Các nhà khoa học tại các trường đại học của Mỹ bao gồm Yale, California, Berkeley và Duke đã phối hợp cùng Đại học nông nghiệp Tao Chen Huazhong (Trung Quốc) để phát triển một phương pháp giúp thực vật có khả năng chống chịu tốt hơn trước thời tiết nắng nóng.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thời tiết nắng nóng đã khiến axit salicylic (một loại hormone của thực vật) bị suy yếu. Điều này khiến khả năng phòng vệ của chúng mất đi tác dụng trước sự tấn công của côn trùng và mầm bệnh.
Để ngăn chặn sự sụt giảm axit salicylic do nắng nóng, các nhà khoa học đã tiến hành giải trình tự gene của cây trồng ở các nhiệt độ khác nhau nhằm tìm ra loại gene làm suy giảm hormone axit salicylic. Từ đây, họ đã phát hiện CBP60g chính là gene khiến khả năng phòng vệ của cây lương thực bị mất đi.
Nhóm nghiên cứu giải thích: khi CBP60g ngừng hoạt động vì quá nóng, nó sẽ đồng thời khiến việc sản xuất protein (chìa khóa tạo ra nhiều axit salicylic) cũng bị ngừng lại và làm cho sức phòng vệ của cây bị giảm sút.
Chính vì vậy, họ đã phát triển gene CBP60g đột biến có khả năng hoạt động dưới cả thời tiết nắng nóng, nhằm ngăn chặn sự tấn công của mầm bệnh và sâu bọ.
Theo Đài Euronews, các loại cây lương thực như cải dầu và cải xoong đang cho kết quả khả quan khi được thử nghiệm với gene CBP60g đột biến.
"Nếu đột biến gene này giúp các cây trồng lương thực thông thường khác thích ứng được với điều kiện nắng nóng, nó sẽ giúp năng suất cây lương thực vẫn được đảm bảo ổn định", Euronews cho biết thêm.
Tuy nhiên, việc áp dụng gene CBP60g đột biến lên cây lương thực sẽ vẫn cần thời gian đánh giá thêm, bởi nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết được liệu hương vị và độ an toàn có được đảm bảo hay không.