 10 năm và vì thế “chưa có đủ dữ liệu lịch sử để hiểu rõ mục đích của chúng dưới thể thức một dạng đầu tư”.

Tiền ảo Bitcoin vẫn là tài sản đầu cơ

Mặc dù tiền mã hóa “chưa được chứng minh” cho khả năng lưu trữ giá trị đáng tin cậy trong dài hạn, có thể mức độ chấp nhận chúng sẽ tăng dần, còn mức dao động sẽ giảm dần, Omid Malekan, giáo sư thuộc Đại học Kinh doanh Columbia chuyên trách cho mảng công nghệ mã hóa và blockchain, nói.

“Khi tính biến động giảm dần, chúng ta sẽ hình dung chính xác hơn về cách tiền mã hóa phản ứng với những tiến triển mới về vĩ mô, như tỷ lệ lạm phát hay các động thái của FED. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh giá tiền mã hóa còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác bên cạnh lạm phát như vấn đề pháp luật, quản lý.

CNBC cho rằng, xét theo mọi khía cạnh, tiền mã hóa vẫn là một dạng đầu cơ. Jariwala khuyến nghị người dân đầu tư tiền mã hóa với số tiền mà họ có thể chấp nhận mất hoàn toàn. Bà cho rằng, đầu tư vào tiền ảo là một chiến lược dài hạn và hãy “áp dụng chiến lược này ngay cả trong tình trạng như hiện tại”.

Tiền mã hóa có thể sẽ trở thành một loại tài sản có độ trưởng thành cao hơn và có thể rào chắn lạm phát song “chúng ta chưa thể chắc chắn với viễn cảnh này cho đến khi nó xảy ra”, bà nói.