Tiếp sau Ấn Độ, nước nào sẽ là nơi 'cơn bão' Covid-19 quét qua?

Với làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ tiếp tục tàn phá quốc gia Nam Á, nhiều nhà dịch tễ học đang cố gắng dự đoán nơi nào sẽ là “ổ dịch” tiếp sau Ấn Độ.
Tiếp sau Ấn Độ, nước nào sẽ là nơi 'cơn bão' Covid-19 quét qua?
Nigeria sẽ trở thành 'ổ dịch' Covid-19 lớn tiếp theo sau Ấn Độ. (Nguồn: Anadolu Agency/Getty)

Và các chuyên gia đang thận trọng quan sát một đất nước đang phát triển, có diện tích rộng lớn, sự chênh lệch về dịch vụ y tế và khả năng tiếp cận vaccine không đồng đều, cũng giống như Ấn Độ, đó là Nigeria.

Với 200 triệu người, đây là quốc gia đông dân nhất ở Tây Phi và là quốc gia đông dân thứ 7 trên thế giới.

Ngozi Erondui, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chatham House về An ninh Y tế Toàn cầu ở Vương quốc Anh, cho rằng "Nigeria thực sự rất dễ bị tổn thương" và "có rất nhiều điểm giống với Ấn Độ".

Khi các nước giàu không sẵn sàng chia sẻ

Thế giới sẽ không thể làm gì để ngăn cản Covid-19 tàn phá Nigeria như tình hình đang diễn ra những ngày qua tại Ấn Độ.

Việc phân phối vaccine một cách công bằng hơn có thể xây dựng một “bức tường lửa” chống lại sự gia tăng các ca nhiễm ở Nigeria, cũng như ở các nước kém phát triển khác.

Tuy nhiên, điều đó sẽ đòi hỏi các nước có kinh tế phát triển hơn trên thế giới phải chia sẻ các nguồn lực cứu hộ với các nước nghèo hơn. Trường hợp bi thảm của Ấn Độ chứng minh rằng nước giàu vaccine trên thế giới sẽ không vội vàng ra tay giúp đỡ những nước nghèo ở các lục địa xa xôi.

Trên thực tế, châu Phi cũng không hẳn đồng nghĩa với "đói nghèo". Lục địa này rất lớn và đa dạng, bao gồm 54 quốc gia với 1,2 tỷ dân đang vận hành các nền kinh tế từ lớn đến nhỏ, giàu đến nghèo, từ mạnh đến yếu.

Tương tự như vậy, trải nghiệm đại dịch của các nước châu Phi cũng rất khác nhau. Nam Phi, một trong những quốc gia giàu có trên lục địa, đã bị ảnh hưởng nặng nề vào mùa Hè năm ngoái và sau đó dịch trở lại vào tháng Giêng. Các quan chức trong khu vực ghi nhận hơn 54.000 người chết.

Tỉ lệ tử vong là 93 trường hợp trên 100.000 dân, một con số thấp hơn nhiều so với con số 175 người chết trên 100.000 dân của Mỹ, nhưng cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của toàn cầu là 38 trường hợp tử vong trên 100.000 dân.

Cho đến nay, nhiều nước châu Phi ít công nghiệp hóa hơn đã tránh được sự gia tăng thảm khốc của các ca nhiễm khi ghi nhận ít ca tử vong hơn so với các nước giàu. Tổng cộng 580.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19 trong khi chỉ có 1.600 người Nigeria tử vong do đại dịch.

Virus SARS-CoV-2 - virus "cơ hội"

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Covid-19 sẽ không đến với Nigeria và các quốc gia châu Phi khác, mà có nghĩa là nó vẫn chưa đến.

Lawrence Gostin, một chuyên gia y tế toàn cầu của Đại học Georgetown, nói với The Daily Beast: “Tôi đang nhìn thấy khả năng đám cháy Covid-19 sẽ bùng phát dữ dội trên khắp thế giới trong nhiều tuần và tháng tới. Và tôi lo lắng nhất là cho châu Phi”.

Theo ông Gostin, “cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ là một chỉ dấu hàng đầu về những gì sẽ xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình khác”.

Mặc dù có những thành phố đông đúc, các biện pháp y tế công cộng hạn chế và hệ thống chăm sóc sức khỏe chắp vá, cho đến nay Ấn Độ vẫn được xem là tương đối may mắn.

Quốc gia Nam Á này có 1,37 tỷ dân nhưng chỉ có 160.000 trường hợp tử vong cho đến tháng 3, với tỷ lệ 11 ca tử vong trên 100.000 dân.

Sau đó, vào tháng 4, một biến thể mới và dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2 được gọi là B.1.617, đã xuất hiện và lây lan khắp Ấn Độ, khiến các ca bệnh và ca tử vong tăng kỷ lục. Chỉ trong vòng vài tuần, Ấn Độ đã có thêm gần 50.000 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tăng lên 15 trên 100.000 dân.

Khi bài báo này được phát hành, làn sóng Covid-19 tại Ấn Độ đang diễn ra, nhưng xu hướng đã có giảm đi. Tỉ lệ ca mắc mới và ca tử vong đang giảm. Và trong khi dự đoán cho rằng sẽ có thêm hàng chục nghìn người Ấn Độ chết trước khi đợt tăng đột biến này kết thúc, thì ít nhất đại dịch cũng vẫn chưa trở nên tồi tệ hơn ở nước này.

Nhưng virus SARS-CoV-2 là một con virus đầy cơ hội. Nó luôn tìm đến những nơi dân cư đông đúc nhưng không có biện pháp bảo vệ. Phát tán qua không khí từ người này sang người khác, Covid-19 thiết lập một “phòng thí nghiệm” trong mỗi cơ thể mà virus lây nhiễm.

Mỗi virus SARS-CoV-2 lại biến đổi sau hai tuần lây nhiễm chừng nào nó còn hoạt động, và tìm cách tiến hóa để có thể tạo ra một biến thể mới ngày càng dễ lây lan.

Các biến thể mới giúp virus lây lan nhanh hơn nữa trong một chu kỳ tự củng cố chỉ kết thúc khi có giãn cách xã hội quyết liệt, tiêm chủng và kháng thể của những người còn sống, hoặc nhiều khả năng là sự kết hợp của cả ba phương pháp để cắt đứt đường lây truyền của Covid-19.

Không phải ngẫu nhiên mà SARS-CoV-2 phát triển mạnh ở Ấn Độ trong tháng này. Các lễ hội tôn giáo nổi tiếng đã thu hút hàng ngàn người tham dự mà không đeo khẩu trang. Trong khi đó, nỗ lực tiêm chủng của Ấn Độ rất tồi tệ. Theo thống kê, quốc gia Nam Á đã tiêm phòng đầy đủ chỉ vỏn vẹn 3% dân số, so với hơn 30% ở Mỹ. Tỷ lệ trung bình toàn cầu đối với tiêm chủng đầy đủ là cũng chỉ hơn 3% một chút.

Theo quan điểm các nhà dịch tễ học, Nigeria, với đặc điểm có nhiều những thành phố đông đúc, tỷ lệ nghèo đói cao và hệ thống y tế tồi tàn, khá giống Ấn Độ, nhưng tệ hơn ở một số khía cạnh. Ấn Độ ít nhất có một số nhà sản xuất vaccine trong nước, trong khi Nigeria lại không có. Quốc gia châu Phi phải nhập tất cả các liều vaccine từ bên ngoài.

Điều đó giải thích lý do tại sao Nigeria chỉ tiêm chủng một phần cho 1% dân số và hầu như không có ai được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ của ông Lagos dự kiến sẽ nhận được 84 triệu liều vaccine từ AstraZeneca và Johnson&Johnson trong những tuần tới. Nhưng con số đó chỉ đủ để tiêm cho 1/5 dân số nước này.

Trong khi đó, tỷ lệ mà các chuyên gia cho rằng có thể dẫn đến “miễn dịch cộng đồng” là tiêm phòng cho 3/4 dân số, mới giúp ngăn chặn hầu hết các con đường lây truyền và có thể cầm cự được đến năm 2022.

Bên thiếu hụt, bên dư thừa

Để giúp Nigeria và các quốc gia không được bảo vệ, các nước giàu trên thế giới nên ngừng tích trữ vaccine quá mức.

Tất nhiên, nhiều mũi chích ngừa hơn cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh, và ngay cả một quốc gia có nhiều vaccine cũng có thể gặp khó khăn trong việc quản lý. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vaccine cùng sự do dự của những người dân nghi ngờ về hiệu quả vaccine, có thể càng làm chậm quá trình tiêm chủng.

Shaun Truelove, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói rằng “cách duy nhất để biết Nigeria có quản lý vaccine tốt hay không là cứ vận chuyển vaccine đến nước này”.

Nguồn cung toàn cầu không phải là vấn đề lớn nhất. Mỹ, quốc gia có nhiều nhà sản xuất vaccine, đang có một kho dự trữ hơn 60 triệu liều vaccine trong khi vẫn đang tiếp tục có thêm vaccine do các nhà máy cung cấp, trong khi tỉ lệ tiêm chủng thì lại đang giảm xuống, đặc biệt là đối với những người theo đảng Cộng hòa.

Phải vài tuần sau đợt tăng Covid-19 đột biến tại Ấn Độ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden mới hứa sẽ chuyển một số lượng vaccine bổ sung cho New Delhi. Vaccine AstraZeneca thậm chí không được phép sử dụng ở Mỹ. Đối với người Mỹ, những liều vaccine đó không chỉ là dư thừa mà còn vô ích.

Vấn đề chậm trễ nghiêm trọng trong việc phát hành vaccine dư thừa đã được dự đoán từ một năm trước. Vào mùa Xuân năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng với một số đối tác công tư quốc tế, đã cùng nhau thiết lập sáng kiến Tiếp cận toàn cầu về vaccine Covid-19, hay còn gọi là COVAX.

Sáng kiến COVAX cho phép các nước giàu trả tiền vaccine cho các nước nghèo. Mục tiêu của COVAX là cung cấp 100 triệu liều vào tháng 3, nhưng thực tế chỉ giao không đầy 40 triệu liều. Ông Erondu nói “điều này đã khiến Nigeria và nhiều quốc gia thất bại [trong việc tiêm chủng]”.

Mỹ là một phần của vấn đề. Chính quyền Trump đã từ chối ký vào COVAX, một động thái phản ánh triết lý hạn hẹp “Nước Mỹ trên hết”. Chính quyền của ông Trump thời kỳ đó hoặc không hiểu, hoặc không quan tâm rằng việc tiêm chủng cho các nước nghèo cũng giúp bảo vệ các nước giàu. Rốt cuộc, virus đâu quan tâm vấn đề biên giới.

Ông Biden đã đảo ngược quyết định vào tháng Hai. Chính quyền đã cam kết 4 tỷ USD tiền mặt, biến Mỹ trở thành nhà tài trợ lớn nhất của COVAX, mặc dù có phần muộn màng.

Trong một động thái song song, ông Biden còn có dấu hiệu ủng hộ đề xuất gây tranh cãi để cho WTO miễn trừ bản quyền với vaccine Covid-19. Về lý thuyết, quyết định trên cho phép bất kỳ nhà sản xuất nào ở bất kỳ quốc gia nào có thể sản xuất liều lượng vaccine.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn chia rẽ quan điểm về việc liệu việc miễn trừ bản quyền có dẫn đến nhiều liều vaccine được chuyển đến các quốc gia có nhu cầu hay không.

Trong khi đó, nhiều quốc gia giàu có hơn đã chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết COVAX. Trong khi đó, các chủng virus SARS-CoV-2 tiếp tục nhắm đến mục tiêu là các nhóm dân số không được bảo vệ từ vùng này đến khu khác.

Nigeria đang sắp trở thành "tâm bão" Covid-19. Thế nhưng, có thể quốc gia Tây Phi này không phải chịu chung số phận như Ấn Độ. Vì vaccine đang có sẵn. Các cơ chế hiện nay sẽ đưa vaccine đến các nước cần nhất. Điều đáng nói là nhiều nước có thừa vaccine nhưng lại không đánh giá cao tầm quan trọng của việc chia sẻ vaccine với quốc gia khác.