Tiền mã hóa thêm một lần 'tự diệt': Đằng sau sự sụp đổ của đế chế FTX

FTX bị hạ gục bởi một cuộc khủng hoảng thanh khoản và sự sụp đổ của 'đế chế' này có tác động vượt ra khỏi lĩnh vực tiền mã hóa.

Sự sụp đổ của FTX gây ra tổn thất to lớn đối với các công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa (Ảnh: BlockWork)

Sự sụp đổ của FTX gây ra tổn thất to lớn đối với các công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa (Ảnh: BlockWork)

Cần bao lâu để quét sạch một công ty trị giá 32 tỉ USD, hủy hoại niềm tin đối với cả một ngành công nghiệp và để lại làn sóng hủy diệt từ Phố Wall cho tới Thung lũng Sillicon(?). Trong lĩnh vực tiền mã hóa, chỉ cần 1 tuần lễ.

Sự kiện vừa qua được cập nhật liên tục trên Twitter, khi mà đế chế tiền mã hóa của Sam Bankman-Fried đi đến chỗ sụp đổ. FTX Group, một tập đoàn gồm 130 thực thể - bao gồm sàn FTX và Alameda Research, công ty giao dịch và tạo lập thị trường – đã đệ đơn xin phá sản ở Mỹ trong hôm 11/11 vừa qua.

Sam cũng rời khỏi vị trí giám đốc điều hành, đồng thời đưa ra tuyên bố trên Twitter: “Tôi thực sự lấy làm tiếc, một lần nữa, khi kết thúc như vậy. Tôi đang kết nối lại những chi tiết, nhưng tôi thực sự cảm thấy sốc khi chứng kiến những điều đã xảy ra đầu tuần này".

Sam Bankman-Fried không phải là người duy nhất bị sốc. FTX, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới, đã sụp đổ chỉ trong vài ngày hỗn loạn, bị hạ gục bởi một cuộc khủng hoảng thanh khoản khi khách hàng mất niềm tin vào họ.

Về cơ bản, đây là một dạng rút tiền hàng loạt (bank run) mà không có cơ quan quản lý cấp liên bang hay thực thể tư nhân sẵn sàng giúp đỡ FTX, hay ngăn chặn tầm ảnh hưởng lan rộng.

Tổn thất từ vụ việc này chắc chắn sẽ rất lớn. FTX và Alameda từng đóng vai trò trung tâm trong hoạt động giao dịch tiền mã hóa, thiết lập thị trường, cho vay và cứu trợ những công ty khác. FTX từng thu hút khoản đầu tư từ các công ty đầu tư mạo hiểm cỡ lớn, các quỹ hưu trí và quỹ bảo hộ. Một số trong các quỹ này đã đầu tư 32 tỉ USD cho FTX cách đây chỉ vài tháng. Giờ họ coi khoản đầu tư này bằng 0.

Vụ việc trên cũng quét sạch 215 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin và các token khác. FTX đã đóng băng tài khoản của khách hàng.

FTX US - thành viên của FTX tại Mỹ - nói rằng họ có thể phải ngừng hoạt động giao dịch trong nhiều ngày, mặc dù website chính thức vẫn hoạt động cho đến ngày 11/11, vẫn đưa ra khẩu hiệu “gia nhập vào một trong số những tên tuổi lớn nhất thế giới đặt trọn niềm tin vào FTX” cùng ảnh của Tom Brady và Stephen Curry.

Các thành viên khác cũng ngừng hoạt động rút tiền, bao gồm BlockFi, một hãng cho vay tiền mã hóa mà FTX từng vung tiền giải cứu. Nhiều tổ chức và đối tác có liên hệ với FTX chắc chắn sẽ chịu tác động, khi tiến trình phá sản được thực hiện.

Các nhà chức trách Mỹ giờ chịu sức ép lớn hơn trong việc phải siết chặt quản lý đối với một lĩnh vực vốn thiếu quy định. “Tôi hy vọng một số những công ty này lưu ý, làm việc với chúng tôi và đăng ký, hoặc chúng tôi chắc chắn sẽ phải làm điều cần làm,” Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, Gary Gensler, nói trong một hội thảo tổ chức trong tuần trước.

Hiện chưa rõ ngành công nghiệp tiền mã hóa sẽ dọn dẹp mớ hỗn độn này ra sao. Trên thực tế, niềm tin đối với tiền mã hóa vốn đã ít nay lại bị thử thách một lần nữa, làm dấy lên nhiều câu hỏi mới.

“Những người vốn đã hoài nghi về tiền mã hóa nay lại càng hoài nghi hơn. Họ không sai khi cảm thấy như vậy,” Ric Edelman, người đứng đầu Hội đồng Chuyên gia Tài chính Tài sản số, nói.

Trước khi đế chế của mình sụp đổ, Bankman-Fried từng được xem như một triết gia về tiền mã hóa. Là một công dân 30 tuổi đến từ California, tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông tạo dựng FTX và Alameda và biến chúng thành nền tảng của cơ sở hạ tầng tiền mã hóa, đóng vai trò tiên phong trong các hoạt động giao dịch, phái sinh và tạo lập thị trường.

Trong lúc FTX và các thực thể liên kết phát triển thành một đế chế nhiều tỉ USD, Sam Bankman-Fried đặt cược rất nhiều tài sản của mình.

Ông chi hàng triệu USD vào thể thao, bao gồm bảo trợ cho giải đua Công thức 1 (Formula 1). Ông cũng hứa hẹn sẽ quyên góp phần lớn tài sản cá nhân cho các tổ chức từ thiện. Ông cũng thường xuyên xuất hiện trên Đồi Capitol, tranh luận về quy định và quyên góp cho các chiến dịch chính trị với hy vọng sẽ mang tiền mã hóa vào dòng chảy chính thống.

Tiền mã hóa thêm một lần 'tự diệt': Đằng sau sự sụp đổ của đế chế FTX ảnh 1

Sự sụp đổ của FTX tác động mạnh tới giá Bitcoin (Ảnh: CoinDesk)

Sam Bankman-Fried cũng được xem như một “hiệp sĩ” tiền mã hóa – chuyên cứu giúp những công ty gặp khó trong ngành.

BlockFi và Voyager Digital đều từng được giải cứu, tuy nhiên Voyager sau đó không thể sống sót. Bankman-Fried cũng đầu tư vào các nền tảng tiền mã hóa khác, bao gồm Robinhood Markets, sở hữu 7,5% cổ phần của công ty có giá trị khoảng 570 triệu USD này.

Sự sụp đổ của FTX cũng gây ra tổn thất vượt ra khỏi lĩnh vực tiền mã hóa. Các nhà đầu tư mạo hiểm cho FTX, bao gồm những tên tuổi lớn như Sequoia Capital, Tiger Global Management và Ontario Teachers’ Pension Plan. Sequoia giờ nói rằng khoản đầu tư của họ chỉ là số 0.

Giới phân tích cho rằng sẽ còn nhiều công ty phải hứng tổn thất từ vụ việc của FTX. “Có khả năng sẽ còn nhiều công ty chịu tổn thất xuất hiện,” Lucas Nuzzi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của Coin Metrics, nói.

Tác động tức thì từ sự sụp đổ của FTX chính là nỗi sợ tiền mã hóa. Những nhà đầu tư tiềm năng đổ tiền cho các start-up giờ càng thêm phần rụt rè, theo Antonio Juliano, giám đốc điều hành của dYdX, một trong những sàn giao dịch phi tập trung lớn nhất, nói. “Điều này sẽ làm giảm sự quan tâm đối với lĩnh vực tiền mã hóa trong giai đoạn ngắn hoặc trung hạn.”

Ngoài ra còn phải kể tới xu hướng giảm trong nhu cầu tiền mã hóa bởi các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi rằng liệu token mà họ đang nắm giữ còn có thể giữ được hay không trong trường hợp một công ty bị phá sản.

FTX sử dụng tài sản của khách hàng để giao dịch tại Alameda mà không có sự đồng thuận của khách hàng, theo các báo cáo của giới truyền thông. Khi Alameda không thể thực hiện đúng như những cam kết của họ, tác động của nó lan rộng tới cơ sở khách hàng của FTX.

Các sàn giao dịch và môi giới trên vốn chủ sở hữu được Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) quản lý không cho phép sử dụng tài sản của khách hàng theo cách đó. Nhưng quy định này lại không tồn tại trong lĩnh vực tiền mã hóa. Các sàn giao dịch của Mỹ được các bang cấp phép với tư cách các doanh nghiệp chuyển tiền. Và không có cơ quan nào quản lý các hoạt động giao dịch toàn cầu như FTX, có trụ sở tại Bahamas.

Coinbase Global, sàn giao dịch lớn nhất có trụ sở tại Mỹ, trong tuần trước nói rằng “không thể nào xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt” đối với họ, và rằng họ cho vay bằng tài sản của khách hàng chỉ khi được khách hàng cho phép.

Tuy nhiên,sự sụp đổ của FTX cho thấy rõ ràng rằng sự tập trung của thị trường này nằm trong tay của một số ít công ty. Nó cũng cho thấy chỉ 2 tay chơi lớn trong lĩnh vực này cũng có thể gây chấn động tới tận 'gốc rễ' của tiền mã hóa.

Vụ việc của FTX bắt đầu khi CoinDesk báo cáo rằng bản cân đối kế toán của Alameda bao gồm token có tên FTT, được sử dụng để giao dịch và trả hoa hồng trên sàn giao dịch FTX.

Vài ngày sau, Changpeng Zhao, người đứng đầu của Binance – sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới – nói rằng ông dự định xả lượng FTT trị giá hơn 500 triệu USD mà công ty ông đã mua vào.

Chính từ tuyên bố trên, tình trạng rút tiền đồng loạt ở FTX bắt đầu.

Ngày 6/11, khách hàng của FTX ồ ạt rút khoảng 5 tỉ USD. Bankman-Fried sau đó phải tìm tới các quỹ mới nổi để bù lấp thiếu hụt, ước tính 8 tỉ USD. Ngày 8/11, Binance dường như đứng ra cứu FTX, ký một Thư Ý định (LOI) về việc mua FTX. Ngày 9/11, Binance lại xin rút, nói rằng “những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng giúp đỡ của chúng tôi.”

Bankman-Fried cũng cho hay ông chưa từng nghĩ Zhao thực sự có ý muốn mua FTX. “Chơi hay lắm, anh đã thắng,” ông viết trên Twitter, ám chỉ động thái của Zhao.

Tác động về mặt pháp lý cũng chỉ mới bắt đầu. Đảng Dân chủ tại Quốc hội đang kêu gọi thực hiện các phiên điều trần, và Nhà Trắng cũng nhập cuộc. “Những thông tin mới nhất cho thấy tại sao chúng ta cần có những quy định chặt chẽ về tiền mã hóa,” Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên.

Các cơ quan hành pháp Mỹ giờ đang mở rộng điều tra. Nếu SEC cáo buộc FTX vi phạm luật chứng khoán, họ có thể tạo ra khung pháp lý cho toàn bộ lĩnh vực tiền mã hóa.

Kể cả khi FTX chưa gặp phải vấn đề như vậy, thì các token khác cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề, ví dụ như các công ty môi giới như Coinbase hay Robinhood, nhiều ngân hàng, hãng cho vay cùng các công ty công nghệ đang cố gắng tạo dựng hoạt động kinh doanh tiền mã hóa./.