Tiền vào thị trường mới nổi áp sát mốc kỷ lục, cơ hội cho Việt Nam phấn đấu

02/02/2023 09:39

Tốc độ của dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi tuần qua đã áp sát mốc kỷ lục trong lịch sử. Đây là động lực lớn để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng trong tương lai gần.

nang-hang-len-thi-truong-moi-noi-se-mo-ra-nhieu-trien-vong-cho-chung-khoan-viet-nam-1675303171.jpgNâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ mở ra nhiều triển vọng cho chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Đức Mạnh

Dòng vốn cuồn cuộn chảy xuyên biên giới

Theo dữ liệu theo dõi 21 quốc gia từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), thị trường cổ phiếu và trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi đã thu hút 1,1 tỉ USD mỗi ngày trong tuần vừa qua. Tốc độ của dòng vốn chảy xuyên biên giới hiện chỉ đứng sau mức tăng khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa do COVID-19 vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, vượt qua các mức đỉnh trước đó suốt hai thập kỷ qua.

Dòng vốn chảy vào cuồn cuộn phản ánh sự thay đổi lớn trong tâm lý đầu tư năm nay sau khi các thị trường phát triển đã hoạt động kém hiệu quả trong phần lớn năm 2022. Lạm phát toàn cầu giảm khiến giới đầu tư đặt cược rằng các ngân hàng trung ương lớn tại thị trường phát triển, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm ngừng tăng lãi suất, từ đó giảm bớt áp lực lên các thị trường mới nổi.

Quyết định loại bỏ chính sách Zero-COVID của Trung Quốc cũng góp phần đáng kể. Dữ liệu của IIF cho thấy dòng vốn chảy vào nước này chiếm tới 800 triệu USD trong số 1,1 tỉ USD nêu trên. Các nước đang phát triển khác nhờ đó được hưởng lợi từ tác động dây chuyền của động thái này.

Các kênh tài sản ở thị trường mới nổi đã được hỗ trợ nhiều hơn bởi kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng những nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế tiên tiến trong năm nay. Ngân hàng JPMorgan dự kiến tổng sản phẩm quốc nội ở các thị trường mới nổi sẽ tăng 1,4% so với các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2023, tương ứng hồi phục từ con số 0 trong nửa cuối năm 2022.

thong-ke-dong-von-chay-vao-thi-truong-moi-noi-1675303207.pngThống kê dòng vốn chảy vào thị trường mới nổi. Ảnh: IIF  

Dồn mọi nguồn lực để nâng hạng thị trường

Tại lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân 2023 mới đây, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhấn mạnh Uỷ ban sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế và chủ động đề xuất Bộ Tài chính tổ chức trao đổi với các bộ, ngành liên quan để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo kế hoạch đã đặt ra.

UBCKNN cùng các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam sẽ cùng nỗ lực tập trung đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành. Từ đó tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả.

Trước đó, trao đổi với báo chí về thời điểm hệ thống công nghệ mới chính thức vận hành, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN - cho hay: "Chúng tôi đặc biệt quyết tâm đưa hệ thống nền tảng giao dịch mới KRX vào vận hành từ giữa năm 2023, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với các thông lệ của quốc tế. Đồng thời có thể được cộng điểm trong quá trình đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi".

Ông Trần Hải Hà - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng: "Nâng hạng thị trường chứng khoán là điều tất yếu và sẽ xảy ra trong tương lai. Sau nâng hạng, thanh khoản sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Đồng thời, chúng ta sẽ đứng trong top đầu, ít nhất là 3 nước đứng đầu của ASEAN."

Việc nâng hạng không chỉ phục vụ cho nhà đầu tư nước ngoài mà cả 7 triệu nhà đầu tư trong nước, tức thị trường nội địa. Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup - bổ sung thêm: "Nếu nhìn vào Qatar hay Pakistan, mặt bằng định giá sau khi nâng hạng thường tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi, kể cả về mặt chỉ số, thanh khoản lẫn giá trị tính theo P/E. Thế nhưng điều này vẫn tuỳ thuộc vào câu chuyện của Việt Nam".

Bạn đang đọc bài viết "Tiền vào thị trường mới nổi áp sát mốc kỷ lục, cơ hội cho Việt Nam phấn đấu" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#