Chỉ số VnSmallcap vẫn tăng vượt trội sáng nay.
Căng thẳng có phần giảm xuống ở các cổ phiếu vừa và nhỏ trên cả 3 sàn. Trạng thái trần cả loạt đã không còn, nhưng đây vẫn là nhóm thu hút dòng tiền tốt nhất và tăng giá mạnh nhất, bất chấp hàng T+3 cực lớn đã về...
Sàn HoSE kết phiên sáng nay có 24 mã kịch trần thì 17 mã thuộc nhóm Midcap và Smallcap. HNX có 19 mã trần và UpCOM có 20 mã. Rõ ràng là so với phiên cuối tuần trước, giao dịch ở nhóm cổ phiếu nhỏ đã hạ nhiệt nhiều, nhưng so sới mặt bằng các blue-chips thì vẫn vượt trội.
Midcap trên HoSE đang thu hút dòng tiền mạnh mẽ, giá trị khớp lệnh sáng nay tiếp tục vượt qua VN30, đạt 6.213,1 tỷ đồng. Thị phần của nhóm cổ phiếu này chiếm 36,4% toàn sàn HoSE, với 3 cổ phiếu lọt Top 10 giá trị khớp lệnh toàn thị trường là GEX với 572,7 tỷ đồng giá kịch trần; SBT với 343,4 tỷ, giá tăng 6,67% chỉ dưới trần đúng 1 bước; LPB khớp 295,9 tỷ đồng, giá tăng 1,95%.
Chỉ số đại diện nhóm Midcap chốt phiên sáng tăng 1,6% với 56 mã tăng/11 mã giảm. Rổ này có 3 mã kịch trần và 24 mã đang tăng trên 2%.
Nhóm Smallcap phân hóa nhiều hơn với 118 mã tăng/54 mã giảm và chỉ số chỉ tăng 1,15%. Bù lại nhóm này có tới 14 cổ phiếu kịch trần và gần 40 mã đang tăng trên 2%. Rổ này chỉ có duy nhất NKG lọt Top 20 mã thanh khoản nhất thị trường sáng nay, với 201,2 tỷ đòng giá trị, nhưng giá đang giảm nhẹ 0,19%.
Đối với các cổ phiếu kịch trần tập trung toàn bộ trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, tính chất nhóm ngành không nổi bật. Thực ra cũng có thể nhóm một số mã cùng ngành, nhưng quy mô vốn hóa có lẽ nổi trội hơn. Lấy ví dụ các mã chứng khoán, mức tăng tốt nhất là những cổ phiếu nhỏ mang tính đầu cơ cao như PSI, IVS, VIX, VFS... Còn các cổ phiếu hàng đầu trong nhóm tăng chậm hơn đáng kể: SSI tăng 3,15%, HCM tăng 4,16%, VCI tăng 1,67%.
Cổ phiếu ngân hàng cũng vậy, NAB đang tăng 3,21%, LPB tăng 1,95% nhưng đại bộ phận các mã còn lại trong nhóm là giảm giá. Blue-chips tăng chỉ có VCB tăng 0,51%, HDB tăng 0,94%, TPB tăng 0,92%.
Số cổ phiếu kịch trần trên 3 sàn đã ít đi đáng kể so với phiên cuối tuần qua.
Giao dịch trong nhóm VN30 tiếp tục là nỗi thất vọng lớn khi mức độ phân hóa cao vẫn đang khiến VN-Index tiến triển chậm. VNM tăng 1,91%, GVR tăng 1,87%, MSN tăng 2,03% là những trụ đang đỡ chỉ số. VN-Index hưởng lợi tốt với các mã này, đang tăng 0,54% so với tham chiếu trong khi VN30-Index tăng 0,17%.
Thực tế mức giảm của blue-chips cũng không nhiều. Sáng nay GAS bốc hơi 1,14% và CTG giảm 0,92% là những cổ phiếu tạo gánh nặng đáng kể nhất. Nhóm còn lại giảm nhẹ. Vấn đề nằm ở chỗ các cổ phiếu tăng giá cũng không đủ mạnh để tạo lực kéo vượt trội nhóm giảm.
VN30 chốt phiên sáng với 15 mã tăng/12 mã giảm, thanh khoản gần 5.835,3 tỷ đồng. Mức giao dịch này tăng 51% so với sáng hôm thứ Sáu, nhưng nếu nhìn từ vòng quay T+3 của quy mô hơn 14,6 ngàn tỷ về tài khoản thì vẫn còn thấp.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mới là các mã đáng ngại nếu tính về khối lượng T+3. Tuy nhiên hai nhóm này vẫn đang duy trì được độ cao rất khả quan và thanh khoản cũng không quá nổi bật. Điều đó hàm ý rằng lực chốt lời ngắn hạn vẫn đang quan sát bình tĩnh.
Nhìn vào diễn biến cả chỉ số Midcap lẫn Smallcap sáng nay thì ban đầu thị trường cũng khá thận trọng. Đặc biệt chỉ số đại diện nhóm Smallcap còn có một nhịp lùi về gần tham chiếu và chỉ từ sau 10h mới bắt đầu tăng tốc. Thanh khoản khá thấp trong nửa đầu phiên sáng phản ánh nhu cầu chốt lời hạn chế. Điều này mở đường cho đà đi lên cuối phiên.
Trong hki đó VN-Index và VN30-Index hoàn toàn khác. VN30-Index hầu như chỉ đi ngang trong phần lớn thời gian, mức tăng cao nhất chỉ là 0,36%. Sự tách biệt trong biến động giữa các chỉ số đại diện nhóm blue-chips và phần còn lại cho thấy xu hướng đầu tư vẫn đang nghiêng về các mã nhỏ.